Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Đôi điều về bài viết “Báu vật trong ngôi nhà thờ cổ” của họ Nguyễn Đức làng An Thơ, Hải Lăng, Quảng Trị - Nguyễn Như Xuân

Theo TRƯƠNG QUANG HIỆP (Quảng Trị Online) 

Nhà thờ họ Nuyễn Đức. Ảnh Như Khoa
  
                                                  

      Bài viết nhiều vấn đề. Tôi chỉ nêu những vấn đề theo hiểu biết của mình.
     1, Nhà thờ họ Nguyễn Đức xây dựng vào năm 1832 mà bài viết ghi ngày khánh thành năm 1829.
     2, 15 tấm ván khắc mỗi tấn 7 câu kép (5+3) vị chi 85 câu theo thể văn khác lạ, không thấy lưu truyền phổ thông trên văn đàn. Bài viết cho đó là 15 bài thơ theo thể thất ngôn bát cú Đường luât. Đúng, thể thơ Đường luật 8 câu mỗi câu 7 chữ, còn trên tấm ván 7 câu mỗi câu 8 chữ. Tôi cho rằng ngẫu nhiên mà có sự giống nhau 56 chữ nên tác giả nhầm. Đi vào cấu trúc thể văn chúng chẳng giống nhau tí nào. Đường luật (luật trắc bằng) mỗi bài có chủ đề, có niêm luật, có đối ngẫu, có khai, thừa, chuyển, hợp…Ở “kho báu” cứ mỗi câu (5+3) là một chủ đề độc lập và chỉ một luât (qui định số chữ trong câu ngắt làm hai đoạn) là 5+3.
     3, 85 câu trong kho báu không phải các cụ thông Nho trong làng sáng tác bởi tất cả không một câu nào nói về làng An Thơ. Chắc chắn là được tuyển tập từ những câu danh ngôn xuất sắc thời bấy giờ để giáo dục nhân dân trong cả nước. Câu hỏi đặt ra: tại sao An Thơ lại có?  Theo tôi vùng ta chi ở An thơ mới có điều kiện sở hữu tài sản quí giá này.

1 trang 15 tấm khắc ván những câu 5+3. Ảnh Như Khoa

    Ta thử xem báu vật:
    a, Nguồn tài liệu chỉ có cấp quốc gia (triều đình).
    b, Gia công sản phẩm cực kỳ tinh xảo: mài giũa rất trơn bóng, chữ rất đẹp, nét chạm khắc rất sắc, chất bảo quản quá tốt. Gần 200 năm trên chất liệu gỗ mà ảnh chụp nét chữ rỏ như mới.
     c, Trình độ tuyển chọn danh ngôn không dễ.
     d, Chi phí cho chừng ấy việc phải có số tiền rất lớn.
     v.v…
     Khả năng này chỉ có ở làng An Thơ thời bấy giờ. Thời đó 1820-1850 xuất hiện nhiều nhân tài: Thượng Thư Bộ Hộ  Nguyễn Đức Hoạt, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, Biện tu Nội các Nguyễn Quang Huy, Tri phủ Nguyễn Đức Tư và nhiều vị nữa.
     Tầm nhìn và khả năng cỡ ấy mới dám nghĩ, dám làm, dám đưa “báu vật” từ chốn phồn hoa (có thể là ở kinh đô Huế) về nông thôn, để làm rạng rỡ nơi quê cha đất tổ.


     Trộm phép xin thưa: các vị tham gia Triều chính nói trên cũng biết rất ít người trong làng đọc và hiểu hết các câu mà họ đưa về thờ. Có hề chi! Dân làng chỉ nhìn tí thôi, tôi tin làng An Thơ tức khắc trở thành LÀNG VĂN HÓA.

      Tuy chưa được thấy hiện vật nhưng nhìn những tấm ảnh chụp, tôi dám khẳng định vùng quê ta không thể chế tác nổi SẢN PHẨM NÀY

***

    Nghe rằng: những câu trong “kho báu” đã được dịch. Thực lòng tôi rất mừng bởi tôi dịch mãi chưa một câu ưng ý.  Xin ví dụ tôi dịch câu đầu tiên:
     Nhân (nhơn) giả nan phùng tư  /  Hữu thường bình
     Tôi dịch:
-Người tốt khó gặp điều lo nghĩ / Có, chuyện thường tình
-Người tốt it gặp điều lo lắng    /  Có (đúng) thế thật.
     Có một nghĩa nữa người nhân (người hiểu đạo làm người) có liên quan đến câu 3 chữ: hữu thường bình. Thường là ngũ thường (nhân lễ nghĩa trí tín). Dịch thế nào đây? Tôi tự an ủi: chữ TQ càng ít chữ càng khó dịch.
     Trong tôi hiểu câu này là : Người nhơn đức trời luôn ban cho họ thanh thản, nhưng không diễn đạt nổi.

    Trong bài viết có một câu (không phải trong 85 câu) tác giả đã dịch, tôi muốn bàn lại là câu: “Tiên năng liễu tận thế gian sự/ Nhiên hậu phương ngôn xuất thế gian” (tác giả tạm dịch: Trước tiên hãy hiểu biết mọi việc trong thế gian/ Rồi sau mới nói đến việc ra khỏi thế gian)
     Dịch ra khỏi thế gian không chuẩn, dễ hiểu nhầm. Theo tôi nên dịch ra với thế gian

     Tôi không thấy chữ kính họa ở bản khắc. Ở thể văn này và ở đây ai thỉnh họa mà có người kính họa, xướng họa chỉ có ở thể Đường luật.
     Xin có lời đề nghị: Bản dịch hoàn chỉnh, kính đề nghị nhà xuất bản Quảng Trị phát hành rộng rải trong cả nước. Tôi lắng tin để tìm cho được một tập và giới thiệu rộng rải với bạn bè.
     Trong bài viết có điều gì thất lẽ xin tha cho.

Nguyễn Thanh Xuân
Đ/c: 487/ 2 Đường Cô Nhuế Từ Liêm Hà nội
Email: nhuxuan29@gmail.com

***
Mời các bạn đọc thêm bài:
BÁU VẬT TRONG NGÔI NHÀ CỔ 
trên báo Người Lao Động Online
và trên trang Blog của Nguyễn Như Khoa có liên kết trong danh sách WEBLOG bên phải của trang VNQT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét