Những đóm lửa cuối cùng của một ngày dọn rẫy của tôi đang leo lét cháy. Mặt trời đang khuất dần phía ngọn núi Bể và rặng Mây Tào ở phía tây. Tôi vội lo gom cuốc rựa và rìu để sửa soạn rời rẫy ra về. Tôi cũng không quên cái cái bon nhựa đã hết nước (bình nhựa 5 lít), cái mo cau tôi dùng bới cơm hàng ngày, những thứ đang vứt cạnh cái chòi nho nhỏ của tôi. Giờ tôi mới kéo từ trong lùm cây rậm chiếc xe đạp thồ quý báu nhất của tôi ra. Chiếc xe này hàng ngày thồ củi, thời gian này nó giúp tôi lên rừng dọn rẫy. Chiếc xe thồ đa dụng là gia tài quý báu cho những người sống nhờ nương rẫy, là phương tiện chuyên chở duy nhất ở những vùng không bao giờ thấy bóng chiếc xe đò. Những thứ lỉnh kỉnh giờ được cột chặt đằng sau cái "bót- ba -ga" (porte bagage) chiếc xe thồ yêu quý của tôi.
Sợ bể lốp, tôi thong thả dắt xe qua mấy cái rẫy bạn đang đốt dọn dang dở, còn lổm chổm bao nhiêu là gốc cây nhỏ như hàng ngàn, hàng vạn mũi chông nhọn hoắc. Tôi phải dắt xe một lúc nữa mới tới Khe Lớn, con suối chảy về xã Tân Thắng, nó sẽ qua cầu Kiều rồi trước khi ra biển Hàm Tân. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ cho công việc ngày mai. Những làn khói và ánh lửa rẫy bạn còn leo lét cháy, họ về trước tôi từ lâu . Tôi vừa đi vừa hú gọi xem có ai về cùng cho có bạn nhưng tất cả lặng không.
Năm nay ít có nạn "Rẫy Luộc". Rẫy Luộc là một thứ khổ nạn cho dân làm rẫy. Rẫy bị cháy bất ngờ khi cây chưa khô hẳn khiến người làm rẫy phải bỏ công sức ra nhiều lần mới đốt dọn xong và khi rẫy đã "luộc" thì đất không tốt được vì ít mun tro. Năm trước tôi đã gặp cái nạn rẫy luộc một lần. Cái rẫy luộc này đã hành hạ tôi “mất ăn bỏ ngủ" đốt dọn lại nhọc công gấp mấy lần và khi thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu, rõ ràng lỗ công hao sức.
Tôi đã tới Khe Lớn. Bên kia có đường mòn lớn hơn, tôi mới có thể đạp xe về nhà. Sau lưng tôi giờ đây là những cái rẫy vừa dọn đốt làm cánh rừng thành những khoảng trống toang hoác. Người ta đã về trước tôi chỉ còn lại một không gian vắng vẻ lạ thuờng. Những liếp rừng dày đặc phía trong, xa hơn mà số phận chúng đang chờ đợi cho mùa rẫy sang năm chắc sẽ không còn. Một vùng đất hẹp núi lấn sát biển của Hàm Tân, nơi người Quảng Trị đang sinh sống, đang tìm mọi cách mưu sinh qua ngày. Người dân làm tất cả mọi cách, từ vào rừng đốt rẫy, làm than, cưa cây, đẳn gỗ hay ra khơi làm cá, chỉ ưu tiên thỏa mãn cho sự đòi hỏi của 'cái ăn' trước mắt. Còn về chuyện ‘cái mặc’ thì lợi tức một vùng quê đất đai sạt lỡ - hậu quả của chuyện "phá rừng tầm thực" - chỉ đủ cho "quần thô áo vải" cũng may rồi!
Núi Bể phía sau xa dần, trời càng về chiều càng đen thẩm lại. Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tàn hắt lên vài tầng mây lảng đảng cuối trời. Mùa khô nước cạn, tôi chỉ cần lội qua con suối. Dựa chiếc xe thồ bên bờ suối, tôi xuống khe mài lại rìu rựa cho đỡ thì giờ sáng mai. Tảng đá mài thiên nhiên này người dân làng kể cả tôi hàng ngày đi qua khe dùng mài dụng cụ nên nó càng lúc càng nhẳn thín. Nơi này cũng là "trạm nghỉ chân " cho dân làm rẫy. Thuờng là những khi vác gỗ trong rừng ra, hay cho những toán thợ rừng ngồi chờ nhau tại đây.
Trời còn đủ sáng cho tôi vừa mài rựa vừa ngắm dòng nước trong vắt chảy qua làm chân tôi mát lạnh. Vài chiếc lá khô trôi đang trôi theo dòng nước. Những chiếc lá khô này sẽ vĩnh viễn xa rừng trôi mãi về duói kia, một vùng đất lạ lẫm, có người, và cuối cùng có sóng biển vỗ mãi ngàn năm. Chúng sẽ đi mãi về dưới kia đi qua vài ba thôn mới, mang tên Đội 1, Đội 2... dân làng sẽ sống nhờ rừng. Những chiếc lá khô này sẽ ngang qua Cầu Kiều trước khi thăm biển và mãi mãi ra đi không còn về lại cánh rừng đã mất.
Vừa mài rựa tôi vừa suy nghĩ mông lung. Hình ảnh những ngày phát dọn, bao âm thanh 'chan chát' từ những nhát rìu- tiếng 'răng rắc' chuyển mình từ những thân cây sắp đổ, tiếng thở phào nhẹ nhỏm khi cây đổ theo ý mình. Tiếp đến những ngày đốt dọn, mặt mày tôi lem luốc, cái nóng hừng hực của lửa và bụi tro, những phút giây thoải mái giải lao trong chòi, điếu thuốc rê to tướng vấn trong tay, phì phèo nhả khói tôi ngắm về biển Hàm tân xanh biếc.
Chợt mắt tôi dừng lại khi bắt gặp một chùm hoa tim tím lấp ló bên lùm cây dưới con khe.
- Ô, hoa bằng lăng!
Tôi khoái trá reo lên một mình.
Từ nhánh chồi của một gốc bằng lăng bị đốn từ lâu, chùm hoa bằng lăng hiếm hoi của môt cánh rừng đang bị đốt phá gần hết, như e ấp nép mình bên những lùm cây dại và dây leo vướng mắc xung quanh. Chùm hoa lẻ loi này như muốn khoe màu hồng tím nhàn nhạt bên con suối lặng lờ, bên những khoảng tối do những lùm cây sót lại bên bờ khe. Tôi từng chặt hạ bao cây bằng lăng nhưng chưa bao giờ gặp mùa hoa bằng lăng nở, nên khi đốt cây rồi thì tôi chẳng biết sắc hoa bằng lăng đẹp đẻ ra sao, chưa được cái hạnh phúc tận mắt chứng kiến màu tím hồng là lạ của nó. Chùm hoa bằng lăng đơn độc hôm nay tôi vừa thấy, đã cho tôi một cảm giác thích thú, cùng một ít khám phá hay chiêm ngưỡng trên đường về nhà.
Bàng bạc màu tím hồng, nhánh hoa đơn côi như muốn vươn mình lên khoảng trời cao trên kia để tìm về với rừng với ngọn núi xa xa. Nhánh hoa bằng lăng như đang muốn sống, muốn cống hiến vẻ đẹp của mình với thiên nhiên, tạo vật. Gốc cây bằng lăng mẹ từng sống chung với cánh rừng trùng điệp, một quá khứ phong phú xiết bao. Tất cả giờ đã trôi vào dĩ vãng, chỉ còn lại khói, sương, bàng bạc, huyển hoặc như những sợi khói từ những đống cây rừng đang leo lét cháy trên kia.
Hôm nay khóm hoa bằng lăng này có thể duy nhất một mình tôi khám phá và chiêm ngưỡng nó. Có thể một mình tôi tiếc nuối cho thân phận nó, tiếc một rừng hoa hồng tím giờ đã mất. Màu hoa bằng lăng bên con suối đơn côi này như đang cùng những cành cây khô gãy kia chứng kiến cảnh biển dâu thay đổi cuộc đời.
Giòng suối đang nhè nhẹ trôi róc rách qua vài hẽm đá. Đôi ba tiếng bìm bịp kêu từ mấy bụi lách đầu ghềnh kia như đang hòa chung một bản nhạc chiều nơi vùng nương rẫy.
Tôi ngắm cành hoa bằng lăng thêm lần nữa rồi vội bó lại rìu rựa đẩy chiếc xe đạp lên dốc suối ra về.
Ngày mai đi rẫy về, mình sẽ không quên ngắm nhành hoa này lần nữa trước khi nó rụi tàn. Vừa đạp xe, tôi vừa nghĩ thầm trong bụng.
Con đường đất quanh co qua mấy cái rẫy cũ bỏ hoang, đường nhá nhem tối gập ghềnh, sao tự nhiên hôm nay tôi thấy nên thơ và đáng yêu hơn mọi bữa.
Nhớ về vùng đất rẫy Hàm Tân, 1980s.
Đinh Hoa Lư
4/1/ 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét