Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Lê Hoàng - CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN



      Tôi có được nhân duyên nghe vị thiền sư THÍCH THANH TỪ  giảng về "Chánh tín và mê tín”. Từ đó, tôi ngộ ra rằng: "Mình còn mắc nhiều lỗi lầm và làm những công việc thường tình trong đời một cách thất tín mà chưa biết rõ đâu đúng, đâu sai.

     Vì lẽ đó, tôi viết lại những điều được học qua sự giảng dạy của thầy.

     Đạo Phật chủ trương giác ngộ mang ánh sáng trí tuệ soi rọi cho thế gian. Mọi lẽ thật đều biện bày dưới ánh sáng GIÁC NGỘ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng TIN, đó là "CHÁNH TÍN". Ngược lại, bày những điều mê hoặc làm mù quáng người đời, lừa bịp thế gian, ấy là "MÊ TÍN".

     Trong kinh Hoa Nghiêm có câu: "Tin là nguồn của Đạo, là mẹ của mọi công đức", vì thế, người học đạo phải có lòng tin.

     MÊ TÍN: Mê tín là lối tin mù quáng, khiến con người mất hết trí thông minh. Những kẻ chủ trương mê tín là những người làm việc hoặc loạn thế gian, đưa dân tộc lùi lại bán khai. Một tôn giáo chân chính, một dân tộc thông minh, không cho phép mê tín len lỏi trong tín đồ cũa mình, trong dân tộc mình. Thế mà, đồng bào chúng ta hiện quá nhiều tệ đoan mê tín.

     1/ ĐỒNG CỐT:  Đó là một hiện tượng mê hoặc khủng khiếp. Những kẻ làm ông đồng, bà cốt, đều  là những người sống trong trạng thái bất bình thường. Bản thân họ đã mất hết tự chủ. Họ bị sai khiến từ một ma lực huyền bị, hoặc họ tự biện ra một thủ thuật không thực để lừa đảo thế gian. Khi ma lực đó dựa vào họ, lạm dụng các danh xưng để lừa bịp người đời mà thôi. Thường thường Bồ Tát hay La Hán muốn hoá độ chúng sanh không khi nào các vị phải gá vào thân kẻ phàm tục để xưng danh để giáo hoá chúng sanh.Vì các vị đó đầy đủ thần thông biến hoá vô ngại. Như thế, những ma lực dựa vào kẻ phàm tục là những quỷ thần bạo lực, chúng tự xưng danh mạo nhận những vị Bồ Tát để gây uy thế mà thôi.

      Nếu là Phật tử chân chính hãy tránh xa, tuyệt đối không được phụ họa theo.

      2/ LỊCH SỐ, SAO HẠN: Thời gian không thật do khái niệm con người đặt ra, huống là trên thời gian người ta lại đặt ra ngày TỐT, ngày XẤU, năm  LÀNH, năm DỮ ...

      Nhật cầu, nguyệt cầu và địa cầu chẵng qua cũng chỉ là vật vô tri, chúng quay gần nhau theo cái trục cố định ở trong Thái Dương hệ nên ảnh hưởng ánh sáng, tối, sáng, trồi trụt với nhau ..., thế rồi con nguời sống trên địa cầu, trông vào sự sáng tối đó, tùy khái niệm đặt thành ngày đêm, giờ phút theo sự phản chiếu để đăt ra ngày rằm, mồng một ba muơi.v.v. để có tháng, năm thế thôi. Thực chất, nó vẫn là không thật.

      Cho nên coi ngày Tốt, xấu là tự mình trói buộc mình vào cái điều không thực. Người nông dân miền Namcó câu :
         “Cọp vật mấy ông thầy Địạ,
           yêu nhai mấy chú coi ngày
          Trớ trêu họ khéo đặt bày.
          Hai đưá mình thương thiệt,
          ông trời nào bảo thương ?"

      3/ COI TAY, XEM TƯỚNG:  Coi tay xem tướng cũng chẵng qua là một thủ thuật có khi trúng khi trật tùy theo may rủi mà thôi. Cho nên ông "thầy" tướng luôn luôn có câu thòng "Những điều xấu của qúy vị nếu có phúc, ăn lành ở hiền thì tai nạn qua khỏi ...." để ngụy biện cho trường hợp "thấy" coi có nạn xấu mà đến ngày tháng đó… chẳng thấy có gì xẩy ra...

      Chúng ta nhìn rỏ hai mặt Tốt và xấu đều có thể xẩy ra cho mình. Vậy thì đi coi bói, coi tướng làm gì cho mất tiền thêm lo.

      Có bài kệ rằng:
                  Hữu tâm vô tướng,
                  Tướng tự tâm sanh
                  Hữu tướng vô tâm
                  Tướng tùng tâm diệt.
      Dịch :  
                  Có tâm tốt, không tướng tốt
                  Tướng tốt theo tâm tốt sanh
                  Có tướng tốt khôngtâm tốt
                  Tướng tốt theo tâm mà xấu.  

      Thế nên, chúng ta cần phát tâm tốt, làm việc tốt, điều tốt sẽ đến; chúng ta chưá chấp những tâm niệm xấu thì mọi điều dữ sẽ đến. Điều căn bản là chúng ta làm tốt hay làm xấu, quả tốt xấu sẽ đến với chúng ta, nó không quan trọng ở bàn tay hay số mạng cũa chúng ta.

     Kể cả vấn đề XIN XĂM, BÓI QUẺ cũng thế. Mọi điều đều do NHÂN QUẢ mà có.

     Cho nên: Taycầm tiền bạc bo bo,
                     Đem cho "thầy bói" mang lo vào mình.

     Làm việc không lợi ích, lại tốn hao tiền bạc, mang lo sợ vào lòng. Ấy, không phải mê tín là gì?

     Ngoài ra còn tật cúng sao, xem hướng, đốt giấy tiền vàng mã... tất cả cũng là những điều lạc hậu, lỗi thời. Sao là những hành tinh cách xa ta hàng vạn dặm. Vậy nó là gì để chúng ta phải cúng? phải dương? không thể hiểu đươc! Hiện nay, thỉnh thoảng có một vài chùa chiền đến Tết, mùa Xuân vẫn còn tổ chức lễ dương sao, cúng hạn... để gây quỹ cho chùa? Việc làm này thực sự không đúng.

     Đạo lý nhân quả Phật dạy rất rõ ràng trong kinh mà người ta bất chấp hay quên đi để làm những điều mê tín.
     Đổi, dời vị trí bếp hay thay đổi hướng nhà, hướng giường nằm cũng đều là mê tín. Nó chỉ có giá trị khoa học để cho phù hợp không gian và môi trường mà thôi.

TAI HẠI CỦA MÊ TÍN:

       Người mê tín là người không có lý luận, tin bướng, tin càn, trở thành con người khờ khạo. Đó là hình ảnh những người tin vào ông đồng, bà cốt. Người mê tín tin vào sự lố bịch. Họ bị cột trói vào mê tín, họ không dám quyết định một điều gì cho bản thân mà chỉ trông vào điều tốt xấu, ngày giờ ... nên có khi họ để mất cơ hội tốt đến với mình, thậm chí họ trở thành kẻ khiếp nhược, mất tự tin.

SỰ CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?

     Mỗi khi đi chùa tụng kinh, mọi Phật sự đều có CẦU NGUYỆN. Vậy sự cầu nguyện này Chánh tín hay Mê tín? Câu trả lời này có hai vế:

      - MÊ TÍN: Nếu chúng ta khẵng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện. Bởi lẽ, thế gian lắm kẻ tạo nghiệp, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả, nghiệp báo.  Nếu mọi việc xẩy ra do nhân quả, thì việc cầu nguyện trở thành vô ích. Kẻ tạo nghiệp dữ thì nghiệp báo sẽ đến, cho dù có cầu nguyện cũng vô ích, nên không thể nói cầu nguyện là hoàn toàn như ý. Chấp cố định là sai lầm, không hợp lý.  
  
     - CHÁNH TÍN: Tin nhân quả. Đứng về chiều thời gian, vạn vật hiện có trong vũ trụ này không có một vật nào thoát ngoài nhân quả mà được hình thành. Trên tiến trình SINH, DIỆT quyết hẳn vạn vật từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân. Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Đó là hiện tượng sinh hoá trên cõi dân gian này, nghiệm xét thấu đáo, chúng ta không thấy có một vật gì không nhân mà có, ngẫu nhiên mà thành. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học, vừa là sức mạnh chuyển tiến của con người tiến bộ.

     Cho nên nhân quả và nhân duyên trong vũ trụ hợp thành, là tác dụng của trí tuệ. Thâm đạt lý nhân quả, nhân duyên người đó sẽ nhận lấy trách nhiệm NÊN, HƯ, HAY, DỞ ,TỐT, XẤU  đều do mình.

     Biết rõ như thế, con người sẻ có tự tin ở mình và tùy nhân quả, nhân duyên để phát huy điều chánh tín cho bản thân trong mai sau.

      Mê tín và chánh tín là hai con đường ngược chiều. Nếu đi bên tối sẽ không có  ánh sáng và ngược lại. Cũng có thể do người truyền đạo không thông về lý đạo, nên ghép những tập tục của thế gian vào trong đạo, khiến người ta hiểu lầm ĐẠO PHẬT là MÊ TÍN.

     Đây là OAN TÌNH của đạo Phật. Tất cả những kinh Phật không có nói những việc mê tín ấy.

                                                                        Lê  Hoàng
lehoang775@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét