Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Tản mạn về THƠ ĐƯỜNG - Lê Hoàng



                                                                            
       Thơ bắt nguổn từ cuộc sống, tâm hồn của con người và sự làm việc hằng ngày."Thơ" có rất nhiều dạng thơ như: Song thất, lục bát, thất ngôn tứ cú, thất ngôn bát cú, thể văn biến ngẫu v.v. Ngoài ra ca trù cũng có thể gọi là biến thể của thơ mà ra. Rồi thỉnh thoảng vẫn có những câu tạp đối, nó cũng là hình thức  biến dạng từ thơ mà ra. Ngoài những dạng thơ như trên, có một loại thơ nổi tiếng và rất thịnh hành từ trước đến nay, mặc dù lớp trẻ lớn lên hầu như ít để ý đến hoặc không hề biết tới. Đó là thơ ĐƯỜNG.

  Tôi có "thằng" cháu nội 18 tuổi đang đi học. Nó sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cũng biết đọc, viết chữ Việt "chút chút". Một hôm, nó thấy tôi đọc tập thơ "Hoa Vông Vang" của Đổ Tốn. Nó hỏi tôi: "Ông nội đọc gì vậy? Tôi trả lời: "Ông đang đọc thơ Đường.” Nó ngạc nhiên và không hiểu thơ Đường là gì? Nó còn hỏi rằng có phaỉ thơ đó "ngọt" lắm  không. Tôi cười không trả lời. Sau đó, tôi gọi nó  đến và giải thích: "Thơ Đường là một thể thơ xuất phát từ đời nhà Đường bên Trung Hoa. Sau này cháu có cơ hội học hỏi sẽ hiểu.”

      Quan niệm về thơ của Nho Gia: "Tại Tâm vi chí. Phát ngôn vi thi. Thi ngôn chi”. Khổng Tử nói về Kinh Thi, đó là tập thơ cổ nhất được truyền lại. Thơ là cảm xúc chân thật, phát khởi từ lòng người (Lê Qúy Đôn).Tập thơ Ly Tao có một ảnh hưởng rất lớn trong làng thơ ở Trung Hoa và cả Việt Nam.
      Tại sao thơ ĐƯỜNG hưng thịnh ?
 Phải nói rằng xã hội đời Đường khá ổn định, tư tưởng cởi mở (theo lối quân chủ chuyên chế).Tam giáo đồng nguyên. Văn hóa phồn thịnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, thư pháp v.v. được giao lưu với khối A Rập, Ấn Độ.
     Cái cá thể, trong triết học nhân sinh Nho, Đạo, Phật được tôn trọng. Mỗi cộng đồng lẫn cá thể được tự do nói lên nỗi niềm tâm sự cá nhân hay tập thể của mình.
          -Thi là họa có lời.
          -Họa là thơ không lời.
          -Nhạc là chuyên chở ý của thơ và họa.
  Nguyên tắc cấu tạo thơ, ý, nhạc, họa v.v... là cấu tạo hình tượng thanh, biểu tượng của thơ, thi và ca.
     Tìm hiểu nguyên tắc câu tứ của thơ ĐƯỜNG  phải đi từ tâm thức truyền thống của người Trung Hoa. Họ cho rằng thơ là một "tôn giáo" (Lâm Ngữ Đường).
     Thơ đường cô đọng súc tích, giàu tính biểu tượng. Không chỉ do các thủ pháp nghệ thuật truyền thống tạo nên mà còn do một số nguyên tắc, biểu hiện, "thi luật" được coi trọng.
     Kinh Thi có thể nói là cội nguồn của thơ Trung Hoa. Thơ Trung Hoa đã có một quá trình chừng 2500 năm chưa hề dứt đoạn. Khỗng Tử đã dùng tập thơ này để dạy học trò. Khổng Tử nói: "Thơ có thể làm phấn khởi lòng người, giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, có thể bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông, cây cỏ".
   {Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ủ điểu, thú thảo mộc chi danh}
    Nhận xét này nhằm vào tập Kinh Thi, nhưng cũng khởi đầu cho một quan niệm truyền thống về thơ của người Trung Hoa.
    Ở đây, có sự tương hợp giữa yêu cầu sự rung cảm nghệ thuật của cảm hứng, đạo đức và của cả ý thức  về trách nhiệm xã hội.   
     Từ Kinh Thi (TCN) đến Đường Thi (SCN), thơ ca đã trải qua một quá trình hàng chục thế kỷ để định hình về mặt thi pháp. Đến đời Hán (TCN) và (SCN), triều đình đã có sáng kiến lập ra Nhạc Phủ để sưu tầm thơ, ca dao dân ca v.v. nên chúng ta có được thêm sự nối tiếp truyền thống Kinh Thi. Sang đời Ngụy (SCN), ba cha con Tào Tháo , Tào Thực, Tào Phi với những vần thơ cứng cỏi, giàu chí khí, đã tạo nên một thời văn học Kiến An.
      Đến đời Đường, thơ ca cổ điển Trung Hoa đã bước lên đỉnh vinh quang. Thời Đường là thời đại hoàng kim của thơ ca với hơn 50.000 ngàn bài thơ của 2.300 thi nhân, Thơ Đường là tập đại thơ của thơ ca cổ điển. Đời Đường chia ra nhiều thời kỳ :
     -Sơ Đường(618-713).Tuy chưa xuất hiện đông đảo nhà thơ nhưng thơ của Vương Bột, Lạc Tân Vương, Dương Quýnh v.v. vẫn là những nhà thơ nổi tiếng được đời người sau nâng niu ưa chuộng.
    -Thịnh Đường (713-766). Thời này đã xuất hiện nhiều thi nhân nổi tiếng, không chỉ giàu số lượng, mà còn sung mãn về chất lượng. Với Thi Tiên Lý Bạch, Thi thánh Đổ Phủ, Thi Phật Vương Duy... là những người đã bước lên đỉnh cao danh vọng về thi ca.
     Lý Bạch với 2 câu :
            "Hứng lên bút, vung rung ngũ nhạc,
            "Thơ thành át sóng biển khơi".
    Ngoài ba vị ấy còn có Vương Xương Linh, Cao Thích, Sầm Tham, Mạnh Hạo Nhiên v.v.
         Bước sang thời kỳ 60 năm của Trung Đường. Có một số nhà thơ xoay "thời cuộc" dưới ngọn cờ :"Vị quân, vị dân nhi trước" của Bạch Cư Dị, tiếp nối ý tứ của Đổ Phủ. Nhưng thực ra thơ của ông chỉ nói đến những điều trái ngược "Duy ca dân sinh bệnh" đã định sẵn của ông. Bài "Tỳ bà hành" rất quen thuộc với người Việt Nam, qua bản dịch đầy tâm huyết của Phan Huy Thực, là một ví dụ tiêu biểu. Ngoài Bạch Cư Dị, Trung Đường còn có : Vi Ứng Vật, Lý Đoan, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích ... cũng là những nhà thơ được người đời truyền tụng.
         Cuối Đường với 70 năm giai đoạn thơ  ca vãn Đường, bên cạnh những nhà thơ cảm thương uỷ mị như: Lý Thương Ẩn , Đổ Mục ... với hàng loạt nhà thơ: Bì Nhật Hưu, Nhiếp Di Trung, Đổ Tuân Hạc ... kiên trì xu hướng: Tân Nhạc Phủ.
      Sang Tống (960-1278), tuy thơ không bằng Đường nhưng cũng xuất hiện một biến thể mới của thơ đó là:TỪ. Đời Đường, Ngũ Đại các thi nhân có thói quen sáng tác lời thơ đưa cho kỹ nữ hát (Lý Bạch). Các bài thơ ấy phải viết theo quy định một nhạc phổ nhất định.Từ, là thơ viết theo một nhạc phổ quy định của làn điệu âm nhạc, người ta gọi là điển Từ khác với Tác. Đời Tống thịnh về Từ, nhưng ít thành tựu. Người ta không tìm thấy cái mông lung huyền ảo của thơ Đường trong thơ Tống, cũng không tìm thấy thơ về tình yêu trai gái sôi nổi trong thơ Tống. Nhưng thơ Tống có những thi nhân nổi tiếng cả về Từ và Thơ như: Tô Đông Pha, Lục Du. Tô Đông Pha là một vị quan nổi tiếng vì dân, mà cũng là một nhà thơ nối tiếp Bạch Cư Dị. Bài "Lệ chi thán" là một ví dụ. Còn  Lục Du thì đời quá lận đận, tuy nhiên ông vẫn sáng tác rất nhiều bài thơ hay, có một số lượng kỷ lục. Bài "Thi nhi" rất nổi tiếng.
       Nhà thơ Lý Bạch đôi lúc cảm thấy cô đơn da diết khi bị ruồng bỏ nhưng ông vẫn tin tưởng "Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng". Tất cả những trạng thái tâm hồn đó có liên quan đến tư tưởng triết học truyền thống của người Trung Hoa.
      Thơ Đường, thơ của thời kỳ "Tam giáo đồng nguyên", thấm nhuần cả ba cảm hứng Nho, Đạo, Phật.
      Lý Bạch rõ ràng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đạo Gia .Vương Duy là đại diện cho của nhân tố Phật và Lão.
       Bạch Cư Dị, Đổ Phủ lấy mặt tích cực của tư tưởng Nho Gia làm nền tảng. Hàn Dũ cách tân cổ văn cũng lấy tư tưởng Nho Gia làm đầu.
     Thơ cổ Trung Hoa có ảnh hưởng sâu xa đối với thơ Việt nam. Những nhà nho Việt Nam cũng đã đem Kinh Thi ra để dạy học trò. Người ta vẫn ngâm "Ly Tao của Khuất Nguyên” (mồng 5 tháng 5 AL vẫn nhớ ngày),  Đào Tiềm thì đã đi vào tiềm thức của nhiều người yêu thơ.
     Bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu có hơn chục bản dịch khác nhau. Người Việt vẫn luôn luôn mê thơ Đường, dịch thơ Đường, mượn nó để gửi gắm buồn, vui của chính mình.
     Có điều lý thú là, thơ Đường đọc theo âm Hán Việt nó lại hay hơn, đúng luật hơn, có  âm vang hơn đọc theo  âm Hán. Bởi vậy, có thể nói đến một sự tái sinh của thơ Đường qua tâm huyết của các nhà thơ Việt Nam.
      Ngô Thời Nhiệm, một thời đã nói :"Nước Việt Nam ta lấy văn hiến để dựng nước, thi ca thai nghén từ đời Lý, thịnh vượng ở đời Trần, rầm rộ ở thời Hồng Đức triều Lê. Một bộ "Toàn Việt thi lục" về cổ thể thi không chịu nhường thi ca đời Đường, Tống, Nguyên, Minh. v.v. Thi ca Việt Nam vẫn nhả ngọc phun châu vậy
      Thật đúng là "Thi ca chi bang". Vượt qua bến bờ của Trình Hạo, Chu Huy, lên trên cả Khuất Nguyên, Tống Ngọc, đi vào cung thất Y Doãn, Chu Hán và ra khỏi con đường của Lý Bạch, Đổ Phủ.
         "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
         "Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường"
     Vì vậy, có thể tìm thấy thơ Đường trong phong trào thơ mới (1932-9945), trong thi nhân VN (của Hoài Thanh).
   
        Xưa nay "Tao nhân mặc khách". Nếu quý vị đọc "Văn Đàn bữu giám" hay "Giai thoại làng nho" của Việt Nam thì qúy vị sẽ tìm thấy  không thiếu gì những bài thơ tuyệt vời và âm hưởng tràn đầy thú vị. Thơ đi vào lòng người, tùy tâm, tùy tính, tùy cảnh, ảnh hưởng cả không gian lẫn thời gian để cảm nhận bài thơ thấm thúy vào tâm khảm.
            Thơ không bao giờ thiếu, tâm không bao giờ thừa. Tâm đầy thì thơ thánh thót, âm điệu bao la và thoát ra khỏi cái dung tục của cuộc đời đầy  ô trọc.
                                                        
LÊ  HOÀNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét