Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

TÍNH CÁCH NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG - Nhã My


 
NHÃ MY - SƯƠNG LAM
Tên thật: Lâm thị Ngọc Sương
Sinh năm: 1953
Quê quán: Bến Tre (Kiến Hòa)
Làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu và tên thật có bài đăng rải rác trên các 
các tạp chí văn học trước và sau năm 75 như Nghệ Thuật, Gia Đình, Khởi Hành, Thời Tập, Tư Tưởng, Tuổi Trẻ chủ nhật. 
Nghỉ viết một thời gian dài, các bài sau này khi viết lại đăng trong trang blog cá nhân ( suongLam-NHAMY) và đăng thơ trong Thư Quán Bản Thảo, Blog Tiếng Thơ Tình Người, tạp chí Tiếng Quê Hương
Hiện đang sống tại Washington USA.



TÍNH CÁCH NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG                                                                      -  Phiếm luận                                                                                       
        Từ  "nhân bản" (humanisme) hiểu theo nghĩa thông thường và dễ hiểu là những câu chuyện, đề tài có liên quan tới con người, lấy con người nói chung làm gốc. Con người tức bản ngã cá nhân của chính ta (cái ta, tôi) và tha nhân (người khác) tức những người ở xung quanh ta, có mối liên hệ (bà con giòng họ) với ta hay chỉ là người xa lạ (nói chung là nhân loại). Đã là con người thì ai cũng phải có thể xác và tâm hồn. Con người ngoài bản năng sinh tồn (vật chất ăn, uống, ngủ , nghỉ) còn có khả năng suy nghĩ, cảm xúc thuộc về  tâm linh (chính  đây mới là điều đặc biệt quan trọng của con người khác với thú vật ) .
        Văn chương là sản phẩm của con người, do đó hầu hết các đề tài, tác phẩm văn học đều ưu tiên viết về con người. Các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, biên kịch, viết nhạc ngoài tài sử dụng chữ nghĩa lưu loát tuyệt vời còn có một tâm hồn nhạy cảm, cảm mảnh liệt và dồi dào. Từ những hình tượng tầm thường, những đồ vật vô tri vô giác, hay cảnh sắc ở xung quanh, đã được nhân cách hóa tạo nên những áng văn hay, bài thơ đẹp, khúc nhạc vui (hoặc buồn) để cho chúng ta thưởng thức. Nghe tiếng ve kêu "nức nở buồn hơn tiếng lòng’", "hôm nay buồn mặt trời đi ngủ sớm’",  "cái cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao, ông ơi ông vớt tôi nao, tôi có lòng nào ông hãy xáo măng, có xáo thì xáo nước trong , đừng xáo nước đục đau lòng cò con"
        Với văn tài của người viết, khi thể hiện về những đề tài con người thì xúc cảm và nhận xét càng tinh tế, ý nhị hơn. Cái "ta không còn là ta tầm thường ( ăn diện, tức tối, ganh tỵ, thích chửi bới, hiềm khích,…) mà trở nên cái ta dễ thương, khiêm tốn , biết lắng nghe, biết hòa hợp vào thiên nhiên, cái ta dạt dào tình cảm "một mảnh tình riêng ta với ta""người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"… Từ những "bức tranh sống động" tả cảnh cô bé  “Đi chùa Hương” ( Nguyễn Nhược Pháp) đến cảnh chợ tết (Bàng Bá Lân) hay cảnh đoàn tàu (Tế Hanh) với những tiếng còi  "Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ. Lòng của người đi réo kẻ về đã khiến cho người đọc đắm chìm vào trong những cảm xúc buồn, vui, rạo rực, hay xót xa thương cảm… Khi đọc những tác phẩm văn xuôi khác, mặc dù có là tiểu thuyết (hư cấu) hay tùy bút, ngay cả ký sự thì ít nhiều tâm sự của tác giả (là tha nhân, người lạ hoàn toàn không quen biết với ta) cũng như dễ dàng hòa hợp, được người khác (người viết cũng không biết người đọc là những ai) đón nhận một cách ưu ái (hay khó chịu). Từ những hoàn cảnh giàu sang, phú quí, cao sang tốt đẹp cho đến  khổ sở, bần hèn, nghèo đói dốt nát, tất cả như đều hiện ra trong văn chương, truyện ký. Những con người thật sự với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố với những sinh hoạt tập quán như một bức tranh xã hội hỗn độn đầy sức sống lấn lượt đi vào văn chương bằng những nét chấm phá vô cùng linh hoạt, rõ ràng. Ta đã gặp một nàng Kiều mà cuộc đời truân chuyên, cay đắng hay một nàng kỷ nữ (ở bến Tầm Dương của Bạch cư Dị) buồn khi nhan sắc về chiều hoặc cũng là kỷ nữ, một người mà (cái nghề) với chế độ phong kiến thời ấy bị xã hội khinh rẻ nhưng cũng là một con người được tác giả vẽ nên với chất người được bình đẳng như muôn ngàn con người khác, cũng có những tình cảm, phút giây “khách không ở lòng em cô độc quá”(Xuân Diệu). Rồi gặp được Chí Phèo, Thị Nở hay những kẻ nghèo hèn khác (trong tác phẩm Sống mòn của Nam Cao), còn nhiều nhiều nữa… Khi mà những mảnh đời rách nát, khổ đau, những con người được coi là ở tận đáy của xã hội đã được các tác giả dựng nên thì trong ý nghĩa tích cực, tự do và bình đẳng văn chương đã nói lên được tính cách nhân bản, nói lên quyền (được sống không có sự phân biệt đối xử) của con người. Rồi khi ta đọc Quốc văn giáo khoa thư, Cổ học tinh hoa, Tâm hồn cao thượng, Ngụ ngôn của La Fontaine thì không phải là biết về con người và  học được những kinh nghiệm làm người hay sao. Một tác giả nổi tiếng khác người Trung Quốc là Lỗ Tấn tuy không khẩu hiệu sách động, không "dao to búa lớn nhưng chỉ với những tác phẩm bình thường, những chuyện kể có khi nhỏ nhặt mà đã có một ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi tư duy của một thế hệ, như vậy không phải là tác dụng nhân bản của văn chương sao. Rồi Đoạn tuyệt  (Nht Linh) nói về cuộc xung đột giữa cũ và mới hay Tố Tâm (Hoàng ngọc Phách), một tiểu thuyết tình cảm lảng mạn đã khiến cho có người thương cảm nhảy hồ tự tử , sau này những tác phẩm tiểu thuyết xã hội của Quỳnh Dao (tác giả Đài Loan, dịch giả Liêu quốc Nhỉ) tuy vẫn biết là hư cấu nhưng cũng đã từng làm đắm say cả một thời, và còn nữa, nhiều nhiều nữa, thế giới của văn chương tiểu thuyết thật vô cùng phong phú và hấp dẫn.
        Cũng vì sự hấp dẫn của thế giới văn chương, truyện ký và ngày nay là phim ảnh đã ảnh hưởng rất lớn, sâu đậm đến sinh hoạt tình cảm của con người nên cũng có người phản đối cho là dạy hư giới trẻ con mới lớn. Nhưng nhìn chung, ngoài những ‘’dâm thư’’, truyện kinh dị có hại tới thần kinh, những loại văn tục tĩu vô văn hóa, những chuyện xàm xí bậy bạ  có ảnh hưởng không tốt cho trẻ con mới lớn thì văn chương, thi phú, trong tác dụng tích cực vẫn là một món ăn tinh thần bổ ích và cần thiết cho con người.
        Mà đã là “món ăn” thì thiết nghĩ cũng có nhiều “khẩu vị” khác nhau. Cùng một câu chuyện, một vấn đề có khi được hiểu (mổ xẻ) theo nhiều cách khác nhau. ( Bằng chứng là chỉ có một nàng Kiều mà có biết bao ý kiến, phê bình, tốn hao không biết bao thời gian và bút mực … nói cho vui có khi … tác giả cũng chẳng biết đâu mà rờ!). Có thể tôi thích đọc ký sự du lịch còn bạn thì mê tiểu thuyết người khác lại "kết" chuyện kiếm hiệp …vv… Do đó các cuộc tranh luận về văn chương, triết học thường không có điểm dừng và mọi kết luận cũng ít khi đúng một cách tuyệt đối.
        Cả một khu rừng văn chương hoa lệ đầy sắc màu quyến rũ thì xin mời mọi người cứ tự do bước vào và tự do thưởng thức.


                                               NHÃ MY - SƯƠNG LAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét