Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CON SÔNG QUÊ TÔI: HIẾU GIANG - Hoàng Đằng

Sông Hiếu.

Quê tôi là Đông Hà, tỉnh Quảng Trị – nơi có dòng Hiếu Giang chảy qua.

Hiếu Giang - thường gọi là sông Hiếu - bắt nguồn từ trên núi rừng Trường Sơn, nơi các đồng bào dân tộc ít người: Pa-Kô và Vân Kiều sinh sống, rồi chảy qua vùng đồng bằng, tưới mát cho ruộng vườn làng mạc của đồng bào Kinh, cuối cùng đổ ra biển Đông. Con sông là dòng kết nối Kinh -Thượng một nhà.

Sông không tự mình đổ ra biển Đông. Sông chảy khoảng 70 km thì nhập vào sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ; sông biến thành sông nhánh của sông Thạch Hãn; sông Hiếu làm nhánh vì sông Thạch Hãn có bề rộng lớn hơn và trước đây chảy qua tỉnh lỵ Quảng Trị, nơi ở của quan chức – các bậc quyền thế nhất tỉnh. Ở đời, cái gì nhỏ phải phụ thuộc vào cái cao to hơn.

Ngoài tên Hiếu Giang, ở thượng nguồn, sông mang tên Cam Lộ, nơi có huyện lỵ và có chợ phiên nổi tiếng; ở hạ nguồn, sông mang tên Điếu Ngao, một làng nằm cạnh sông ở mạn đông thành phố Đông Hà. Ngày xưa, con đường thiên lý Bắc-Nam đi ngang giữa làng này, đến mép sông, hành khách phải qua đò ngang tại bến đò Điếu; vì vậy từ “sông Đò Điếu” cũng khá thông dụng. Một con sông nhỏ mang những 4 tên; ba tên ghi dấu các địa danh dòng sông đi qua; còn tên “Hiếu Giang” thì sao? Có nguồn cho rằng sông được đặt tên như thế để ghi nhận tấm lòng của công chúa Huyền Trân đã vâng mệnh cha (Trần Nhân Tông) anh (Trần Anh Tông) vượt sông vào Nam làm vợ vua Chế Mân, nước Champa đổi lấy hai châu Ô, Lý vào năm 1306. Vào thời điểm đó, sông là biên giới giữa nước ta và nước Champa. Chính cái tên Hiếu Giang khiến, mỗi lần nhắc đến, người ta rạo rực trong lòng cái thông điệp đạo lý: dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng phải nghĩ về nguồn cội – nơi mình sinh ra, nơi làm điểm tựa cho mình bay cao, bay xa. Có lẽ ít tên con sông nào trên thế giới mang nội hàm có tính giáo dục đến thế. 

Ngày xưa, việc di chuyển, vận tải chủ yếu bằng đường thủy. Đường bộ không bằng phẳng, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa nắng, khi lên đèo khi xuống dốc, qua những khu vực hoang vắng có thể gặp trộm cướp, thú dữ – nguy hiểm; phương tiện quá thô sơ, mất nhiều thời gian và nhọc xác.

Sông Hiếu là một thủy lộ địa phương quan trọng.

Cụ Trần Minh Tiết (1918 – 1990), người làng Cam Lộ Hạ, huyện Cam Lộ, một học giả uyên thâm về các vấn đề thế giới, viện sĩ viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại nước Pháp, đã từng đưa ra đề án đào một con kênh từ sông Mê-kông cắt ngang lãnh thổ Lào đi qua Savanakhet vào sông Hiếu qua Đông Hà ra cửa Việt (Un canal dans l’isthme de Kra et un canal Mékong-Océan Pacifique par Savanakhet-Đông Hà-Cửa Việt – Nouvelles Éditions Latines, 1966, Paris). Đề án ấy nếu như được thực hiện, sông Hiếu đã trở thành một thủy lộ quốc tế. Thôi … hãy chờ tương lai, biết đâu!

Xưa kia, thủy lộ sông Hiếu đã từng nhộn nhịp. Chợ phiên Cam Lộ cứ 5 ngày họp một lần vào các ngày 03, 08, 13, 18, 23 và 28 Âm Lịch mỗi tháng; chợ phiên là nơi trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược; trong những ngày ấy, thuyền buôn lên xuống không ngớt trên sông, kể cả ban đêm. Thuyền buồm nương theo chiều gió; vào những lúc lặng gió, thuyền lướt theo nhịp đẩy của các mái chèo. Để tránh mệt mỏi và buồn ngủ, các chị các o buôn đò dọc, hò hát, trêu ghẹo nhau rồi cười đùa khúc khích xé tan cái im lặng của màn đêm.  Một cô gái nào đó trên thuyền cất tiếng hò thánh thót lơ lửng giữa dòng sông:

“Eng ngồi mần chi côi bờ, nhìn ai mà con mắt ngơ ngác.

Lắng tai nghe em đây hát để liệu mà trả lời:

Cực lòng em lắm eng ơi!

Hãy tìm một nơi mô vắng vẻ cho đôi ta ngồi hàn huyên …”

Một chàng trai nào đó trên bờ thấm tình thấm ý đáp lại:

“Em cực lòng thì eng cũng khổ tâm,

Hỏi: em mà  thiệt chưa ai ngỏ ý thì cho eng bỏ mâm cau trầu …”

Nhiều trường hợp, hai bên đã đi tìm nhau theo sự thúc giục của con tim – tình yêu – rồi nên vợ nên chồng.

Hòa trong tiếng hò của thuyền buôn xuôi ngược là tiếng gỏ “lòng còng” của thuyền chài đuổi cá vào lưới, tiếng ngoắt đuôi “sộp soạp” xua ruồi nhặng của đàn trâu đã no cỏ “mẹp” tắm buổi trưa hay buổi xế chiều, tiếng “rào rào” khoát nước thi đấu vào mặt nhau của lũ trẻ trần truồng giữa các bến tắm hai bên bờ sông.

Thời ấy, dân cư còn thưa thớt, nước sông trong xanh, người ta dùng nước sông để sinh hoat: uống nước sông, nấu ăn bằng nước sông, giặt rửa bằng nước sông … Sông cung cấp tôm cá cải thiện chất lượng bữa ăn cho dân nghèo. Chỉ cần một cái rổ, bỏ ra khoảng nửa giờ sau buổi làm cỏ khoai, cỏ bắp … là có thể xúc được một mớ hến hay “chắt chắt” làm ngọt nồi canh trưa; chỉ cần cái dũi, khi nước ròng, lội xuống đẩy dọc mép sông vài vòng là kiếm được nhúm tôm, nhúm cá kho mặn để ngon cơm.

Vào mùa hè, mặt sông xao sóng khi gió Nam Lào thổi mạnh; vào mùa đông, mặt sông gợn sóng lăn tăn khi gió đông bắc rít từng luồng. Sông hiền như người mẹ. Sông chỉ hung dũ vào mùa lũ lụt. Mưa tuôn xối xả, nước chảy mạnh bào mòn đất đá trên núi đồi và hai bên bờ, cuốn cuộn  phù sa màu hồng bạc về lắng đọng tăng độ phì nhiêu cho vườn tược ruộng đồng. Dòng nước lũ còn cuốn theo các cây gỗ trốc gốc, các loại rều rác. Dân đứng hai bờ chờ vớt, kéo về làm củi đốt quanh năm. Nhiều lúc, sông cũng gây ra tai họa: phá hủy mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, dận đuối người và vật. 

Chiến tranh bùng phát. Các chuyến đò lên về chợ phiên thưa dần, những mối tình do dòng sông đan dệt chấm dứt, thuyền chài giăng câu bủa lưới vắng đi; ngư dân lần lượt lên bờ định cư.

Sông đã trở thành chiến trường, nơi mà ai cũng có thể bị thương vong nếu rủi ro kẹt giữa hai lằn đạn.

Ban đêm sông im lìm trong không khí ngột ngạt, thỉnh thoảng, những chiếc thuyền nan của những chiến sĩ vượt sông, lướt vội, qua lại hoạt động bí mật; những tràng đạn tiểu liên bắn vu vơ trong màn đêm đen để hù dọa găm vào dòng sông – sông đau quằn quại, rên la. Sông hứng chịu những loạt lựu đạn nổ ì ầm đều đặn quanh các chân cầu để cản người nhái. Chiếc cầu bắc qua sông nối hai bờ trên quốc lộ I, không còn hình ảnh thơ mộng “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta”. Bên giải phóng muốn phá cầu đi để cắt đứt giao thông cho tiềm lực đối phương suy giảm, bên quốc gia muốn giữ cầu lại, dựng cầu lên để kiểm soát đất giành dân. Trong chiến dịch năm 1972, bên giải phóng định dùng cầu vượt sông nhanh thì bên quốc gia giật cầu đi để cản bước. Hóa ra, người ta mặn mà với chiếc cầu chỉ vì lợi ích của phe phía mình. Cầu đã sập đi và xây lại nhiều lần. Máu bên này, máu bên kia ít nhiều đã đổ hòa vào dòng sông chảy về lòng mẹ biển Đông bao dung.

Chiến trường mỗi lúc mỗi sôi động. Sông oằn mình hứng đạn bom … xơ xác. Tàu vận tải quân sự của Mỹ lên xuống Đông Hà-Cửa Việt rầm rì, những con tàu gắn động cơ cỡ lớn xô những ngọn sóng cao vỗ vào hai bờ; đất chuồi lỡ, nước vẩn đục. Dân giảm dần dùng nước sông làm nước sinh hoạt. Những trận bom B52 rải thảm trên thượng nguồn, những trận pháo vào giữa đội hình vượt sông của quân đội bên này bên kia và những trận đánh bằng thủy lôi của bộ đội đặc công giải phóng vào tàu Mỹ. Giấy bút đâu mà ghi chép cho hết! Chỉ có một trận đánh trên sông được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần; người ta gọi đó là “trận Bạch Đằng trên sông Hiếu” để gợi nhớ lại trận Ngô Quyền tập kích quân Nam Hán năm 938 và trận Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phá tan quân Nguyên Mông vào năm 1288 trên sông Bạch Đằng ở ngoài Bắc.

Giữa đoạn Đông Hà và ngã ba Gia Độ, để ngăn chận tàu Mỹ vận tải vũ khí đạn dược lương thực cho chiến trường, vào một đêm đầu tháng 3 năm 1968, quân giải phóng, lợi dụng màn đêm và tàu tuần tiễu của quân Mỹ vắng bóng, đã huy động lực lượng cắm cọc tre, cọc cây, giăng dây kẽm gai bùng nhùng, gài mìn và thủy lôi chận ngang sông; cùng lúc, các lực lượng vũ trang phục kích ở trên bờ sông; sáng ngày sau, như thường lệ, đoàn tàu Mỹ tiến từ cửa Việt lên Đông Hà; phát hiện có bãi cọc và bị quân giải phóng phục kích nổ súng tấn công; quân đội Mỹ huy động máy bay quần thảo, dội bom xuống dòng nước phá hủy vật cản để thông sông; cá to cá nhỏ chết nổi tấp trắng bờ; trớ trêu là người quê tôi gặp may, có dịp đi thu nhặt cá đến mấy ngày. Chiến tranh đã làm cho con người trơ lì vô cảm, hễ thấy gì lợi thì nhào vô. 

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Con sông quê tôi tưởng có cuộc sống êm đềm. Vậy mà không! Rừng đầu nguồn bị thu hẹp; người ta chặt cây vì nhu cầu xây dựng, người ta khai hoang để lập các khu kinh tế mới; vào mùa mưa, nước lũ “hỗn” hơn, xói lở đất 2 bên bờ từng mảng diện tích lớn, một số xóm làng phải thiên cư. Ai mà quên được những trận lụt 1983, 1999, 2009, 2010, nước ngập đến mái nhà; tần số lũ lụt lớn dày hơn xưa nhiều; mấy chục năm trước đó, chỉ trận lụt lớn năm 1953 là còn được nhắc đến.

Rừng đầu nguồn giảm, lượng nước ngọt giảm theo; lại thêm, các đập thủy lợi, đập thủy điện chận nguồn lại; sông bị nhiễm mặn nhiều tháng trong năm. Dân các nơi tập trung đến Đông Hà đông lên; chất thải, nước thải đổ vào dòng sông quá nhiều. Sông không còn cung cấp nước sinh hoạt nữa. Tôm cá và các nguồn thủy sản tự nhiên khác khó sống ở môi trường ô nhiễm; ngư dân đổi nghề, tất bật ngược xuôi kiếm sống trên bộ. Nước sông ô nhiễm đến nỗi dân làm giá đỗ ở 2 làng ven sông: Thanh Lương và Nghĩa An (phường Đông Thanh) bây giờ không thể ủ giá bằng nước sông như trước đây. Nước sông ô nhiễm đến nỗi các hồ nuôi tôm ở làng Điếu Ngao, làng Đông Lai, làng Lạng Phước, thành phố Đông Hà cũng thất bại – tôm chậm phát triển và chết. Cả một vùng hồ đào lên rồi bỏ không; đất lúa, đất khoai nuôi dân trở thành đất vô dụng; người ta từng lập luận: trồng lúa đất sinh lợi ít, phải nuôi tôm xuất khẩu kiếm ngoại tệ để nước mau giàu !

Nước sông có màu xanh lá cây không rõ nét, trông mà rờn rợn. Thuyền gắn động cơ lên về chợ Đông Hà ồn ào, khuấy động dòng nước. Sông chỉ dành cho thuyền chở khách và phà chở cát – hình ảnh quá khô khốc, cứng đờ. Chính con người làm mất vẻ hoang sơ và nên thơ của con sông.

Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi không ngừng; ai mà cản được. Giờ thì con người chỉ còn có việc: phải tạo cho con sông một vẻ đẹp hiện đại. Như một phụ nữ thời nay phải thường xuyên vào thẩm mỹ viện tắm gội, nắn mũi, sửa tóc, xóa sẹo, tàn nhang, trang điểm một chút phấn son, sông muốn đẹp thì con người phải giữ sạch dòng sông; không đổ rác xuống sông, không thải nước khi chưa xử lý xuống sông; phải thiết kế xây dựng làm sao tạo cho  bờ sông vẻ mỹ quan: kè đá 2 bên bờ để chống xói lở, xây dựng các công trình dân sinh xa sông một khoảng cách hợp lý, trồng cây tạo bóng mát rồi lập vườn hoa hai bờ, biến cái cù lao giữa sông phía trên cầu thành một công viên hay một một khu ẩm thực cao cấp.

Mọi người tự giác bảo vệ môi trường để nước sông quê ta không trở qua màu đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, mặt sông không lềnh bềnh những bao nylon, bao lác, bên trong chẳng ai biết chứa những gì.

Mừng là chính quyền đã và đang ra tay. Bờ bắc sông đang được kè và  những việc còn lại hy vọng sẽ tiếp tục, nhưng khốn nỗi: một số không nhỏ người dân còn xem con sông như bãi rác hay nơi phóng uế. Thay đổi nếp nghĩ của người dân mới là chuyện khó!

Để kết thúc bài viết, mạn phép nhạc sĩ Trương Quang Lục, tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông, xin có lời mách, nhắn với những người xa quê để an tâm:

Ở tận xứ người em có biết? 
Quê hương ta có một dòng sông. 
Anh mãi gọi với lòng tha thiết: 
Hiếu Giang ơi hãy mãi sạch trong … 

Hoàng Đằng 
07/11/2012 
(24/9/Nhâm Thìn)

Nguồn: Hội Ái hữu trường công lập Đông Hà (TruongDongHa.Com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét