Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Ly chè đắng

Năm ấy, gia đình tôi mới chuyển từ quê lên thị xã, tôi chưa quen nhiều bạn nên thường đi học một mình. Vào một buổi trưa đầu tháng Năm, nắng gay gắt, tôi gồng mình đạp xe vượt ba cây số về nhà. Trên đường về, nhìn thấy quán chè ven đường, phần vì khát nước, phần vì thích ăn chè nên tôi tạt vào.

Trong quán rất đông khách, chủ yếu là người đi đường và học sinh vừa tan học, tôi hào hứng gọi một ly chè đỗ xanh nguyên vỏ. Nhưng khi chủ quán bưng chè ra, ăn được vài muỗng, tôi lục túi mới biết mình chỉ còn 500 đồng, trong khi ly chè có giá 1.500 đồng. Tự dưng, tôi quên cả việc mình đang khát, cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng khi nhìn quanh quán chẳng có lấy một người quen. Tôi ngồi thừ ra, mặc cho ly chè đá đã tan gần hết…
Ảnh: Đặng Hồng Kỳ
Sau một hồi suy nghĩ, tôi lấy hết can đảm tiến tới quầy để xin chủ quán cho thiếu nợ. Tôi vừa lí nhí mở miệng: “Cô ơi”, bà chủ đã đon đả hỏi tiếp: “Gì thế cháu, thêm ly nữa hả, cứ ngồi đấy, cô bưng cho”. Nhưng khi tôi nói tiếp: “Dạ không ạ, cháu đem thiếu tiền, cô cho cháu nợ, ngày mai cháu trả được không?” thì bà quay ngoắt lại hét to lên: “Cái gì, nợ à, mặt mũi sáng sủa vậy mà đi ăn nợ hả?”. Mọi người trong quán đều quay lại nhìn tôi. Mặt mũi đỏ bừng, tôi tiếp tục phân trần: “Cháu để tiền ở túi khác mà không nhớ, giờ chỉ có 500 đồng…”. Chưa kịp nói hết câu, bà chủ đã đốp thẳng vào mặt: “Khỏi dài dòng, tên gì, học ở đâu, cái tướng này là quen ăn quịt rồi đây”. Miệng nghẹn đắng, nước mắt chực trào, tôi ấp úng nói tên trường, địa chỉ nhà. Bà bán chè tiếp tục chất vấn: “A hà, học trường chuyên cơ đấy, nhà mày xa vậy, chắc gì ngày mai mày đã quay lại trả tiền. Lần sau á, muốn ăn thì xem lại túi đã nhé, đừng có mà lý do lý trấu ở đây”.
Tôi đã khóc nức nở, mọi người trong quán được thể cười to và không ai nói đỡ cho tôi được một lời. Nhưng tôi cũng chẳng thể trách họ, vì họ đâu phải người thân mà bênh vực tôi. Sau một hồi quát tháo, bà chủ đồng ý để tôi về nhà lấy tiền trả, nhưng phải để cặp sách lại. Giữa trưa hôm ấy, tôi phải đạp xe sáu cây số để trả tiền cho ly chè chưa kịp ăn hết, bụng đói meo, lòng đắng ngắt.
Tôi tự nhủ sẽ giấu biệt chuyện này, nhưng nào ngờ, vì biết tên và địa chỉ của tôi nên bà chủ quán đã rêu rao đến tận trường, tận lớp, tận xóm của tôi. Chỉ vì thiếu 1.000 đồng mà tôi bị đối xử như một kẻ ăn cắp xấu xa, không thể ngẩng mặt nhìn ai.
Thời gian trôi đi, trong tôi vẫn nặng nề. Từ đó, tôi không bao giờ đụng tới món chè, không bao giờ đi qua con đường có quán chè năm nào. Sau này, khi đã đi làm, mỗi lần đi ăn hay mua sắm, tôi đều kiểm tra ví tiền, hỏi giá cả chắc chắn trước.
Nếu chuyện xảy ra khi tôi đã lớn, có lẽ, tôi sẽ không bị áp lực khủng khiếp như vậy. Nhưng đối với một đứa trẻ, những lời xỉ vả trước một đám đông không hiểu chuyện chẳng khác nào cú tát trời giáng vào lòng tự trọng và tâm hồn còn non nớt đang cần tình thương và lòng vị tha của người lớn.
Câu chuyện về “ly chè đắng” xảy ra đã gần 17 năm vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét