Ngôi nhà tôi mới thuê nằm hút trong một con hẻm, bao quanh bởi khu vườn cỏ dại mọc cao tận gối, có chỗ cỏ bò lên ngang với dãy hàng rào bằng gỗ, cứ như thể chúng muốn thoát ra ngoài những khung cửa tù sọc trắng bám đầy rêu phong ấy. Bước chân vào khu vườn, toàn thân tôi bỗng nhiên ớn lạnh, những sợi lông trên tay dựng đứng cả lên. Tôi đẩy bước chân nhanh hơn, mắt cứ thế dán vào gáy của ông chủ nhà béo ú đang bước đi khệnh khạng phía trước. Bất chợt, giữa hai gốc dạ hương xanh xù xì hiện ra một cái cửa sổ màu tím kéo ánh nhìn tôi hướng về phía đó, một cây tường vi gầy xơ xác lá vẫn cố vươn lên tựa vào cánh cửa bị đóng chặt kia. Tôi hỏi đây là cây tường vi phải không. Ông chủ dừng lại, tỏ vẻ ngạc nhiên trong chốc lát rồi ông ta gật đầu: “chắc thế”.
Trong ngôi nhà đó có một căn phòng bị khóa - căn phòng có cái cửa sổ màu tím đóng chặt kia. Tôi treo bức tranh Tím lên giữa phòng khách. Đó là bức tranh của mẹ, dấu vết duy nhất để tôi biết rằng mẹ đã từng là họa sĩ.
Bố nói, mẹ là một họa sĩ tự do, vẽ những bức tranh phóng khoáng và dào dạt với bao xúc cảm phiêu bồng. Chính điều đó đã chạm vào trái tim của chàng doanh nhân trẻ đang tràn trề nhựa sống. Ông quyết tâm dò theo những bức tranh để tìm ra người con gái có đôi mắt và trái tim biết hòa vũ kia. Và bố mẹ tôi đã yêu nhau như thế.
Mỗi lần nhìn sâu vào bức tranh tôi lại cảm thấy như mẹ đang vẽ chính mình. Nhưng sao đôi mắt mẹ u sầu và quạnh hiu đến thế. Người thiếu phụ nghiêng đầu bên giỏ hoa tường vi, chiếc khăn tím, hoa tím và dường như biển trời trong đôi mắt kia cũng tím biếc mơ màng. Càng nhìn tôi càng thấy nhớ mẹ da diết. Còn nàng, nàng nói “Bức tranh của mẹ anh làm em thấy sợ. Càng nhìn càng thấy bức tranh như không có đáy, nó quá sâu và buồn. Đôi mắt thiếu phụ nhìn hoa mà không nhìn hoa, không nhìn chúng ta mà như đang nghiêng nhìn chúng ta…” Điều đó nàng nói đúng. Rồi việc nàng bỏ tôi, gã trưởng phòng đang trên đà thăng tiến tình nguyện rời thành phố về một thị nhỏ có lẽ nàng cũng đúng.
Đầu hẻm có một Café-Bar khá nhộn nhịp. Tôi khóa cửa, đổ mình vào màn đêm bước về phía đó. Tự thưởng cho mình một ly Dewar’s loại mạnh. Cứ thế, ngồi nhâm nhi và ngó nghiêng những gương mặt chưa quen trong tiếng nhạc trôi bồng bềnh. Trở về, quăng mình xuống giường, mặc cho nàng tiên xanh dẫn tôi đi qua những giấc mơ quen thuộc. Nàng mang tôi bay giữa vũ trụ bao la, đôi chút se lạnh và vài tia sáng vụt qua như những ngôi sao băng lấp lánh. Rồi tôi bước vào một điện thờ ngập tràn sắc tím, một không gian mênh mông rợn ngợp với mùi hương thoang thoảng ve vuốt bên vai. Đi mãi, đi mãi và từ trên cao đổ xuống một luồng ánh sáng xuyên qua lớp không gian màu tím ấy…
Màu tím loãng đi và chỉ còn nắng ban mai hắt thẳng vào mặt tôi thấy rát. Tôi ngồi dậy, dốc một hơi thật dài thổi vào không khí. Những giọt mồ hôi chảy xuống mắt nhồn nhột. Xuống khỏi giường, tôi đi vào phòng tắm, gội rữa cái bê tha đêm qua còn vương lại trên râu, tóc và trong từng hơi thở phả ra. Cái gã tóc mì tôm rũ rượi trong gương nhìn tôi bật cười.
Tôi nhớ có lần bố nói “Hoa tường vi cánh mỏng, như người con gái mỏng manh, rất nghe lời nhưng cũng rất dễ cô đơn, tàn úa.” Hồi đó nhà tôi cũng có một cây tường vi, hoa màu tím. Mẹ tôi mang theo nó về nhà chồng rồi chăm sóc như người bạn tri kỉ. Có lần tôi nghe bà nội bảo bố “anh nên dạy vợ anh lại đi, đừng để cái gì cũng bắt tôi nhúng tay vào…” Dù nội nói gì, bố vẫn để mẹ quấn quýt bên cây tường vi. Đêm nào cũng thế, trước khi ngủ, mẹ lại ra ngồi trước thềm, từng chùm từng chùm tim tím đung đưa như kể với mẹ bao điều. Mẹ ngồi yên lặng nghe tiếng thì thầm của cây lá, rồi bà vuốt ve cánh tường vi khe khẽ. Có lần tôi đang nấp nhìn mẹ thì nội kéo mạnh tay tôi vào phòng. Tôi mãi không thể quên câu nói của nội ngày hôm đó: “Vào chơi với nội, mẹ mày bị điên…” Ban đầu nó làm tôi sợ, nhưng sau này tôi càng thấy thương mẹ nhiều hơn. Suốt một thời gian dài sau khi mẹ qua đời tôi đã bị mắc chứng trầm cảm. Cây tường vi cũng lặng lẽ héo tàn. Không biết nó buồn mà đi theo mẹ tôi, hay tại thiếu bàn tay chăm sóc.
Nội rất độc đoán. Không hiểu vì lý do gì, nội cấm không cho mẹ tôi vẽ. Nội ném hết đồ nghề của mẹ. Bố nhặt, nội lại đem đốt. Mẹ mồ côi, bước ra từ cô nhi viện. Thứ mẹ mang theo về là hộp đồ vẽ và cây hoa tường vi. Mẹ nói mẹ yêu và biết ơn bố vô kể. Có lẽ vì thế mà mẹ không muốn bố khó xử, buồn lòng. Mãi sau này tôi mới hiểu được sự chịu đựng của mẹ thật không dễ. Đôi tay người họa sĩ sẽ ngứa ngáy như thế nào khi mà những tác phẩm cứ xếp hàng trong suy nghĩ, khi khối óc cứ muốn bung ra với hàng ngàn chuỗi sắc màu đang cùng nhau nhảy múa trong đó.
Hoàn thành chương trình du học trở về, tôi ngã quỵ trước bàn thờ mẹ. Khuôn mặt mẹ gầy guộc, trắng bạch, những hố mắt sâu thẳm nhìn tôi sao chan chứa. Tôi gào khóc và lật tung tất cả, chỉ cần cái cảm giác được chạm vào bàn tay hay gò má mẹ một lần nữa thôi. Thứ duy nhất mẹ để lại cho tôi là bức tranh với hai chữ ngoạch ngoạc “Con yêu”. Một loại phong đã ăn hết các móng tay của bà. Tôi nhìn bố, thầm trách bố đã làm gì mà không chăm sóc mẹ chu đáo. Tôi cũng oán hận nội vì đã làm cho nỗi nhớ mẹ mãi mãi băng chặt trái tim tôi.
Bố đi bước nữa, tôi cũng không ý kiến gì. Nội đã quá già. Phải có ai đó chăm sóc cho nội. Nội đã từng xua đuổi một người con dâu tốt là mẹ. Hy vọng vì tuổi già, nội sẽ biết bằng lòng. Còn tôi, mặc cho người ta bon chen hay thậm chí chửi rằng mình ngu, tôi xin sếp được về quản lý chi nhánh ở huyện và cơ duyên đưa tôi đến sống ở căn nhà này.
Cây tường vi có bàn tay chăm sóc cũng bắt đầu vươn ra những lá cành. Sau vài tháng, những nhánh xương xẩu nhú lên đôi ba chùm nụ bé xíu đu đưa. Một buổi sáng hây hây gió, như bao buổi sáng thức dậy, tôi chờ đón một sự đổi khác nào đó sẽ đến. Đập vào mắt là những chùm bông tim tím nhỏ xinh thổi vào lòng tôi một luồng xúc cảm thương mến. Thứ màu mây phiêu lãng kia khiến tôi vừa vui, vừa bồi hồi nhớ mẹ. Một suy nghĩ ngốc nghếch đột nhiên xuyên qua mớ tóc xoăn lọt vào đầu tôi, lẽ nào mẹ dẫn lối cho con đến đây và cây tường vi của mẹ đầu thai thành cái tác phẩm trước mặt con lúc này.
Lại một đêm thật khó ngủ. Gần sáng, tiếng xe máy của mấy bác xe thồ trong hẻm khiến tôi choàng tĩnh. Trời vẫn mờ mờ sương, các tán cây vẫn còn chen chúc nhau ngủ dưới ánh đèn đường chói lóa. Lạnh. Tôi nhận ra mình đang ngồi bên cửa sổ ngủ từ lúc nào. Không lẽ tôi bị mộng du chăng? Hai mày nhíu lại, một cơn đau đầu lóe qua. Tôi không cố nhớ nữa, đi vào phòng nằm tiếp đợi cho trời sáng.
Nhiều đêm liền tôi thấy như có cái gì đó chen vào giấc ngủ của mình. Không giống như mọi lần uống say nàng tiên xanh lại ru tôi trong thế giới màu tím của mẹ. Một giấc mơ lạ xuất hiện, cô gái có mái tóc nhung dài đứng nghiêng vẫy tôi. Từ xa xa mờ ảo cô gái vẫn toát lên dáng vẻ thanh thoát, dịu dàng và có chút gì đó thân thương. Tôi cứ đi theo cánh tay cô vẫy, qua một cánh đồng cỏ dại đầy gió. Giữa một khoảng cỏ mọc um tùm hiện ra mô đất bé xíu. Một ngôi mộ nhỏ xinh lạnh lẽo. Trong khoảnh khắc, bước chân tôi chững lại, dưới lồng đất kia có vẻ như là một hình hài bé xíu, đáng thương chăng. Đang bâng khuâng không hiểu chuyện gì thì cô gái lại xuất hiện, vẫy tôi đi theo. Đi mãi, đi mãi và nơi dừng chân là cánh cửa sổ màu tím. Cô chỉ xuống chỗ gốc cây tường vi rồi biến mất, cũng là lúc cái bụng tôi kêu ùng ục vì thứ nước cay đêm qua. Tĩnh giấc, từng chi tiết trong giấc mơ còn rõ mồn một và nó làm tôi rùng mình.
Mấy đêm liền, nhân lúc đang gấp rút triển khai dự án, tôi lấy cớ ở lại luôn văn phòng. Rồi không hiểu sao một buổi chiều tôi thấy nhớ cây hoa tường vi, bồn chồn lo lắng nó đã nở nhiều bông hay chưa, gió thổi mạnh thế liệu hoa có bị rụng cánh. Trở về, tôi chạy ngay đến tưới nước cho cây. Những chùm hoa màu mây phiêu lãng đung đưa như reo mừng. Bỗng nhiên tôi nhớ đến giấc mơ hôm ấy, một chút tò mò rúc rích trong mớ óc nghịch ngợm của tôi. Cùng một cái dao nhỏ, tôi bới từng miếng đất quanh gốc tường vi, khéo léo không để chạm sâu vào rễ. Dẫu tò mò nhưng tôi vẫn thầm mong giấc mơ kia là thứ vớ vẩn. Bỗng nhiên mũi dao đâm phải một vật cứng. Tôi cố dùng tay đào lên, thì ra là một chiếc hộp sơn còn tốt. Tôi giật mạnh cái móc khóa, bên trong có cuốn sổ nhỏ và chiếc chìa khóa bọc bởi một miếng vải màu xanh.
Tôi ngồi giữa phòng khách, lật mở từng trang Nhật ký Tường vi, thiếu phụ trong bức tranh Tím vẫn đang nghiêng nghiêng nhìn tôi như thế. Có lẽ chủ nhân của cuốn nhật ký chính là người con gái trong giấc mơ kia chăng, người đã mất cách đây bốn năm trong chính căn nhà này.
Ngôi mộ bé xinh trong giấc mơ hẳn là đứa con năm tháng tuổi của cô và người chồng bội bạc. Họ đã từng là một đôi rất đẹp, thứ tình yêu mà cô thường bảo “anh thương cả đôi bàn tay gầy guộc của em và em yêu cái mùi thơm thuốc lá môi anh còn vương lại trên đó…” Để rồi một ngày trang nhật ký của cô nhạt nhòa nước mắt và dư âm đâu đó từng hơi thở mệt nhoài, khắc khổ.
Lấy nhau gần hai năm mà vợ chồng cô vẫn chưa có con, gia đình chồng càng tỏ ra ghẻ lạnh với nàng dâu trẻ. Vốn dỉ họ đã không ưa gì Tường vi, cái vẻ mỏng manh yếu ớt và “vô dụng”. Hai vợ chồng cô ra ở riêng, chính tại căn nhà này. Tường vi ở nhà nội trợ và đọc sách, nhẹ nhàng và bình tĩnh, nhưng sự thực, tâm trí cô luôn rối bời, lo lắng. Có lần cô nghe thấy mẹ chồng bảo chồng cô hãy kiếm vợ khác và sinh cháu đích tôn cho bà. Tường vi sầu khổ nhưng không nói ra. Rồi một ngày cô động viên chồng làm theo như lời mẹ nói. Anh lắc đầu rồi bảo cô cứ yên lòng. Những giấc ngủ đã không còn ấm áp từ bao giờ cô không thể nhớ, cho đến một ngày có một người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện. Cô ta tự tin đến trước mặt Tường vi và giới thiệu “tôi sẽ là vợ mới của chồng cô và trong bụng tôi là con của anh ấy…” Những hình ảnh ân ái cháy bỏng của chồng và người phụ nữ ấy cùng cái thứ giọng điệu nhọn sắc, mỉa mai của ả như ngàn mũi kim găm vào tim cô rướm máu, sự hụt hững như tầng mây xám che ngợp bầu trời, và niềm tin vụn vỡ, nát tan.
Chồng cô gật đầu. Anh ta nói sẽ ra đi và để lại cho cô tất cả. Với Tường vi, nó là tất cả, nhưng là tất cả những vụn vỡ của tình yêu. Éo le thay khi ngay sau đó cô biết mình có thai đã hơn ba tháng. Cái thai quá nhỏ và yếu đến nỗi chính cô cũng không hề cảm nhận được gì. Tường vi vỡ òa trong hạnh phúc tột cùng. Cô quyết định quên đi tất cả để chờ đón sự sống đang ương mầm lớn lên. Từng ngày, từng ngày cô mong ngóng giây phút đứa trẻ chào đời. Nhưng tường vi cánh mỏng. Căn bệnh đau tim mỗi lúc một nặng hơn. Việc cô cố giữ cái thai khiến bác sĩ lo lắng, khuyên can. Rồi đứa con cũng rời xa cô khi chưa kịp ra đời. Nỗi đau đó thêm lần nữa làm cõi lòng cô tan nát. Ngày qua ngày, Tường vi xem mình là hoa, chỉ trò chuyện cùng cây tường vi bên cánh cửa sổ tím và viết vào nhật ký những tâm sự thì thào.
Tôi mở căn phòng bị khóa ấy ra bằng cây chìa khóa trong chiếc hộp. Căn phòng toàn những sách. Mạng nhện và bụi bặm đã giăng kín những giá sách bằng gỗ, vài con bọ cạp chạy nhanh dấu mình vào góc phòng. Một tập giấy được bọc kỹ trong chiếc hộp đã rỉ rét phủ đầy những mẫu phân gián trắng đen. Phải mất mấy tiếng đồng hồ quét dọn tôi mới có thể đưa chúng ra đọc. Tường vi viết những tâm sự vào những bức thư mà người nhận là “Con yêu”. Hai từ ấy trong khoảnh khắc chạm vào lòng tôi thấy nghẹn lại.
Một người ở quán bar thấy tôi hay ngồi đó nên lân la đến chuyện trò. Thì ra gã ở cách tôi mấy nhà. Sau một hồi gạ chuyện, gã khen tôi gan lì khi sống được lâu ở căn nhà đó. Trước đây có vài người đến thuê rồi nhanh chóng dọn đi vì họ cho rằng ngôi nhà có ma. Tôi cười, nghĩ bụng “họ đúng đấy chứ”. Gã kể, cô gái bị chồng bỏ và sống trầm cảm, sau đó chết vì cơn đau tim. Người ta chôn cô ấy ở nghĩa trang thị trấn.
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi gói một bó hoa tường vi và tìm đến đặt lên mộ của cô. Tôi cũng đốt cuốn nhật ký gửi xuống cho cô. Có lẽ điều cuối cùng Tường vi muốn tôi làm là gửi những bức thư cô viết cho đứa con đã khuất. Tôi trở về nhà, cố gắng nhớ lại giấc mơ đêm hôm ấy, về khung cảnh mà Tường vi đã dẫn tôi đi qua. Tôi mon men theo dãy tường rào bằng gỗ trắng, cố gắng rẽ ra những đám cỏ dại mọc cao. Hì hục mãi tôi cũng tìm ra được vòm đất bé xíu nhô lên i hệt trong giấc mơ tôi thấy. Thắp một nén nhang lên đó và tôi giúp Tường vi gửi đến đứa trẻ đáng thương những bức thư.
Không biết ở trên thiên đường mẹ con họ có được ở bên nhau không. Liệu Tường vi và mẹ, hai người phụ nữ trong giấc mơ của tôi có gặp nhau ở nơi ấy. Họ sẽ kể về những người con của mình. Mẹ sẽ nhắc đến tôi với Tường vi và cô ấy cũng sẽ kể cho mẹ tôi nghe về những lá thư cô ấy viết, về cách cô ấy đi vào giấc mơ của tôi và cách tôi đã giúp cô ấy như thế nào.
Ngô Diệu Hằng
dieuhang.ngo@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét