Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Châu Thạch đọc BÔNG HOA ĐỎ, thơ Võ Văn Hoa


 BÔNG HOA ĐỎ

Tặng cô Trần Thị Hoài, 
Trường cấp II Hải Xuân 

Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn 
Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm. 
Anh đâu ngờ trong bàn tay xinh xắn 
Có điều đáng quý: một lương tâm. 
  
Giờ học hôm nay, học sinh ngoan hơn 
Đã lớn lên từ lời em giảng, 
Môn Sinh vật tưởng chừng khô lắm
Qua lòng em  nghe hạt lên mầm.

Về thăm em, anh lại mừng thầm
Cô giáo mới ra trường, tuổi nhỏ
Giữa căn phòng một bông hồng đỏ
Và  đồ dùng dạy học vây quanh

Có phải nơi đây một góc trời xanh
Với em, không gian thành tiếng hát
Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt
Từ mầm non em đã vun trồng?
1977
VÕ VĂN HOA


 Lời Bình: Châu Thạch

 
Nhà thơ Võ văn Hoa
Nhà thơ Võ Văn Hoa là người có bề dày về sáng tác và cũng là người có bề dày về những tác phẩm đạt được giải thưởng. Tôi chỉ được biết thơ anh qua các trang mạng, và cũng được biết tác phong yêu thơ, yêu người của anh qua lời kể của một vài thi hữu. Đọc hàng trăm bài thơ của anh tôi cảm nhận được cái vẽ đẹp của một nhà thơ mô phạm điềm đạm và thanh bai. Tôi lại cũng cảm nhận được tâm hồn rung động như ngọn cỏ trong sương mai của mẫu người thi sĩ trong anh. Trong hàng trăm bài thơ hay của anh, bài thơ đập vào lòng tôi đầu tiên làm cho tôi rung động đến nổi không thể không viết vài cảm nghĩ về nó, đó là bài thơ tác giả viết khi còn rất trẻ ở tuổi 23, vào năm 1977: Đó là bài “ Bông hoa Đỏ”.


Đừng tìm ở “ Bông hoa Đỏ” một từ hoa mỹ, cũng đừng tìm ở “ Bông hoa Đỏ” một tứ cầu kỳ. Bài thơ nhẹ nhàng với những nhận định bình thường nhưng đã gói trọn cái vẽ đẹp thanh cao của cô giáo trẻ và cả vẽ đẹp của không gian cô sống, của thời gian cô phục vụ, của tương lai huy hoàng thuộc vùng đất, thuộc con người mà cô giáo sẽ đem đến cho nơi đây.

Với bốn câu thơ mở đầu, tác giả đã làm cho những vật dụng bình thường bày biện trên bàn, những thứ mà có thể rất nhiều người không thèm để ý, nhưng tác giả lại để ý và lấy đó làm bằng chứng một linh hồn trẻ đẹp, một lương tâm cao thượng :

          Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn
          Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm.
          Anh đâu ngờ trong bàn tay xinh xắn
          Có điều đáng quý: một lương tâm.

  Tác giả đã biến cái bàn với những giáo cụ lủng củng trở nên sáng láng, rạng ngời như một cái bàn chứa đầy hoa đẹp. Trên cái bàn ấy có gì? Trước hết là những giáo cụ dùng cho giảng dạy. Tiếp theo còn gì? Đó là những giáo cụ kia ấp ủ hạnh phúc một đời người . Hạnh phúc đến từ đâu? Đến từ bàn tay xinh xắn của em tự sắp xếp cho mình.
Tác giả CHÂU THẠCH

Và điều đáng quý hơn cả là em đã sắp xếp cuộc đời mình như em đã sắp xếp những giáo cụ đặt ngay ngắn trên bàn, nghĩa là em đã sắp xếp cho chính mình và cho tha nhân với tất cả một lương tâm. Cái bàn tầm thường bổng nhiên vừa đẹp xinh vừa đáng quý vì tác giả phát hiện trong cái tầm thường cái cao thượng của cuộc đời đặt lên trên đó.

Qua vế thứ hai, bài thơ có cái nhìn dự phóng về một buổi học :
                      
            Giờ học hôm nay, học sinh ngoan hơn
            Đã lớn lên từ lời em giảng,
            Môn Sinh vật tưởng chừng khô lắm
            Qua lòng em nghe hạt lên mầm.

Đây là một buổi học trong lớp nhưng lời thơ làm cho buổi học không gò bó trong căn phòng bình thường, cũng không sôi động ồn ào, mà trở nên thiêng liêng như một vườn cây trong quá trình nẩy mầm lớn lên và ra hoa kết trái. Tất nhiên qua một buổi học thân thể các em không thể lớn lên thấy rõ nhưng trí khôn thì có thể lớn lên trong chốc lát, vì có thể các em hiểu được bầu trời, thấy được đại dương hay nhận ra đạo lý làm người trong một giờ lên lớp. Bốn câu thơ được chia thành hai ý rõ rệt. Một nói về lời cô giáo giảng bài, một nói về sự sinh hạt nẩy mầm, từ đó dễ làm ta liên tưởng đến chiếc vòi sen tưới nước của người làm vườn khiến cho từng hạt nẩy mầm. từng cây vươn lên, từng búp hoa hé nụ diễn ra trước mắt. Sự sinh động của bốn câu thơ chẳng phải do ý thơ mới lạ , mà do ngòi bút phổ xuống trong thơ một ngôn ngữ hài hòa , khiến cho người đọc hiểu thơ bằng một giác quan khác, đó là giác quan của thơ.
    
Đến vế thứ ba của bài thơ tác giả mới giới thiệu một bông hoa đỏ đặt trên bàn, để đưa ra một biểu tượng bất ngờ dễ thương và đầy ý nghĩa:

          Về thăm em, anh lại mừng thầm
          Cô giáo mới ra trường, tuổi nhỏ
          Giữa căn phòng một bông hồng đỏ
          Và  đồ dùng dạy học vây quanh

Một bông hoa đỏ và giáo cụ để trên bàn đặt ngay giữa phòng, đó là một bức tranh tĩnh vật nhiều màu sắc. Tất nhiên bông hoa đỏ là màu chủ đạo của bức tranh nầy. Màu đỏ là màu đấu tranh, màu hy vọng và bông hoa đỏ mang toàn bộ ý nghĩa sức mạnh tinh thần của cô giáo trẻ. Bông hoa biểu tương của sức mạnh được đặt chung với những đồ dùng dạy học là hình ảnh của tri thức, nâng cao ý nghĩa, tạo linh hồn cho những vật vô tri bày biện trên bàn.

Bốn câu thơ không có một từ ngữ tôn vinh nào, chỉ vẽ ra một bức tranh đơn sơ, nhưng tự nó tỏa ra vầng ánh sáng làm căn phòng trở nên thanh nhã và nhìn đồ vật trên bàn cảm thấy thân yêu và đáng quý.

Vế chót của bài thơ là một khổ thơ rộn ràng vui vẽ với không gian êm ái và thời gian chứa đầy hạnh phúc:

        Có phải nơi đây một góc trời xanh
        Với em, không gian thành tiếng hát
        Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt
        Từ mầm non em đã vun trồng?

-“ Có phải nơi đây một góc trời xanh”: Tác gỉả hỏi mà không đánh dấu hỏi là một sự khẳng định.
- “ Với em, không gian thành tiếng hát” : Không gian là bầu trời con người đang sống. Bầu trời ở đây trở thành tiếng hát chứ không phải có tiếng hát nghĩa là nguồn hạnh phúc hình thành ngay giữa thiên nhiên. Tất nhiên, thiên nhiên thì trung tính nhưng nguồn hạnh phúc từ trong tâm hồn cô giáo đã làm cho cô thấy như muôn vật bên ngoài cũng hạnh phúc như cô.
- “ Và thời gian là mùa trĩu cành, sây hạt” : Thời gian của tạo hóa thì có bốn mùa, nhưng ở đây thời gian của cô giáo chỉ có một mùa duy nhất: Mùa trĩu cành sây hạt. Đúng thế,  trồng cây thì cần thời vụ bông trái mới sinh ra nhưng trồng người  thì kiến thức đến ngay và thời gian học càng dài thì trí tuệ càng cao, như cây vừa lớn lên vừa trĩu cành sây hạt.
- “ Từ mầm non em đã vun trồng” : Cô giáo đạt được thành quả tức thì trong trí khôn của học trò mà cô giảng dạy, vì thế thời gian của cô gíáo luôn luôn là mùa thu hoạch thành quả từ hạt giống cô gieo và mầm non cô đã vun trồng.

 Tôi tự nghĩ tại sao người ta không đưa bài thơ nầy vào sách giáo khoa. Đây không phải là bài thơ có từ ngữ mỹ miều tôn vinh nhà giáo với bảng đen, phấn trắng, bục giảng và hy sinh cuộc đời trong sự hẩm hiu . Đây là một bài thơ viết ra ngoài khuôn mẫu, dùng những hình ảnh mới, sáng hơn, tươi hơn  và trẻ tung hơn, có thể cải tạo cho học sinh tránh cái lối mòn muôn đời mà cha ông để lại trong cách học văn và cách viết văn ./.
                                                         Châu Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét