Nóng từ Ba Lan: Ở Warsaw, cũng có một V-League
Thứ Tư, 30/05/2012, 10:27 AM (GMT+7)
(Bong da) - Khi Lazio gặp Inter Milan hay Chelsea gặp M.U ở nước ngoài, đó là những trận đấu của thương hiệu và đồng tiền. Nhưng khi “Sông Lam Nghệ An” và “CLB Hà Nội” gặp nhau trong một buổi chiều nắng đẹp của Warsaw, thì đó là trận đấu của tình yêu bóng đá và tình đồng bào.
BÓNG ĐÁ 24H LUÔN CẬP NHẬT NHANH NHẤT, 15 PHÚT SAU KHI CÁC TRẬN ĐẤU KẾT THÚC ĐÃ CÓVIDEO CLIP BÓNG ĐÁ VÀ THỂ THAO
Cũng giống như cách chúng tôi khám phá không khí EURO 2012 trên đường phố Ba Lan, cảm giác ban đầu là sự thất vọng. Địa chỉ Việt đầu tiên phóng viên tìm đến ở Warsaw là một nhà hàng đồ ăn Việt rất nổi tiếng. Nhưng ở đó, ông chủ, một thương nhân với hàng chục nhà hàng đồ Việt trên khắp Ba Lan, không thực sự mặn mà với việc chia sẻ thông tin. Nói về bóng đá, ông cười nhẹ: môn thể thao ông ưa thích, như hầu hết những người có thu nhập tính bằng triệu USD/tháng, là đánh golf.
Nhưng may mắn là vị thương nhân kia cũng cho chúng tôi địa chỉ một khu trung tâm thương mại lớn ở ngoại ô Warsaw, địa điểm tập trung làm ăn của người Việt. Và ở đó, những người lao động và tiểu thương Việt mang đến cho chúng tôi một cảm giác khác. Cảm giác của gia đình.
Chúng tôi đến chợ, tham quan một vòng, rồi quyết định đi vào một cửa hàng nơi có hai vợ chồng người Việt đang ngồi. Chỉ sau một câu “Anh có phải người mình không ạ?” bằng tiếng Việt, là ghế được kéo, cà phê được gọi, sổ sách được dẹp sang một bên và câu chuyện giữa “người mình” bắt đầu.
Anh Châu, người bán buôn quần áo, lúc đầu vẫn có phần e ngại bởi: công việc kinh doanh, dù là ở nơi nào trên thế giới, lúc nào cũng có những điều khó chường lên mặt báo. Nhưng khi xác tín rằng chúng tôi là phóng viên thể thao và chỉ thể thao, câu chuyện rẽ sang một hướng cởi mở hơn. Anh mở két lôi ra một tấm vé EURO: “Kinh tế đang khó khăn, nhưng bà con mình cũng đi xem đông lắm”. Đó là vé đặt trước một trận đấu của vòng knock-out có mặt Ba Lan nếu đội tuyển này qua vòng bảng. “Mình cổ vũ Ba Lan, dù sao thì cũng đang ở tại nước người mà”.
Theo lời giới thiệu của anh Châu, chúng tôi đi đến quán phở Hiên ở gần trung tâm thương mại. Đó không đơn thuần là một quán-bán-đồ-ăn (như nhà hàng đầu tiên chúng tôi đã tới), mà là một địa điểm gặp gỡ “trà dư tửu hậu” của những người lao động Việt quanh đó, một cái “quán quen” theo cách nói ở ta.
Một nhóm bạn đang tụ tập nói chuyện bóng đá, nhìn thấy chúng tôi tay xách nách mang những máy ảnh và máy tính, hỏi có phải nhà báo không, rồi mời sang bàn uống nước. “Uống nước” ở trường hợp này là một tổ hợp hoàn chỉnh của: trà đá + những câu chuyện tếu táo + những tâm sự mưu sinh + những câu hỏi về quê quán, nhà ở phố nào, xã nào, chuyện các cụ ở quê và các cháu đi học. Một kiểu “uống nước” không thể lẫn đâu được. Của người Việt ta.
Tất nhiên bóng đá vẫn là chủ đề chính. Một vài anh trách móc “thằng Chelsea” vì đã hạ gục 2 đội bóng đẹp của châu Âu để đăng quang Champions League. Rồi một người trong nhóm sực nhớ ra thông báo: Hazard “nó” về Chelsea rồi đấy, thế là lại bàn tán rôm rả chuyện chuyển nhượng mùa Hè. Họ vẫn xem bóng đá cùng nhau như một cuộc sinh hoạt cộng đồng nơi đất khách. Ông chủ quán đang đứng quầy cũng chêm vào: “Mấy hôm nữa đến đây mà xem, tụ tập đông lắm”.
Anh Toại (bên phải), người đã tận tình giúp đỡ các phóng viên
Ông chủ quán phở Hiên cương quyết không lấy tiền phở. Anh Toại bắt chúng tôi đứng chờ ở sân ga để chạy đi mua vé cho cả hai người. Anh Quang mua SIM điện thoại và nhẫn nại đứng cào thẻ rồi nạp tiền cho chúng tôi. “Có việc gì nhớ phải gọi đấy” - anh nhắc. Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài câu cám ơn nữa. Đã đi 10.000km, thế mà lại được về nhà…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét