Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

NGHỆ SĨ ĐÌNH HẠP: NỈ NON SÁO TRÚC, NHỊ CẦM - Võ Quê

Nghệ sĩ ĐÌNH HẠP



Nghệ sĩ Đình Hạp sinh năm 1938 tại làng Tả Kiên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Từ nhỏ, Đình Hạp có năng khiếu âm nhạc khi được tiếp cận với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tế lễ tại các đình, đám ở trong làng, xã quanh vùng. Do gia đình có truyền thống hoạt động cách mạng, đã có nhiều cống hiến vào các phong trào kháng chiến chống Pháp nên tình yêu nước, tình yêu quê nhà cũng được nung nấu, hình thành trong tuổi thơ Đình Hạp cho đến lúc lớn khôn.

Năm 17 tuổi (1955) Đình Hạp đã cùng người anh ruột vượt tuyến ra Bắc với tâm nguyện góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân, dành độc lập tự do, thống nhất tổ quốc. Xuất phát từ niềm say mê âm nhạc, trong khi ông anh theo học ngành múa thì năm 1958 đình Hạp thi vào ngành trung cấp nhạc dân tộc tại Trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam. Trong ba năm theo học ở nhà trường, Đình Hạp chuyên tâm rèn luyện hai loại nhạc cụ dân tộc là đàn nhị và sáo trúc, tập trung học hỏi phương pháp ký âm nhạc dân tộc.

Năm 1961, vừa tốt nghịêp trường Quốc gia Âm nhạc, Đình Hạp xin vào công tác tại Đoàn Ca kịch Trị Thiên (nay là Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế) đang đóng tại Mai Dịch, Từ Liêm Hà Nội, trong khi người anh của Đình Hạp đã là giảng viên Trường Múa Việt Nam. Trong quá trình ở Đoàn, Đình Hạp đã có điều kiện thực hành sở học nhà trường vào môi trường mới. Đình Hạp đã cùng các đồng nghiệp thường xuyên gặp gỡ, trình tấu, rèn luyện kỹ năng các nhạc cụ. Âm thanh réo rắt của đàn nhị, tiếng véo  von thanh thoát của sáo trúc cùng hòa âm với các ngón đàn của các nhạc hữu khác đã giúp Đình Hạp định hình tài năng cùng thực tiễn sân khấu, ca kịch Trị Thiên. Tại Đoàn, Đình Hạp căn cứ vào tính năng của từng loại nhạc cụ, các bài bản lớn của ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên mà viết những bài nhạc cho riêng từng loại đàn tranh, tỳ bà, nguyệt cầm, nhị hồ... Đình Hạp đã có những thành công nhất định khi viết nhạc nền cho một số vở ca kịch Huế như "Con gà chân chì", "Phụng Nghi Đình", "Hoãn cưới" cùng nhiều hoạt cảnh ca kịch khác; Bên cạnh việc viết nhạc nền, Đình Hạp còn viết lời ca để nghệ sĩ Văn Lang đưa vào một số vở ca kịch Huế.

Việc sưu tầm, chỉnh lý, ký âm các điệu lý, dân ca lưu truyền trong dân gian từ trước đến nay là một trong những mối quan tâm của Đình Hạp. Anh đã chịu khó sưu tầm loại hình âm nhạc thuộc nhóm "nồi niêu", những bài bản "Xàng xê kép", "Lai kinh", "Chiến chiến", "Bông man", "Cơn roi mây tắt" ...  Nhiều đồng nghiệp, nhạc hữu ghi nhận công lao khó nhọc đầy trách nhiệm của Đình Hạp trên lĩnh vực này bởi qua các công trình nghiên cứu, sưu tầm, ký âm của Đình Hạp một bộ phận âm nhạc truyền thống trong dân gian không bị thất truyền mà được phục hồi, truyền bá một cách có hệ thống, phục vụ kịp thời các yêu cầu thưởng ngoạn của công chúng.

Năm 1964, nghệ sĩ Đình Hạp bắt đầu có một mối tình nghệ sĩ với Kim Vàng, diễn viên đoàn Ca kịch Trị Thiên cùng chung một sàn diễn với Đình Hạp. Mối tình đẹp đẽ ấy kéo dài đến 6 năm với nhiều kỷ niệm xuân thời. Năm 1970, Đình Hạp - Kim Vàng chính thức làm lễ cưới tại Hà Nội và họ đã sinh hạ được hai người con gái mà hiện nay đã trở thành hai nghệ sĩ : Mai Anh (đàn tranh), Mai Sao (diễn viên) đều đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Từ năm 1980, nghệ sĩ Đình Hạp đã được Trường Nghiệp vụ Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế mời giảng dạy âm nhạc cho nhiều thế hệ trẻ. Đã có nhiều học trò của Đình Hạp thành đạt sau khi ra trường, trong đó có nhạc công trẻ Minh Tuấn, hiện đang sử dụng đàn nhị ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Năm 1985, Đình Hạp ra công tác tại Phòng Văn Hóa Thông Tin Thị xã Đông Hà, tại đây dù đang trong giai đoạn gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng Đình Hạp đã góp phần tích cực trong việc xây dựng các phong trào văn hóa văn nghệ tỉnh Quảng Trị.

Sau khi ở Đông Hà một thời gian, Đình Hạp trở lại Huế cùng gia đình tham gia sinh hoạt nghệ thuật cùng CLB ca Huế thuộc Nhà Văn Hóa Huế. Đêm đêm du khách trong và ngoài nước có dịp thưởng thức những giai điệu đẹp từ cây đàn nhị của Đình Hạp cùng hòa âm với giọng ca ngọt ngào của các nghệ sĩ Ca Huế.

Do có quá trình hoạt động cách mạng, hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ Đình Hạp đã được Nhà Nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng III, Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Bằng khen Bộ Văn Hóa Thông Tin, UBTQLHCHVHNT Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam... Hiện nay, gia đình nghệ sĩ Đình Hạp là một "mái ấm nghệ thuật" đúng nghĩa vì từng thành viên trong ngôi nhà ấy đã đi đúng định hướng của các nghệ sĩ lão thành thuộc thế hệ trước trong gia tộc. Tất cả một lòng cùng giới nghệ sĩ Huế ra sức bảo tồn, truyền bá đàn ca Huế, Ca kịch Huế, dân ca Bình Trị Thiên…

VÕ QUÊ
voque_hue@yahoo.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét