Tăng tiết
Theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT,
kể từ năm học 2014 - 2015, thí sinh phải dự thi ít nhất 4 môn gồm Toán,
Ngữ văn, Ngoại ngữ (bắt buộc) và một môn tự chọn (trong số các môn: Vật
lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý) để xét tốt nghiệp THPT và
tuyển sinh cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Hiện nay, nhiều trường đã lên kế
hoạch ôn luyện “nước rút” cho các em học sinh. Tại hầu hết các trường
THPT dân lập và công lập, ngoài việc đảm bảo chương trình giáo dục theo
quy định của Bộ, tại các tiết học ngoại khóa, nhiều thầy cô đã cố gắng
đẩy nhanh tiến độ dạy để “chạy” trước chương trình. Thậm chí nhiều
trường đang rốt ráo tìm biện pháp tăng thời gian dạy và ôn luyện cho học
sinh.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường
THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công
bố kế hoạch kỳ thi 2 trong 1, nhà trường đã họp bàn và có những phương
án khác nhau để hỗ trợ cho các em học sinh. Trên cơ sở khảo sát nguyện
vọng đăng kí dự thi của các em, nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức dạy
theo yêu cầu. Cụ thể, tổ chức chia lớp theo môn học để những học sinh có
cùng nguyện vọng có thể ôn luyện cùng nhau”.
Để chuẩn bị cho học sinh đủ tự tin về kiến
thức, nhiều trường cũng lên kế hoạch tăng tiết dạy thêm. Ngoài thời
khóa biểu chính khóa, hầu hết các trường đều tổ chức các lớp học thêm
tăng cường vào thời gian trống trong ngày của học sinh. Ngoài ra, theo
khảo sát, nhiều em cho biết, ngoài học phụ đạo tại trường, các em còn
tham gia các lớp ôn luyện tại nhà của các thầy cô bộ môn hay đăng kí
luyện thi tại các trung tâm luyện thi từ rất sớm.
Em Nguyễn Cẩm Tú (học sinh lớp 12 trường
THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em và hầu hết các bạn trong lớp đều
đang có lịch học kín cả tuần, ngoài 6 buổi sáng học tại trường, mỗi tuần
em học thêm 9 ca Toán, Ngoại ngữ và Vật lý. Riêng Chủ nhật em học kín
cả 3 ca”. Cùng chung tâm lý với Cẩm Tú, hầu hết các em học sinh đều cảm
thấy rất lo lắng và áp lực với kỳ thi nên việc tìm đến các địa chỉ ôn
luyện uy tín để luyện thi là việc cần phải làm.
Vừa dạy vừa “nghe ngóng”
Do là năm đầu tiên và thời gian để chuẩn
bị cho kỳ thi THPT Quốc gia chỉ vẻn vẹn vài tháng nên dù đã “tăng tốc”
trong việc luyện thi cho thí sinh nhưng nhiều nhà trường và thầy cô vẫn
tỏ ra khá lo lắng.
GS Văn Như Cương cho biết: “Bộ GD&ĐT
cho biết đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, nhưng chúng tôi
không hiểu chủ yếu là bao nhiêu phần trăm, chương trình học lớp 10 và 11
cũng rất quan trọng. Nếu các nhà trường chỉ tập trung vào ôn luyện
chương trình lớp 12 nhưng trong đề thi sắp tới lại có những câu hỏi liên
quan đến lớp 10 và 11 thì sẽ thiệt thòi cho học sinh. Mặt khác, nếu dạy
dàn trải thì sẽ dẫn đến việc ‘loãng’ kiến thức”.
Ngoài ra, đến thời điểm này, mặc dù đã có
dự thảo Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia nhưng có quá nhiều thay đổi cũng
như các điểm mới và việc Bộ cho rằng vẫn đang tiếp thu ý kiến của xã hội
để tiếp tục hoàn thiện Quy chế nên nhiều học sinh và cả thầy cô vẫn
trong tâm thế vừa dạy - học vừa “nghe ngóng” những đổi mới. Cô Nguyễn
Thị Thúy (Giáo viên bộ môn Văn, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho
biết: “Do ngày thi quá cận kề cũng như việc chưa nắm rõ được các hướng
dẫn, quy định cụ thể từ Bộ GD&ĐT nên chúng tôi luôn trong tâm thế
dạy học cầm chừng. Chúng tôi chỉ biết dạy để đảm bảo đầy đủ chương
trình, bám sát sách giáo khoa”.
Bên cạnh sự lo lắng của nhà trường và thầy
cô, ngoài áp lực thi cử, các em học sinh còn lo lắng về những thay đổi
của kỳ thi. Đó là những thay đổi về thang điểm, địa điểm thi, nguyện
vọng cũng như khả năng Quy chế kỳ thi sẽ vẫn tiếp tục thay đổi. Em Cẩm
Tú không giấu những lo lắng của mình: “Đến thời điểm này em vẫn rất
hoang mang, không biết mình có được thi tại trường hay thi tại địa điểm
khác. Về thang điểm 20, em lo rằng việc chấm sẽ sát sao hơn, chúng em sẽ
phải mất thêm thời gian để ý kĩ từng chi tiết trong bài”. Nhiều học
sinh cũng cho biết chưa thể yên tâm học ôn được khi chưa có Quy chế kỳ
thi chính thức do Bộ GD&ĐT ban hành.
Kỳ thi THPT còn không xa, với giáo viên và
học sinh việc vừa phải tổ chức ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp vừa nghe
ngóng thông tin từ các trường ĐH, CĐ để xét tuyển là một thách thức lớn.
Mặc dù vậy, GS Văn Như Cương cho rằng: “Các em học sinh không nên quá
lo lắng bởi để đạt được điểm cao trong kỳ thi này không phụ thuộc vào
mấy tháng ôn luyện mà phụ thuộc vào cả một quá trình học và phấn đấu.
Nếu các em có nền tảng kiến thức vững chắc thì dù có thay đổi đến đâu,
các em vẫn sẽ vượt qua kỳ thi này một cách tốt đẹp”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét