Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Võ Văn Luyến - NGÀY XUÂN ĐỌC CA DAO QUÊ MÌNH

Tác gỉa Võ Văn Luyến

Quê hương trong lòng mỗi người, nhất là những người xa quê, mỗi độ xuân về tết đến, luôn trào dâng nỗi nhớ cội thương nguồn. Bởi đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất giấu tuổi thơ vàng son một thuở, nơi “chùm khế ngọt” ngước khát khao bắc thang trèo hái, nơi “ta đi về và cuộc sống được gieo lên” (Nguyễn Hữu Quý). Vâng, miền quê Quảng Trị tự bao giờ đã chạm khắc trong tôi muôn nỗi da diết như thế. Dẫu sinh ra trên mảnh đất lắm gian nan, nhiều vất vả, “mùa đông bão lụt, mùa hạ nắng thiêu” nhưng ở đó không thiếu vẻ đẹp làm ấm lòng người và dựng dậy tin yêu xứ sở. Bằng chứng cho vẻ đẹp ấy là những bài ca dao, những “giọt sữa mẹ ngọt ngào” chảy qua năm tháng nuôi dưỡng, di dưỡng tình yêu con người.
Chẳng thơm cũng thể hương đàn
Chẳng trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra
Nói về quê hương, không gì khiêm nhường hơn thế nhưng trong thẳm sâu người Quảng Trị luôn tự hào về một Non Mai Sông Hãn làm nên cốt cách một vùng đất. Hãy nghe người Quảng Trị giới thiệu về đặc sản quê hương, về nơi giao thương, giao lưu tình cảm bằng lời mời chân mộc mà chan chứa ân tình:
Ai lên một chuyến chợ Cùa
Nhớ mua trái mít, em bù trái thơm
Đất Cùa nổi tiếng mít ngọt, thơm (dứa) ngon, tiêu cay tê lưỡi; nổi tiếng là “miền gái đẹp” của Quảng Trị, và còn hơn thế, đấy là nơi “đất lành chim đậu”, tình yêu nẩy mầm, đơm hoa kết trái tươi thắm như lòng đất bao dung, trung trinh cách mạng .
Quảng Trị vốn là đất hiếu học. Hiếu học theo cách của con nhà nghèo  gần ánh sáng kinh thành Huế - thủ phủ xã hội phong kiến một thời – nên “động cơ đốt trong” nhằm vào sự học mãnh liệt và gặt hái thành công không ít:
Bao giờ trên núi hết cây
Sông kia hết nước, họ nầy hết quan.
Đấy là niềm tự hào của dòng họ Trần Đình ở Hà Thượng - Gio Linh, nhiều đời có người đỗ đạt cao và làm quan đến chức Thượng thư (tương đương chức Bộ trưởng ngày nay). Điều đáng nói là các bậc tài trí này yêu nước thương dân, một lòng một dạ vì quê hương đất nước.
Người Quảng Trị sống thuỷ chung hết mực, một tình sử Ô Lâu đẹp như huyền thoại. Câu chuyện về người con gái mượn dòng sông trầm mình để chứng tỏ trái tim khát khao tình yêu nồng thắm và giữ tròn phẩm tiết sáng trong gây thổn thức bao thế hệ:
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê (kia) rồi
Sống thuỷ chung nên rất nhân hậu, nghĩa tình. Tư tưởng nhân sinh “một ngày nên nghĩa” thấm sâu trong máu thịt nên nồng đượm như lửa:
Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm
          Phải nói rằng đây là “hậu khúc” giã bạn thấm đẫm tình người. Dường như những ngổn ngang trên cánh đồng mùa gặt cuốn vào công việc để khi chia xa,  kẻ ở người đi tiếc nuối cho thời khắc “lửa mới nhen, đèn mới khêu” thì bặt vắng tin nhạn. Rồi ra như ngọn gió đi tìm, trái tim mách bảo và đưa đường dẫn lối:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng chén nước, đi tìm người thương
Cầm trên tay hoang tàn đổ nát, trong ký ức người Quảng Trị có quá nhiều nỗi đau chia cắt, mất mát.
Tới bến Hiền Lương chặng đường sao nghẹn lại

Qua cầu Bến Hải sao gác mái tình duyên!

 Dễ hiểu vì sao hình ảnh núi sông diễm lệ quẫy đạp trong giấc mơ vang bóng; hình ảnh mái nhà tranh, bữa ăn thừa sắn thiếu khoai buổi giêng hai giáp hạt trong ký ức nghèo khó của ông bà, cha mẹ nhưng chất ngất vẻ đẹp của một miền quê mang sức mạnh Phù Đổng. Ở đó, có bà mẹ vác đầu con bị giặc giết đi đòi công lý; có người cha gieo lời thề vàng đá xuống dòng sông dậy sóng chiến công; có người chị hy sinh tuổi xuân như đời cát trinh nguyên; có thật nhiều những trái tim can trường không tiếc máu xương cho một nền hoà bình công chính:
Nhà tan, cửa nát cũng ừ
Đánh tan giặc cướp, cực chừ sướng sau
Ca dao Quảng Trị ít miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên, tự nhiên. Mảnh đất quăng quật trong thiên tai, địch hoạ này đã tạo dáng cho vẻ đẹp bên trong của con người, hun đúc nên nghĩa tình sáng láng và rất đỗi nhân hậu:
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn,
                                                       tháng khốn, tháng nạn
Đi vay, đi tạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua một vác tre
Về dựng cái quán
Ai hờn, ai oán
Đốt quán tui đi
Tui thương cái tranh
Tui nhớ cái tre
Tui thương cái cột
Tui nhớ cái kèo
Bạn nghèo gặp nhau !
“Dĩ nông vi bản”, người dân Quảng Trị sống chết với cây lúa, thế mà trời hành thành ra trắng tay và ngơ ngác đưa chân sang cái nghề buôn bán, mà buôn bán to tát gì cho cam: Dựng một cái lều tranh bán mua đổi chác (và chắc cũng chẳng hơn gì ấm nước chè xanh!). Không hờn oán chi ai mà người ta nỡ đốt quán. Dồn đến đường cùng mà không hề căm giận, oán trách kẻ tàn ác. Chỉ thương “cái tranh, cái tre, cái cột, cái kèo” - những người bạn khó cùng gặp  hoạn nạn. Lòng nhân hậu lớn lao đến thế là cùng!
Nhưng sức mạnh niềm tin “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” vô song không chỉ làm nên tính cách tuyệt vời của người Quảng Trị mà còn nâng bỗng, cứu rỗi bao thân phận không may trên cõi nhân gian đầy bất trắc này. Đó chẳng phải là bài học lớn cho những ai biết đứng dậy sau quỵ ngã đó sao ?
                                      *
Ngày xuân khẩn nguyện điều lành, nói chuyện vui năm mới. Một chút “ôn cố” trên dòng chảy tâm thức cũng nhằm hướng tới cái lẽ huyền vi của trời đất ban tặng con người. Vâng, cái lẽ huyền vi ấy đã được nhà thơ Đỗ Trung Quân nói hộ bằng những câu thơ dung dị như đất mẹ Quảng Trị thầm nhắc chúng ta:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành nguời ! 


                                               Võ Văn Luyến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét