Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Rợn người trước tục chôn cất ma cà rồng xưa

Những cách chôn cất "í ẹ" của người xưa đối với người bị nghi là ma cà rồng...
Mặc dù khoa học phủ nhận sự tồn tại của ma cà rồng nhưng bằng chứng còn sót lại về các xác chết được chôn cất bí ẩn vẫn lôi kéo được sự quan tâm của nhiều người. 

Cư dân sinh sống ở vùng nông thôn ở châu Âu thời Trung cổ tin rằng, những xác chết mới chôn có thể hồi sinh và biến thành ma cà rồng, chúng sẽ quay trở lại hãm hại con người. Đó là lý do tại sao họ lại sử dụng nhiều cách chôn cất rùng rợn để ngăn cản sự trở về của những “hồn ma” đó. 

1. Dùng thanh sắt đâm vào ngực


Theo quan niệm của người Trung cổ, trước khi chôn cất những người bị coi là ma cà rồng, thi thể người chết sẽ bị đâm thanh sắt hoặc thanh gỗ sồi, gỗ bạch dương vào ngực. Đây là một nghi thức mai táng ma cà rồng phổ biến ở các làng quê ở Bulgaria, nó được duy trì tới tận thập niên đầu của thế kỉ 20. 

Người ta tin rằng, các thanh sắt hoặc gỗ sẽ ghim chặt "kẻ xấu" xuống mộ, ngăn họ thức tỉnh vào lúc nửa đêm và đe dọa những người còn sống.


Ở Bulgaria, trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được tổng cộng hơn 100 hài cốt được cho là ma cà rồng, bị đâm qua ngực. Điểm đặc biệt của các bộ hài cốt này đều là nam giới và thường thuộc tầng lớp quý tộc hoặc giáo sĩ. 

2. Chặt đầu

Người Xlavơ có niềm tin đặc biệt rằng, ma cà rồng tồn tại gây ra sự chết chóc nên rất sợ sự xuất hiện của chúng và sợ cái gọi là “dịch ma cà rồng” ở vào cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Vì vậy, họ kiên quyết chôn những người bị tình nghi là ma cà rồng bằng hình thức rất dã man: chặt đầu.


Thông thường, trong quan tài sẽ có một cây Thánh giá, túi đựng tro của một loại thực vật đặc biệt nhằm ngăn chặn ma cà rồng rời khỏi mộ. Hạt thuốc phiện và hạt kê được rải xung quanh các ngôi mộ chôn ma cà rồng nhằm trì hoãn việc chúng có thể “cấu kết” với nhau. Quần áo của những xác chết này bị đóng đinh hai bên. Người thực hiện nhiệm vụ mai táng sẽ chặt đầu của kẻ xấu số và đặt ở giữa 2 chân của họ. 


Tháng 8 năm 1999, xác một người phụ nữ thời đầu Trung cổ được khai quật tại Olomouc, Moravia với cổ tay và mắt cá chân buộc chặt vào nhau, mặt úp xuống, các bộ phận khác của cơ thể bị chia cắt làm nhiều phần. Đây được coi là hình thức chôn cất rùng rợn nhất, thể hiện sự giận dữ của người Trung cổ lúc bấy giờ với người bị coi là ma cà rồng.

3. Đặt gạch vào miệng

Trong lúc khai quật những ngôi mộ tập thể của khoảng 1.500 nạn nhân chết vì bệnh dịch hạch vào khoảng thế kỉ 16 trên đảo Lazzaretto Nuovo (Venice) người ta tìm thấy bộ xương một phụ nữ với viên gạch trong miệng. Xác chết này đã gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.


Các văn tự thời Trung cổ cho thấy, con người thời đó tin có ma cà rồng là do họ thấy thi thể sau khi chết bị phân hủy “một cách kỳ lạ”. Trong thời kỳ xảy ra đại dịch, những hố chôn thập thể thường được đào lại lên để chôn tiếp các xác chết mới.

Người đào hố khi đó thấy những xác chết cũ bị phù lên, máu rỉ qua miệng và xuất hiện một lỗ không thể giải thích được trên tấm vải liệm phủ mặt người chết. Vì vậy, họ nghĩ xác chết vẫn còn sống, đi hút máu người và “ăn tấm vải liệm”. 

“Những kẻ ăn vải liệm” được cho rằng chính là ma cà rồng, phù phép làm cho đại dịch bệnh lan rộng để số lượng ma cà rồng tăng lên. Người Trung cổ đã nghĩ ra cách đặt một viên đá to vào miệng người bị coi là ma cà rồng để họ không thể ăn hay đi hút máu người được và sẽ bị chết đói.


Tuy nhiên, khoa học pháp y hiện đại đã chỉ ra rằng, thi thể người chết bị phù lên là do có sự hình thành khí, dòng máu rỉ ra từ miệng là do nội tạng phân hủy bên trong đẩy ra. Tấm vải liệm bị thủng một lỗ có thể là do vi khuẩn ở trong miệng xâm lấn. 

Vì thế, niềm tin tồn tại ma cà rồng là không có cơ sở xác thực. Tất cả những hủ tục chôn cất người bị coi là ma cà rồng chỉ là sự mê tín của con người lúc bấy giờ với kẻ “ăn tấm vải liệm”.

Theo Kenh14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét