Kính gửi cô Hạnh Dung! Cháu 21 tuổi, đang học đại học năm thứ ba.
Cháu
và anh quen nhau tình cờ, anh hơn cháu đến 12 tuổi. Anh đã nhiều lần
ngỏ lời nhưng cháu cứ trốn tránh. Phần cháu lo gia đình không chấp nhận;
phần nữa vì cháu và anh khác nhau về mọi mặt. Cụ thể, anh lớn tuổi hơn
quá nhiều; học vấn chênh lệch: anh chỉ học trung cấp, đang làm kỹ thuật
viên điện; cháu ở thành phố, quê anh rất xa; nhà cháu khá giả, nhà anh
nghèo. Nhiều lúc trò chuyện, quan điểm của cháu và anh về cuộc sống rất
khác nhau. Ba mẹ cháu cũng bảo không nên quen người cách mình nhiều tuổi
quá, vì rất khó hiểu nhau.
Anh cháu khuyên nên chọn người có trình độ bằng hoặc hơn mình, nếu lấy chồng trình độ thấp hơn, sau này sống chung khó hòa hợp. Cháu đã trải qua vài mối tình nhưng không sâu đậm. Quen biết nhau ba năm nên cháu cũng quý mến anh. Anh yêu thương cháu thật lòng, chăm sóc, quan tâm từng chút; trước giờ chưa có người bạn trai nào đối xử với cháu tốt như thế. Cách đây một tuần, anh lại ngỏ lời, cháu lại trốn. Cắt liên lạc với anh, cháu thấy buồn và rất cô đơn. Cháu muốn hỏi cô, cháu đã yêu anh chưa hay chỉ buồn vì đã quen có anh bên cạnh? Cháu có nên chấp nhận tình cảm của anh và nếu như thế, cháu phải đối mặt với gia đình thế nào? Tâm trạng cháu đang rối bời. Thanh Hà (Q.5, TP.HCM) Cháu Hà mến, Dù đang “rối bời” nhưng cháu vẫn có nỗi băn khoăn rất tỉnh táo và cần thiết: “cháu đã yêu anh chưa hay chỉ buồn vì đã quen có anh bên cạnh?”. Ba năm không phải là một thời gian ngắn, cháu lại luôn nhận được sự “chăm sóc, quan tâm từng chút” của anh ấy với tâm trạng “trước giờ chưa có người bạn trai nào đối xử với cháu tốt như thế”. Trong bối cảnh ấy, sự quý mến, thân thuộc, tin cậy và cả sự cần thiết có nhau rất dễ khiến người ta ngộ nhận đó là tình yêu. Câu trả lời, thật ra, cháu đã có sẵn: đến lúc này cháu vẫn chưa yêu, vẫn cứ trốn tránh khi anh ấy ngỏ lời. Vướng mắc lớn nhất ngăn cản sự phát triển tình cảm của cháu với anh ấy, Hạnh Dung nghĩ, không phải vì gia đình, vì những chênh lệch cháu đã kể, mà nằm ở vấn đề “quan điểm của cháu và anh về cuộc sống rất khác nhau”. Chắc cháu cũng biết, không ít đôi chênh lệch tuổi tác còn hơn hai cháu nhiều nhưng vẫn chung sống hạnh phúc. Đúng là tuổi tác và sự cách biệt trình độ sẽ gây ra những bất đồng, khó hòa hợp, nhưng khi đã thật sự yêu thương và cần có nhau, nhờ sự cảm thông, hiểu biết và chia sẻ, khoảng cách đó sẽ dần được lấp đầy. Nếu mỗi người trong cuộc biết cố gắng tìm cách dung hòa, biết tôn trọng người kia và bớt nghĩ đến cái tôi của mình một chút, kết thúc sẽ có hậu. Tuy nhiên, khi đã nhận ra quan điểm về cuộc sống rất khác nhau, mà không tìm được cách dung hòa, cuộc sống chung chắc chắn sẽ là bi kịch. Theo Hạnh Dung, nếu cháu chỉ mới thấy mình có sự quý mến thì nên thẳng thắn bày tỏ với anh ấy, đừng trốn tránh nữa. Không ỡm ờ để anh ấy quá hy vọng nhưng cũng nên giữ một người bạn tốt, hết lòng với mình. Biết đâu sau này, sự chân thành của anh ấy sẽ chinh phục được cháu, những cách nghĩ bất đồng có thể tìm được tiếng nói chung. Cháu cũng nên mở rộng giao tiếp để có thêm bạn bè, để không quá lệ thuộc vào sự có mặt bên cạnh của anh ấy, không quá cô đơn như bây giờ. Mở lòng ra cũng là một liều thuốc thử cho mối quan hệ của hai cháu. Con đường trước mắt cháu còn dài, tình yêu chưa định hình thì đừng cố buộc mình vào. Điều gì đến sẽ đến. Cháu cũng đừng quá lo chuyện gia đình phản đối. Giả sử quyết định đến với anh ấy, cô tin cháu sẽ thuyết phục được gia đình, nếu chứng minh được anh ấy là người có thể đem lại hạnh phúc cho cháu. Gia đình cháu là một gia đình trí thức, có lẽ sẽ không quá câu nệ những chênh lệch gia thế. Cha mẹ nào chẳng mong con mình có được người chồng tốt, hết lòng yêu thương vợ và đủ sức làm trụ cột gia đình. Những yêu cầu đó, hình như anh ấy không thiếu. Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét