Nhà văn Sơn Nam & LTMK ở môt quán cốc tại Bà Rịa.
Trong những năm 80, bọn tôi hay chép tay và đọc cho nhau nghe những bài thơ đời thường của Khoa: Trong quán cà phê, Đơi bạn ở quán cà phê, Em đi làm gái, Trong quán cà phê, Lối xưa, Tháng bảy trời mưa, Thị trấn tôi ... và những bài có tựa đề KHÔNG ĐỀ của Khoa. Thời bao cấp, những bài thơ nầy (hồi đó bọn tôi gọi là thơ Lương Sơn Bạc, sau nầy giới văn học gọi là thơ đời thường, chỉ được truyền khẩu, xuất bản miệng thôi, ít khi được đăng báo. Báo chí chỉ đăng những bài thơ khác của anh (mà bọn tôi gọi để chọc anh là thơ cung đình, thơ phải đạo- có người gọi là thơ chính thống). Sau nầy, đến thời kỳ đổi mới, những bài thơ đó được nhiều báo đăng và nhiều người thích, chúng tôi cũng vẫn còn thích. Ở đây, xin giới thiệu với người yêu thơ Chùm thơ đời thường của anh và bài phỏng vấn anh về thơ đời thường do nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Hoàn thực hiện.
Vũ Hùng
ĐÊM BA MƯƠI
Lê Thiên Minh Khoa
khách tha phương cắn môi
thời gian day dứt
Đêm ba mươi rượu đến mềm môi
lùng bùng mắt
đôi chân nằm nghe đôi tay đi hoang
Đêm ba mươi nhớ những đêm ba mươi
bạn hát gì tôi không nhớ nổi
dừng lại hỏi: rêu có bò lên tuổi
tôi nghe tóc dài già nua
nghe chuyện cũ ba chục năm dồn lại
ngày sau là ngày xưa đẩy tới
Đêm ba mươi con thạch sùng tắc lưỡi
chuột gặm mái nhà quá tuổi
cô gái ba mươi thút thít phong bên
thời gian lên men
không gian nứt ra mà chưa vỡ được
Và, đất trời ôm chặt lấy nhân gian...
THÁNG BẢY TRỜI MƯA
Lê Thiên Minh Khoa
Tặng Nguyễn Đình Vinh
Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?
Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?
Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có tím làn môi !
Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi ! ...
LẠC ĐIỆU
Lê Thiên Minh Khoa
Rồi một lần choáng ngợp trước tình yêu
Phút quyến rũ bắt nguồn bao nỗi nhớ
Điều bình thường khi lòng để ngõ
Ước vọng dẫn đi. Thực tại đưa về…
Ranh giới nào giới hạn nỗi cuồng si
Từ khoảnh khắc suy tư
Từ ước mơ sầu muộn
Từ sâu kín đáy lòng thanh thản
Hay từ em - một diễm phúc trắng trong
Những gì đã qua gọi là kỷ niệm
Em đi qua rồi, tình có qua đâu!
Để âm thầm chờ thời gian trang điểm
Rồi mỉm cười trên cuộc sống lặng câm
Giữa bao điều hỗn tạp vây quanh
Mọi giá trị chưa nằm đúng chỗ
Giữa sông đời bên bồi bên lỡ
Thuyền tình anh biết đổ về đâu?...
THƠ TẶNG TIẾP
Lê Thiên Minh Khoa
Tặng Nguyễn Hữu Tiếp
Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ
về Tiếp và Động Đền hai đứa
mùa xuân về nơi đây hững hờ
đã gõ cửa Ðộng Ðền mình chưa?
Nỗi nhớ và tơi dồn lại thành thơ
qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
bây giờ dừng chân lữ thứ
bàng hoàng tơi ngả giữa trang thơ
Qua rồi thời lặn lợi nắng mưa
thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
sống hết mình có phải dễ đâu!
Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
nhận ra mình chưa từng khôn lớn
vỡ lòng thôi giữa trường đời
Có những điều tưởng giản đơn thôi
phải trả giá rất ư là đắt …
những pho sách đã đọc
chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời
Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
ta yêu đến thế nào mình ta biết
nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ
Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
Và lặng thinh. Và nhớ
trước khi xa…
PHỎNG VẤN Lê Thiên Minh Khoa về thơ đời thường (trích)
Nguyễn Bá Hoàn thực hiện
Trích trong các tác phẩm:
Người và Việc: Những người nổi tiếng, tập 1 (NXB Hội Nhà Văn, 2006).
Người và Việc: Cánh buồm ngược gió (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008)
Bìa 2 cuốn Người và Việc, Những người nổi tiếng |
PV: Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình xếp thơ anh vào trường phái “thơ đời thường” của Jaques Prévert …
LTMK: Thiệt tình, từ sau ngày 30.4.1975 , khi biểu hiện bằng thơ những điều mình chiêm nghiệm về những cảnh đời thường ngày xung quanh mình, tôi chưa biết Jaques Prévert là ai. Sau này đi học đại học sư phạm lại , tôi được giáo sư Hoàng Nhân giảng về nhà thơ này khi học văn học phương Tây, nhưng thú thật cũng chưa đọc thơ của Jaques Prévert, dù qua bản dịch. Khi được một số nhà phê bình “xếp loại” như thế, tôi mới tìm đọc Jaques Prévert và thấy rằng ông ta đúng là nhà thơ bậc thầy và có thể nói, đã khai sáng ra lối thơ này.
Có điều, những bài thơ tôi viết về “đời thường”, đến thời kỳ đổi mới, giữa thập niên 80 mới được đăng công khai, còn trước đó chỉ được những người yêu thích chép tay và đọc cho nhau nghe, như là “văn nghệ dân giả”, còn báo thì chỉ đăng những bài thơ tôi viết theo quan điểm văn nghệ chính thống hồi đó, mà có người gọi là “văn nghệ cung đình”. Bài thơ “đời thường” đầu tiên được phổ biến trên diễn đàn công khai là bài “Trong quán cà phê” đăng trên Văn Nghệ Đồng Nai. Trong bài thơ này, các nhân vật đều là “nguyên mẫu” có thực quanh tôi “Người bạn vong niên đàn con thơ dại - chiếc quần dài cắt tả lót cho con” là thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hùng, có 5 đứa con vào thời bao cấp .“Người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc - giấu sự đời sau rối nét hoa văn” là nhà thơ Vũ Xuân Hương, người sống và viết như một “tay già thợ mộc”. Rồi “người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống - những bức tranh úp mặt vào vách - những bức tranh ngửa mặt lên trời…” là họa sĩ Phạm Hoan, chồng nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm (1959-2004). Còn: “Nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ - và có cuộc đời cứ mòn đi, rỉ ra” có lẽ là không ai ngoài “thằng tôi” đây. Đọc cho anh nghe cả bài thơ “Trong quán cà phê” nhé:
Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện đời thường
vợ mang nặng đẻ đau chuyện về thời quá độ
chuyện thời giá, đồng lương
chuyện người ta bỏ xứ
xen chuyện trời nắng, trời mưa…
Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện tâm tình
người bạn nghèo cứ hẹn dần với người yêu ngày cưới
người bạn vong niên đàn con thơ dại
chiếc quần dài cắt tả lót cho con
Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện cuộc đời
có người hỏng thi, có người thành đạt
đời vẫn thế, cứ là phức tạp
giản đơn thôi đâu gọi là đời!
người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc
giấu sự đời sau rối nét hoa văn
người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống
những bức tranh úp mặt vào vách
những bức tranh ngửa mặt lên trời
nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ
và các cuộc đời cứ mòn đi rĩ ra
Trong quán cà phê chúng tôi góp chuyện ngắn thành dài
và chuyện dài rồi cũng ngắn
khi người chủ nhắc khéo giờ đóng cửa
vuốt đồng trinh lại băn khoăn giá cả
dù cà phê mới uống có hôm qua
Câu chuyện trong quán cà phê
không dứt được cả trong giấc ngủ
sớm mai lại lao vào công việc
để gặp lại mỗi ngày
trong quán cà phê”.
PV: Có lẽ do vậy, nhiều người, trong đó hình đó có cả tôi nữa, phân chia thơ anh ra thành hai mảng: “niềm chung” và “nỗi riêng”. Anh thấy như thế có gượng ép không?
LTMK: Đó là do anh em căn cứ vào nhân vật trữ tình nghiêng về “cái ta công dân” hay “cái tôi cá nhân” và đề tài nhấn mạnh vào “đời chung” hay “niềm riêng”. Dĩ nhiên sự phân chia là tương đối thôi. Chẳng hạn, bài thơ “Nghe em hát đêm văn nghệ nông trường,(I)” lại bộc lộ rõ chính mình: “Như dời anh xuôi ngựơc trăm nơi…” Hoặc bài thơ “Thăm nhà mới bạn văn nghệ” có người cho là mình viết về mình:
“Thương bạn suốt đêm qua
Thức mòn khuya, nhầu tóc
Những trang đời bạn viết
Mấy sợi tóc bạc dần
Xưa nay người làm thơ
Mấy khi làm được nhà
Có lẽ vì mình bạn
Làm thơ đề làm nhà …”.
Ngược lại, một bài thơ rất riêng “Tự thú đêm 30” một số anh chị em, kể cả người viết tựa theo tập thơ “Thị trấn tôi” ( nhà thơ Vũ Xuân Hương ) rất thích (đã dành ra gần một trang để bình bài thơ này} và nói: “Cảm ơn Khoa. Khoa viết về tâm trạng của mình thì đúng hơn ”…
PV : Trở lại câu thơ trên: “làm thơ để làm nhà” anh muốn nói rằng ….
LTMK : Câu thơ này cũng lắm rắc rối đó. Sau khi báo văn nghệ BR-VT đăng trong một số báo xuân, sợ bạn buồn, khi đưa vào tập thơ, tôi định sửa chữ “để” thành “trước”, “rồi” hoặc … “và” để thành : “làm thơ và làm nhà” v.v... , rồi hỏi ý kiến nhà thơ Xuân Sách. Chú bảo: “Sửa lại như thế thì mất chất thơ và cũng chẳng có ai có thể khờ khạo tin vào nghĩa đen của câu thơ đó (làm thơ để làm nhà) cả " . Tôi nghe theo để thế và bạn cũng hiểu mình. Chỉ nói thêm: người bạn đó là anh Hồ Ngạc Ngữ là một nhà văn chuyên nghiệp (vì anh không làm gì khác người viết văn) và bây giờ, nhiều kẻ có tiền, có nhà rồi mới “sính” văn chương, bạn tôi thì ngược lại ...
PV: Xin trở lại tập thơ “Thị trấn tôi”. Được biết, tập thơ này in lần đầu là 2 nghìn bản, sau đó tái bản đến 3 nghìn, tổng cộng trước sau 5 nghìn bản in. Do đâu mà anh đã phá kỷ lục về in thơ như vậy?
LTMK: Đây là một câu hỏi quá khó đối với tôi. Tôi biết thơ tôi chẳng xuất sắc gì, nhưng “bán chạy” có lẽ công chúng yêu thơ (một loại độc giả rất khó tính) muốn “đổi món” khi đã thưởng thức hoài những món quá quen thuộc, dù sự thay đổi đó chưa phải “cách mạng” mà chỉ ở mức “cải cách” thôi. Chẳng hạn (cười), dân nhậu trước đây ăn thịt cầy chấm mấm nêm, nay quá ngán, chuyển qua chấm chao mà họ gọi là thịt cầy chấm “thịt Tạm Tạng”, hoặc các đại gia thích ăn gà và đặc sản biển với muối ớt xắt thay vì ăn với muối tiêu chanh như truyền thống. Xin anh bỏ lỗi, vì có thể đã đùa quá đáng. Thực ra, trong 5 nghìn bản thơ đó, nộp lưu chiểu và tặng thân hữu đã hết 500 cuốn rồi. Số còn lại nhờ các thư viện, trường học, cơ quan, xí nghiệp, hiệu sách… nhận giùm. Rồi đồng nghiệp học trò thương “quảng cáo” giùm. Rồi anh em văn nghệ, báo chí ở Trung ương và các địa phương viết tin bài giới thiệu cho … Thức hôm, thức khuya làm thơ đã khổ, phát hành thơ mình cũng nhọc lắm. Nhưng đã lỡ “ký thác” thì lại muốn có thêm “tri âm” thôi …
PV: Đọc trên các báo xuân vừa qua, tôi thấy gần đây thơ anh “góc cạnh” hơn và đi vào chiều sâu nội tâm hơn, nói cách khác là “thiền” hơn. Chẳng hạn bài “Đi về”:
“Người đi am bặt kệ kinh
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ
Người về Bồ-tát làm thơ
Khói tòa sen nhập nhòa bờ sắc- không”
Anh nghĩ sao…?
LTMK: Khi người ta đi nhiều, biết nhiều, còn trẻ thì người ta thiên về cái cụ thể, khi lớn tuổi không có điều kiện đi nhiều thì thường thiên về cái khái quát. Dĩ nhiên sự khái quát đó được dựa vào cái cụ thể đã được chiêm nghiệm trước đây. Điều đó diễn ra như một quy luật. Nếu sự khái quát chỉ về mặt tư tưởng thì gọi là tổng kết kinh nghiệm. Nhưng người làm thơ thì thấy khái quát cả hai mặt: tư tưởng (ý) và tình cảm (tình) nên gọi là “đi vào chiều sâu nội tâm” chăng? (cười). Tôi cũng đang rơi vào tình trạng như vậy . Bận bịu quá, không đi đâu được nhiều, gặp nhiều chuyện buồn phiền, không thuận lợi trong cuộc sống, rồi những mất mát, bạn bè lần lượt “từng người… bỏ ta đi” theo qui luật “sanh lão bệnh tử” nên hay suy nghĩ vẩn vơ, hay động lòng vớ vẩn, lại hay nghĩ chuyện nhân tình thế thái… rồi lại lo bao đồng chuyện thiên hạ , nên bức xúc lại thành thơ. Đó là trường hợp của những bài thơ sau này, trong đó có bài “Và em…” mà anh vừa nhắc:
Và em
Và tôi
Và thơ
Và dăm li rựơu
Và chờ đêm qua
Và Không
Và Phật
Và Ma
Hội nhau trong cõi ta- bà
Rong chơi
Và em
Và tôi
Và ai
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người!...
Và em .
Và tôi.
Và ai...
Còn nói “góc cạnh” thì anh hơi bị … đúng đấy, vì tôi hay viết về góc cạnh đời thường và chắc anh muốn nói tới bài “Trước mồ một nữ liệt sĩ trẻ” đăng trong một số báo xuân vừa rồi. Đề tài này thực ra không khó viết , nếu chỉ ca ngợi tính chất anh hùng của người liệt sĩ. Cái khó và từ đó nảy ra “góc cạnh” là tôi muốn tái hiện mặt “đời thường” của người anh hùng. Tức là tôi nhìn người anh hùng không phải bằng đôi mắt của nhà chính trị - cái đó thì bây giờ chưa cần đến thơ – mà nhìn người anh hùng bằng cặp mắt người nghệ sĩ – nghê sĩ theo trường phái “thơ đời thường”. Bằng cặp mắt đó mà nhìn, thì cảm hiểu được cái lo, sự nghĩ, niềm vui, nỗi buồn và sự hy sinh một cách “vô tư” của người liệt sĩ. Hóa ra, ca ngợi mặt đời thường (cũng đáng trân trọng) của người liệt sĩ thì càng tôn vẻ đẹp nhân cách của họ hơn. Vấn đề “góc cạnh” này, theo tôi nghĩ, điều quan trọng để công chúng, kể cả công chúng chính trị, chấp nhận là thái độ của tác giả: chân thành, nhân bản và có trách nhiệm. Tiện đây, kể cho anh biết chuyện này: Khi bài thơ được đăng báo, nhiều người không khen tôi mà khen ông Tổng Biên Tập “can đảm, dám đăng”… Ông Tổng biên tập trả lời: “Bài thơ đó có nhân bản không? – Có. Có phản động không? – Không. Có phải là thơ không? – Phải. Thế thì có gì mà không dám đăng! Chẳng qua là chúng ta cứ suy nghĩ theo lối cũ: Viết về người anh hùng thì phải cứ thế này, không được thế khác”.
PV: Nghe anh nói thế, tôi muốn được nghe bài thơ…
LTMK: Trước mồ một nữ liệt sĩ trẻ
Người con gái ấy tuổi mới mười lăm
Có những chiều ngẩn ngơ
Về mây
Về gió
Có những đêm chập chờn
Lá
Hoa
Cây
Cỏ
Để bây giờ tan biến với hư vô
Để bây giờ tôi đến với hư vô
Mong gặp em
Đóa hoa vàng trên mộ
Mong gặp em
Đám mây chiều cơ nhỡ
Ngọn gió lặng tăm nói giọng xuân thì
Giá bây giờ đời vẫn còn em
Sẽ còn có một bà tóc bạc
Chiều ngồi nhớ những người còn, người mất
Rồi trăn trở, lo toan
Bên bi kịch cuộc đời…
Bi kịch cuộc đời dài theo tháng năm
Còn em ngắn ngủi
Hoa trái vẫn sinh sôi bên bờ cỏ dại
Mây vẫn trôi…
Mà cái vĩnh hằng chỉ đến với em thôi
.
PV: Xin tò mò hỏi anh một câu riêng tư: tôi đọc thấy anh có nhiều bài thơ tình dữ dội, anh không sợ chị ghen sao?
LTMK: Có nhiều chuyện để kể đây. Trong một buổi tọa đàm về thơ, tôi đọc một bài thơ tình, một bạn thơ gọi là “thơ cháy nhà”. Tôi mới đâm lo. Thơ đăng báo xong, cứ lén lén, lút lút. Con gái tôi lại đem khoe với mẹ nó! Rất may là tôi có một cô vợ tuyệt vời, cô ấy cũng hiểu tình nghệ sĩ của tôi (cười). “Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ – Đừng trách chi những phút xao lòng…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét