Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Vũ Từ Sơn - VỊ THẾ VĂN CHƯƠNG

Tác giả VŨ TỪ SƠN


Những người cầm bút viết văn chương ở mọi chế độ xã hội, mọi thời đại là nhiều vô kể. Họ có thân thế, sự nghiệp rất khác nhau, có vị thế trong xã hội cũng khác nhau. Song văn chương của họ đều có chung một mục đích là khẳng định và vinh danh vị thế văn chương. Tất nhiên tác dụng của tác phẩm với xã hội, với chế độ là hoàn toàn khác nhau, với nhiều cung độ do trình độ, quan điểm, đạo đức và tài ba của người viết.
Tựu chung có hai dạng người viết văn chương: chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Những người viết chuyên nghiệp họ sống được nhờ tác phẩm. Số người này rất ít và đôi khi tác phẩm của họ chạy theo thị hiếu của độc giả để ... kiếm tiền sinh sống, do vậy, phần nào bị thiên lệch, mất tính chân thực, không lương thiện và khó tồn tại lâu dài.
Những người viết văn nghiệp dư thì ở mọi thành phần xã hội. Từ người có cương vị cao: vua, chủ tịch nước, tổng thống, tướng lĩnh, quan lại ... đến thường dân. Ví như ở  nước ta là: Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Hồ Chí Minh ... , Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ ... và lớp dưới thì vô số với nhiều cung bậc.
Có người nói: Nhân loại hạnh phúc vì có  nhà văn! Đúng! Tương tự như vậy, ta có các nhận định với nhà khoa học, nhạc sĩ, kiến trúc ... Song, nếu nói: "Bản chất của nhà văn là cao cả" thì không chính xác. Ở đây ta phải xét đến nhà văn chân chính và không chân chính.
Vậy bản chất của họ là gì ? Nếu dùng từ cao cả thì chỉ có thể nói: Nhà văn là người có trách nhiệm cao cả, góp phần tích cực trong việc xây dựng và cải tạo xã hội. Nhà văn cao cả tự nguyện dâng hiến sự nghiệp văn chương của mình cho nhân loại, cho đất nước, cho xã hội. Tầm ảnh hưởng của nhà văn phụ thuộc vào tác phẩm của họ. Tác phẩm có "đứng" được không, có tồn tại lâu dài với độc giả hay không? Những tác phẩm kinh điển thì tồn tại mãi mãi với dân tộc, với đất nước, với loài người, như là: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Thủy hử của Thị Nại Am, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Chiến tranh hòa bình của Lev Nikolayevich Tolstoy...
Đại cương khảo sát hai vấn đề: Bản chất của nhà văn và vị thế văn chương. 

Bản chất của nhà văn  
Để rõ thêm về hai từ "bản chất " ta phải nói đến "hiện tượng". Xét một người A, bắt đầu có hiện tượng ăn cắp, sau đó hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại ... nhiều lần, dẫn đến bản chất A là kẻ ăn cắp. Mặt khác, nói đến bản chất là nói đến căn cốt. Thí dụ nói: Bản chất của đế quốc là xâm lược. Từ "cao cả "được dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần. Nhà văn đứng trên phương diện cao cả là dùng văn chương để góp phần phê phán, cải tạo, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Họ tự nguyện dâng hiến trí tuệ, công sức của mình cho xã hội. Vậy không thể nói: "Bản chất của nhà văn là cao cả" được!
Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" hoàn toàn do tự nguyện và trên tinh thần cao cả, như ông đã viết: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Xuân Diệu cũng nói một câu rất hay: Cơm áo không đùa với khách thơ.
Vậy, bản chất của nhà văn là nhân văn, nhân bản; là khám phá, phát hiện, phản ánh, cải tạo; là hy sinh, dâng hiến; là  không màng danh lợi; là trung thực và lương thiện. 

Vị thế văn chương 
Trước hết nêu quan điểm của văn chương.Thời kỳ văn học Việt Nam (1930 - 1960) có sự tranh luận giữa hai quan điểm: Nghệ thuật vị nghệ  thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì hạn chế của mình về nghệ thuật, về văn chương nên chúng ta đã xử sự sai lầm với một số văn nghệ sĩ. Sau này đã có sự sửa sai, các tác phẩm của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hữu Loan ... mới lại được lưu hành. Chúng ta đã cởi mở lên rất nhiều, đã tiệm cận đến gốc của vấn đề. Rõ ràng là nghệ thuật phải "vị" nó (nghệ thuật) và cũng "vị" xã hội, chế độ (nhân sinh).
Vậy vị thế văn chương là gì? Có thể định nghĩa như sau: Vị thế văn chương là vị trí của văn chương trong chế độ xã hội, tư thế và thế đứng của văn chương trong xã hội ấy. Do vậy văn chương được xếp ở vị trí hàng đầu trong xã hội. Đây là vị trí đúng đắn và thích đáng cho văn chương. Tư thế của văn chương là chững chạc, nghiêm cẩn, đàng hoàng, cao sang.
Văn chương có thế đứng vững chãi, bề thế, có tác động sâu sắc đến xã hội, góp phần đắc lực trong cải tạo xã hội, tích cực phục vụ hay phê phán xã hội đương thời.

***

           Bàn luận về hai vấn đề nêu trên là tương đối mênh mông. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết bài này cũng chỉ  khai mở khái quát, định hình. Hi vọng mong nhận được những ý kiến của các bậc trí giả và độc giả trên tinh thần xây dựng, mở mang ... tiến đến hoàn thiện về quan điểm, nhận thức.

Tháng 12-2012 
VŨ TỪ SƠN
Năm sinh: 1949
Quê: Minh Đức, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Hiện sống và viết tại Thành phố Bắc Giang.
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang.
vutuson01@gmail.com

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Một chặng đường , thơ, (2006)
Hương sắc thiên nhiên, thơ (2007)
Gửi gió, thơ (2008)…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét