Bài thơ “Ngẫm sự đời” của vua Tự Đức là một bài thơ chữ Nôm, thể loại Đường luật (Thất ngôn- bát cú) đã nói lên nỗi niềm tâm sự của ngài về cuộc đời với mối quan hệ gia tộc và xã hội.
NGẪM SỰ ĐỜI
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngay hai câu đầu “mở đề”, ta có thể hiểu được nhà vua cảm thấy lòng mình ngao ngán với sự đời thực tại:
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!
Sống mãi rồi ra thác lại về
Ngài cho rằng, cứ sống mãi với nhiều chuyện rắc rối làm chi rồi cũng đến lúc chết cả thôi. Đến hai câu tiếp là hai câu “thực”, tác giả muốn nói lên một triết lý là người khôn, kẻ dại cuối cùng cũng chung số phận về với đất mà thôi, chẳng còn ý nghĩa gì:
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Và giàu sang rồi cũng không được dài lâu, bền vững. Từ triết lý cuộc đời như thế, ngài đã dẫn đến hai câu “luận”:
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Việc tranh giành nhau quyền lợi, địa vị đã mất mát tình nghĩa, làm tổn thất nặng nề đến đạo lý gia đình, tộc phái. Hai câu này nói lên tâm trạng của nhà vua rất buồn trong hoàn cảnh anh em ruột thịt đã mất đoàn kết muốn hại nhau làm tổn thương đến họ hàng, làng xã…
Cuối cùng hai câu “kết” của bài thơ nói lên sự bế tắc nỗi buồn của nhà vua được chưa giải tỏa:
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngài không còn hy vọng gì đến đấng thần tiên để giải cứu ưu phiền cho mình nữa mà đành theo số phận cố chịu đựng gắng gượng làm vua để mà nghe thêm những điều thiên hạ luận bàn, phán xét huyện đời mà thấm thía tiếp thu…
Nguyễn Hồng Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét