NHẸ NHÀNG ĐẾN Ở RỒI ĐI
Khi sinh khóc để nhân cười
Lúc rời cõi tạm không rơi lệ buồn
Mỉm cười trước phút tay buông
Là xin cuối bể đầu nguồn hãy vui
Bao nhiêu cay đắng ngọt bùi
Rồi tan theo nắm đất vùi xác thân
Mãn đời không để dấu chân
Sống phù vân - thác phù vân. Khác gì?
Nhẹ nhàng đến ở rồi đi
Không tranh chấp chẳng so bì với ai
Đẹp gì hơn giọt sương mai
Hà chi cơn gió thở dài gió ơi!
Nguyễn Ngọc Hưng
NHẸ NHƯ… SƯƠNG!
Qua nhiều bạn văn nghệ ở Quảng Ngãi, tôi được biết Nguyễn Ngọc Hưng (N.N.H.) từ lâu bị bệnh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt kể cả cá nhân cũng cần người giúp đỡ. Thế nhưng ở bên trong anh còn y nguyên một “Tâm hồn cao thượng”, một “Trái tim tha thiết”, một “Tấm lòng nhân hậu” với mình, với mọi người, với đời, đây chính là động lực tiềm ẩn để sáng tác... Bởi vậy đến nay N.N.H. đã viết và in trên 10 tập thơ; nhiều báo, tạp chí trong nước luôn chọn đăng bài của anh - đây là nghĩa cử yêu mến và để anh có điều kiện sống tốt hơn nhưng trước tiên và là lý do quyết định đăng bài vì thơ anh hay!
Hình như với N.N.H. cuộc đời nầy nhẹ tênh nên trong thơ anh không một chút ưu phiền lẫn vào. (Đây là trường hợp đặc biệt đáng trân trọng, bởi lẽ trong khó khăn thường tình sẽ “chịu không thấu” dẫn đến “bế tắc”...) Bài thơ “Nhẹ nhàng đến ở rồi đi” của N.N.H. là một bài thơ như thế. Với 3 khổ viết theo thể lục bát, bài thơ đề cập đến nhân sinh quan: cuộc đời - con người - lạc quan và an nhiên.
Câu thơ mở đầu “Khi sinh khóc để nhân cười/ Lúc rời cõi tạm không rơi lệ buồn” đi thẳng vào sự “sinh” – “tử” mà mỗi số phận con người nào cũng qua, hai cảm nhận khác nhau khi sinh và lúc tử đều ở ngoài tầm tay, sinh - vui, tử - buồn ở “cõi tạm” nầy. Cái chính ở đây N.N.H. vì mọi người để đến và đi...để rồi “xin” “vui” ở “cuối bể đầu nguồn”: “Mỉm cười trước phút tay buông/ Là xin cuối bể đầu nguồn hãy vui”, ý thức chẳng “khác gì” “phù vân”cho nên sống và thác hề gì – miễn là sống sao cho đáng sống, thác thế nào đáng thác mới là chuyện cuộc đời lắm cay đắng ngọt bùi nầy. Nếu tâm thế không vững, trong khổ thơ nầy người khác trong trường hợp của N.N.H. sẽ bày tỏ nỗi niềm - bi lụy, đàng nầy khác hẳn anh an nhiên – thiền định…
Câu thơ “Mãn đời không để dấu chân” có một sức gợi cảm sâu sắc, “dấu chân” ở đây là hình-ảnh-còn-lại-của-cuộc-đời-một-con-người, ở N.N.H. mang một biểu cảm hết sức chân thật tận lòng, vì bao năm qua anh làm sao đi đâu mà “để dấu chân” ở lại! Đọc câu thơ “tĩnh” mà “xao động” lòng ta quá đỗi!
Kết thúc bài thơ N.N.H viết: “Nhẹ nhàng đến ở rồi đi/ Không tranh chấp chẳng so bì với ai”toát lên bao yêu thương cuộc đời. Muốn được như thế con người phải không chấp, không tham, sân, si... Và hình tượng “giọt sương mai” mà N.N.H. bắt gặp “đẹp gì hơn”: “Đẹp gì hơn giọt sương mai/ Hà chi cơn gió thở dài gió ơi!”. Câu thơ đầy cảm xúc thẩm mỹ!
Đọc xong bài thơ tôi tin (và chắc nhiều người cũng đồng cảm, tin như vậy) N.N.H. đã tìm thấy “nguồn” – “vui” mai sau còn để lại cho đời những “giọt sương mai”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Như một lời chia tay (1981) đã bộc bạch: “Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây.../ Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay”. Nhạc sĩ tài danh họ Trịnh “Nhẹ nhàng như mây...” và là “Đóa hoa vàng mỏng manh” để lại..., còn N.N.H. thì “nhẹ nhàng” như “giọt sương mai” để lại...
Có gì nhân văn hơn!
Hòa Văn
ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC:
NGUYỄN NGỌC HƯNG
Đội 10, thị trấn Chợ Chùa
huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét