Phần lớn cha mẹ đều nhận thức được rất rõ tác dụng của những lời khen ngợi nhưng liệu chúng ta có đi quá xa chăng? (Ảnh minh họa)
Trong
vài thập kỷ qua, các bậc phụ huynh ở rất nhiều nơi trên thế giới đã đi
theo con đường để trở thành những ông bố, bà mẹ “tích cực”, có nghĩa là
khen con rất nhiều. Nhưng đối với nhiều người, đưa ra lời khen khi con
làm được một việc gì đó dường như còn mang tính tự phát: “Con đã ăn xong
rồi à, con của mẹ giỏi quá!”, “Con đã biết tự đi vệ sinh rồi đấy, hãy
gọi điện cho bà và nói rằng con thật là một cô bé giỏi giang đi”. Những
câu nói này nghe có vẻ khá quen thuộc? Phần lớn cha mẹ đều nhận thức
được rất rõ tác dụng của những lời khen ngợi nhưng liệu chúng ta có đi
quá xa chăng? Cha mẹ và thầy cô đã khen ngợi trẻ quá nhiều đến nỗi bắt
đầu làm mất đi ý nghĩa thực sự của những lời khen.
Trẻ
em có được lòng tự trọng từ những thông điệp mà chúng nhận được và
thông qua sự tương tác của chúng với thế giới bên ngoài. Khen ngợi quá
nhiều có thể làm mất đi động cơ thúc đẩy của trẻ. Nếu một đứa trẻ được
nói rằng tất cả những điều nó làm đều thật tuyệt vời thì sau đó nó sẽ
không thể hiểu được khi nào thì nó làm được việc gì đó thực sự là tuyệt
vời. Cha mẹ càng khen ngợi trẻ thì trẻ càng mong chờ được khen ngợi. Và
dần dần chúng sẽ trở nên “nghiện” khi nghe những lời khen. Nếu chúng
không được khen thường xuyên, chúng sẽ cảm thấy hoang mang: “Tại sao mình lại không được khen, mình đã làm điều gì sai chăng?”, và thậm chí làm trẻ mất đi sự tự tin của chính mình”.
Động viên và khen ngợi
Động viên
được coi là một công cụ xây dựng sự tự tin mạnh hơn so với khen ngợi và
không hề có tác dụng phụ. Sự khác nhau này là rất mong manh nhưng lại
rất quan trọng. Khuyến khích động viên chú trọng vào quá trình của những
gì mà trẻ làm trong khi đó khen ngợi lại chú trọng vào kết quả. Động
viên đề cao sự nỗ lực, tiến bộ, sự tham gia, đóng góp hay thể hiện sự tự
tin của trẻ nhưng khen ngợi lại liên quan đến kết quả mà trẻ đạt được.
Một phụ huynh biết động viên con cái là người sẽ nói cho trẻ những phản
hồi về hoạt động của trẻ nhưng đảm bảo rằng những phản hồi đó mang tính
thực tế và sẽ mang lại hiệu quả tích cực chứ không phải là tiêu cực.
Một
phụ huynh biết động viên trẻ là người sẽ ghi nhận những nỗ lực của trẻ
trong quá trình thực hiện và giúp trẻ nhận ra rằng sai lầm là một phần
của quá trình học tập do vậy họ không quá coi trọng đến kết quả.
Không phải là không nên khen ngợi trẻ mà các bậc phụ huynh chỉ cần điều chỉnh một chút lời khen của mình đúng lúc, đúng chỗ. (Ảnh minh họa)
- Khen ngợi chú trọng tới kết quả hơn là sự nỗ lực cố gắng. “Bạn trông thật là xinh xắn trong bộ đồ này”.
- Khen ngợi thường bắt đầu từ cảm xúc của người khen hơn là của người được khen. “Con làm cho mẹ rất tự hào về con”.
- Khen ngợi thường không rõ ràng: “Con rất giỏi” hay “Con làm tốt lắm”.
- Khen ngợi thường mang tính phóng đại: “Anh là một người vẽ đẹp nhất mà tôi từng biết”.
-
Động viên rất rõ ràng, cụ thể: “Con đã tô màu cả bức tranh và dùng hầu
như tất cả các màu trong hộp. Con đã tập trung gần 1 tiếng đồng hồ rồi
đấy!"
-
Động viên thường chú trọng vào cảm xúc của trẻ chứ không phải của người
lớn “Dường như con rất tự hào về mình đúng không? Con đã nghĩ là con
không làm được nhưng cuối cùng con đã làm được điều đó!”.
-
Động viên đề cao sự cố gắng chứ không phải là kết quả. “Thầy biết rằng
em đã thực sự rất tập trung cho dù có rất nhiều điều thú ví hơn ở bên
ngoài”.
Động viên dựa vào thực tế: “Con đã tiến bộ rất nhiều đấy, trước đây, con đã không thể ném quả bóng xa như thế!”
Tóm lại,
không phải là không nên khen ngợi trẻ mà các bậc phụ huynh chỉ cần điều
chỉnh một chút lời khen của mình đúng lúc, đúng chỗ mà thôi. Cũng giống
như một đứa trẻ đang đứng trên cả một núi kẹo thì nó sẽ không cảm thấy
hứng thú với một bữa tiệc nữa. Bạn có nhận thấy rằng có rất nhiều cách
để động viên trẻ hơn là khen ngợi trẻ? Hãy cố gắng nuôi dưỡng trẻ ngay
từ hôm nay bằng những lời nói của bạn để chúng có thể lớn lên thật tự tin và mạnh mẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét