Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

NGUYỄN NGỌC HƯNG - VIẾT TỪ LÒNG BIẾT ƠN CUỘC ĐỜI - Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng - PV VNT thực hiện


Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng
“Gần ba thập niên rồi hầu như mình nằm một chỗ. Như một cái ao tù. Chẳng còn cách gì khác là cố gắng tự lắng trong, tự khai mở dòng chảy dù nhỏ nhoi để hòa vào sông, biển cuộc đời. Mỗi ngày…”  NNH











NGUYỄN NGỌC HƯNG:
VIẾT TỪ LÒNG BIẾT ƠN CUỘC ĐỜI
 
Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, 
phóng viên tạp chí Văn Nghệ Trẻ thực hiện

Hát lên những vui buồn, nhớ thương, trăn trở… 

· Anh vừa cho ra mắt một tập thơ dày dặn với 99 bài có nhan đề Bài ca con dế lửa. Anh có thể chia sẻ đôi điều về tập thơ mới này của mình?
- Ra mắt một tập thơ mới luôn là một khó  khăn với bất kỳ ai. Mình cũng vậy. Và có  lẽ với hoàn cảnh riêng của mình thì càng khó khăn hơn. Nhớ lại tập thơ-người-lớn Những khúc ca trên cỏ cũng đã ra đời cách đây những 5 năm rồi. Mặc dù trong khoảng thời gian đó mình đã in 2 tập thơ thiếu nhi: Bốn mùa cho bé yêu- NXB Kim Đồng, 2010 và Đường em đến lớp- Sách tài trợ của Nhà Nước, NXB Kim Đồng, 2012. Nhưng bằng hữu và bạn đọc đây đó vẫn động viên mình in tập thơ mới. Thêm nữa, một số bạn văn đã viết bài bình, bài cảm nhận về thơ mình mà 13 bài trong số đó mình đã cho in vào phần phụ lục của tập thơ mới như một lời tri ân. Về bản thảo, mình là người không có ý nghĩ “văn mình vợ người” nên luôn lắng nghe, cầu thị. Vì vậy mà mình đã gửi bản thảo đến khá nhiều các nhà văn, bạn thơ để nhờ đọc và chọn giúp. Khâu này mất đến gần 1 năm. Sở dĩ mình cẩn thận như thế vì nghĩ bây giờ sách thơ xuất bản khá nhiều và cũng bị chê không ít, nếu mình sơ sót, nhầm lẫn hoặc chọn lọc không kỹ thì sẽ tạo ra một sản phẩm kém chất lượng- đồng nghĩa với phí phạm công sức, tiền của, thời gian và có lỗi với những người chọn đọc thơ mình.
Sau nhiều nỗ lực, Bài ca con dế lửa được ra đời nhờ công sức của rất nhiều “bà đỡ” đặc biệt là những nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Thiên Hương, Sông Thao, Thúy Hằng và những anh chị em làm việc ở NXB Kim Đồng đã giúp mình in ấn, gửi sách đến những địa chỉ cần gửi. Mình cũng vô cùng cám ơn những bạn học thời trung học, đại học và một số những anh chị em bạn khác đã không ngại giúp mình phát hành tập thơ này và những tập thơ trước. Giữa thời buổi văn chương “ế” như chợ chiều, có thể nói nếu không có sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn ấy thì thật khó để mình quyết định in thơ. 

· Đọc 99 bài thơ của anh trong tập Bài ca con dế lửa, có thể phân thành nhóm các chủ đề, như Mẹ, Kí ức, Em…. Tuy nhiên, anh đã không sắp xếp chúng theo dạng chủ đề như vậy. Hẳn anh có một ý tưởng nào đó muốn chuyển tải đến độc giả trong cách sắp xếp các bài thơ của mình? 
- Đúng như bạn nhận xét tập thơ này có khá nhiều chủ đề và có thể xếp thành nhóm. Tuy nhiên mình đã không làm thế vì nghĩ những gì mình viết chỉ là tiếng lòng của bản thân, đôi khi là những suy tưởng về cõi người vốn dĩ rộng lớn và vô thường. Bi ca thường ở rất gần hoan ca, đó là không muốn nói trong hoan ca đã có mầm móng của bi ca và ngược lại. “Con dế lửa” bất chợt hát lên một “bài ca” nào đó thì mình cũng vậy. Với mong muốn được người đọc lắng nghe và đồng cảm với mình về những nỗi niềm “ướt khô trần thế” luôn đan xen, chống chéo mà mỗi người phải tiếp nhận và vượt qua.   
Thật ra mình cũng có “sắp xếp”  một chút về bài mở đầu “Tạ ơn đời mỗi sớm mai” và bài cuối “Bài ca mới về  những câu chuyện cũ”…  
      
· “Bài ca con dế lửa” gửi gắm thông điệp gì của tác giả? 
- Con dế lửa là một loại côn trùng nhỏ  bé rất gần gũi thân thuộc với những người sống ở vùng nông thôn. Nhất là với lứa tuổi thơ  và lớp… người già như mình. Nắng nghe dế kêu mưa cũng nghe dế kêu. Đêm nghe dế kêu ngày cũng nghe dế kêu. Tiếng dế kêu lúc réo rắt khi rỉ rả từng ngày từng ngày nhập vào mình lúc nào không biết nữa. Nó như những bài ca không tên, không lời mà vô cùng thiết tha, sâu lắng. Nó hồn nhiên ám ảnh mình như mùi đất ải, phân hoai, mùi cây, hương lúa, ánh trăng,  nắng nôi, bão lũ và rất nhiều những thứ vô danh khác mà chỉ những người từ nhỏ gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy, sông suối quê hương mới cảm nhận được. Có lẽ vì mình là “dân gốc rạ” chính tông nên bị/được tiếng dế nhập vào và “định cư” trong tâm hồn luôn. Sống với nhau riết rồi đâm thân thiết như tri âm tri kỷ, đến nỗi nhiều khi mình tự thấy mình cũng là một loài dế- một “ca sĩ đồng quê” rút ruột rút lòng hát lên những vui buồn, nhớ thương, trăn trở… của bản thân và làng mạc quê hương. 

    
Không được  đầu hàng hoàn cảnh dù nghiệt ngã đến đâu 

· Cuộc đời của anh, để được như ngày hôm nay, là một nghị lực sống phi thường. Anh thường tâm niệm điều gì trong những lúc hoang mang, suy sụp nhất?
- “Nghị lực sống phi thường” là một cụm từ mang ý nghĩa quá to lớn, mình không dám nhận đâu. Nhưng quả thật mình đã trải qua khá nhiều “những lúc hoang mang, suy sụp” và đã cố gắng vượt qua. Những lúc sắp “chìm”, khi mẹ còn sống thì là mẹ, khi mẹ mất rồi thì bạn chính là những “chiếc phao cứu sinh” của mình. “Tâm niệm” của mình những lúc khó khăn nhất là nhất định không được đầu hàng hoàn cảnh dù nó nghiệt ngã đến đâu, không được buông xuôi mọi thứ, không được rời bỏ cuộc đời trước những người đã hết lòng thương yêu, không ngại cưu mang, nâng đỡ kiếp đời khốn khổ của mình dù chính họ cũng đã oằn vai trăm gánh… 

· Dù phải chịu đựng một số phận không may mắn, nhưng khi đến với thơ của anh, không hề thấy sự oán thán, chán chường, mệt mỏi. Điều gì đã giúp anh giữ được một tinh thần thơ trong trẻo, an nhiên như vậy?
- Với hoàn cảnh của mình, nếu nói không buồn không xót không đau không chán chường mệt mỏi thì không đúng. Mình đã buồn đã xót đã đau tột cùng, đã từng chán chường, mệt mỏi đến mức chẳng còn quan thiết đến bất cứ điều gì trên đời nữa. May mà mình đã kịp nghĩ và xác định: Mẹ đã hết lòng chăm lo nuôi mình ăn học nên người, bạn bè người thân cũng đã hết lòng giúp đỡ, chăm sóc mình dù cảnh sống của họ đầy khó khăn- nhất là những năm trước đổi mới, mở cửa- cả những người khác nữa, chẳng có quan hệ gì họ cũng tỏ lòng thông cảm, giúp đỡ… Vậy thì số phận- gắn liền với bệnh tật- chỉ do nơi mình mà ra thôi. Mình làm- dù là không cố ý, không biết đã làm gì- mình chịu! Than vãn, trách móc ai? Nếu “tinh thần thơ” mình có chút gì “trong trẻo, an nhiên” như bạn cảm nhận thì có lẽ nó được xuất phát từ xác tín trên cộng hưởng với tình người quá đẹp đẽ, lớn lao mà mình đã, đang và tin rằng sẽ còn được nhận từ cuộc đời! Những gì mình viết đều xuất phát từ lòng biết ơn cuộc đời, cám ơn những tấm lòng nhân hậu đã giang tay cứu vớt, đón nhận mình trong những lúc đau buồn, bế tắc và mở ra cho mình con đường sáng- con đường sống sao cho có ích. Và nói như nhà thơ Tố Hữu là “đời yêu ta ta phải thắng cho đời…”.    

· Anh vượt lên số phận đời mình để dốc sức cho một “số phận chữ”. Hành trình nào khiến anh mệt mỏi hơn?
- “Hành trình” nào cũng mệt mỏi, nhọc nhằn lắm! Nhưng dù sao “số phận đời mình” “số phận chữ” cũng luôn song hành với nhau. Đó là không muốn nói 2 số phận này luôn ở trong nhau, vịn vào nhau, nương tựa  nhau để cùng tồn tại và gượng đứng lên, nhích lên từng chút một. Người mệt thì chữ đỡ, chữ mệt thì người nâng…   

· Có giới hạn nào trong sáng tác mà anh luôn tự nhắc mình phải vượt qua? 
- Cõi thơ là cõi cao xa dài rộng vô cùng, cuộc sống và trí tuệ con người nói chung, nhất là bản thân mình lại rất hữu hạn. Mình rất hiểu những gì mình đã viết là chưa được gì nhiều, chưa đi đến đâu . Và rất có thể người đã đến cuối đường mà thơ vẫn còn ở vạch xuất phát. Như bạn biết đấy, gần 3 thập niên rồi hầu như mình nằm một chỗ. Như một cái ao tù. Chẳng còn cách gì khác là cố gắng tự lắng trong, tự khai mở dòng chảy dù nhỏ nhoi để hòa vào sông, biển cuộc đời. Mỗi ngày…  

· Nhiều nhà thơ luôn đặt ra yêu cầu cách tân, đổi mới trong các sáng tác của mình. Còn anh thì sao?
- Cách tân, đổi mới là nhu cầu bắt buộc của người cầm bút nói chung. Mình cũng không ngoại lệ. Nhưng cách tân, đổi mới thế nào cho hợp lý và hiệu quả? Mình nghĩ mỗi người có một khả năng khác nhau, cái “tạng” cái “gu” thẩm mỹ khác nhau, tốt nhất là phát huy sở trường của bản thân chứ đừng chạy theo phong trào. Không khéo lại rơi vào tình cảnh “bỏ mồi bắt bóng” như chơi. Dù muốn không muốn văn học nói chung và thơ nói riêng luôn luôn có sự tương tác giữa tác giả- tác phẩm- người đọc. Cách tân, đổi mới luôn cần thiết nhưng không nên cực đoan thái quá. Người đọc không hiểu, không cảm được, không nhận được những hứng thú tinh thần thì tác phẩm dành cho ai?
   Mình là con cháu của những người nông dân thứ thiệt nên chắc là cả đời lẫn thơ phải “sống ghì gốc rạ chết  ôm khói đồng” thôi. 

· Thơ hay – trong suy nghĩ của anh – là gì?
- Bài thơ hay luôn là một chỉnh thể của sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức. Nói cách khác thơ hay phải có nội dung sâu sắc, mới lạ và được diễn đạt bằng một hình thức phù hợp, tương thích, văn minh. Như một người đẹp thực sự phải có cả thanh và sắc.
Mặt khác mình cũng rất thú vị  với tư tưởng của nhà triết học Căng : cái  đẹp không phải ở đôi má hồng thiếu nữ  mà nằm trong đôi mắt kẻ si tình. Có thể  bạn cho rằng đây là quan điểm duy tâm, chủ quan? Mình cũng nghĩ thế, cái đẹp phải có tính khách quan, tức là bản thân nó phải đẹp- cái đẹp ấy được mọi người (hoặc đa số người) công nhận. Nhưng ở một bình diện khác mỗi người là một tiểu vũ trụ, mang trong mình vô số điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới nên để tác phẩm được cả một dân tộc, một thời đại… đồng cảm, yêu thích là cực khó và cực hiếm. May ra chỉ những bậc thiên tài mới làm nổi.
   Với một người viết còn nhiều hạn chế như mình, nếu có bạn đọc nào thích một bài, thậm chí một vài câu nào đó trong cả một tập thơ  thì đã là một hạnh phúc rồi. May mắn có được một ý thơ nào đó đi được vào lòng người và làm tổ ở đó thì… tuyệt vời!
    
· Câu chuyện của chúng ta đã đề cập đến nhiều vấn đề. Liệu còn điều gì đó anh muốn chia sẻ với Văn nghệ Trẻ?
- Cho mình được nói thêm một chút. Mình sống được đến bây giờ, như bây giờ là nhờ lòng thương yêu và nhân hậu của rất nhiều người. Xin được thành kính tri ân tất cả mọi người. Và cũng xin mọi người rộng lòng tha thứ cho những non kém, lỗi lầm Nguyễn Ngọc Hưng đã vô minh phạm phải.
   Cám ơn Văn nghệ Trẻ đã cho mình một cuộc trò chuyện thú vị, nhiều  ý nghĩa này!  
  
· Văn nghệ Trẻ cũng xin được chúc anh luôn vững vàng trước những thử thách khó nhọc của đời sống này, để viết lên những bài thơ có sức sống lâu bền. 

PVVNT thực hiện

Văn nghệ Trẻ số 11 (ra ngày 16, 17 – 3- 2013)

Nguồn: Nguyễn Ngọc Hưng gởi đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét