Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

NHÂN GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG (MỒNG 10 THÁNG 3 ÂL HẰNG NĂM), VIẾNG BÁO QUỐC TỪ: NƠI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI TÂY NINH TÔN THỜ QUỐC TỔ - Phan Kỷ Sửu


 
Ở Tây Ninh, Báo Quốc Từ là đền thờ duy nhất mà Hội Thánh và tín đồ Cao Đài tôn thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm đồng hành cùng cả nước, lễ Giỗ Vua Hùng được tổ chức trọng thể tại đây theo nghi thức tôn giáo Cao Đài do Họ đạo Thị trấn Hòa Thành và xã Long Thành Bắc thực hiện, thu hút khá đông đảo đồng bào cả giáo lẩn lương về dự. Về nơi đây, mọi người đều mang chung một tâm trạng nôn nao, một cảm giác xúc động chan hòa như hành hương về với cội nguồn của dân tộc, về với ngôi Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đang  tưng bừng lễ hội…

Trong tâm thức của người Việt từ bao đời, ngày Giỗ Tổ đã trở nên hết sức thiêng liêng: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”, tưởng nhớ mười tám đời Vua Hùng có công dựng nước, đã trở thành một niềm tin tuyệt đối và không thể thay đổi. Chim có tổ, người có tông, bài học đầu đời ngày thơ ấu là truyển thuyết mẹ Âu Cơ lấy Lạc Long Quân sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con, sau đấy, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non… Truyền thuyết ấy đã thắm sâu vào từng mạch máu Việt Nam, để ai cũng có chung một niềm tự hào là con cháu Rồng Tiên.

Báo Quốc Từ (A. The Nationnal Pantheon. P. Le Panthéon national) có nghĩa là một đền thờ những danh nhân lịch sử, những người có công lớn với nước với  dân, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ độc lập, tự do cho tổ quốc.

Sau khi đạo Cao Đài được thành lập vào ngày 25-10 Bính Dần (1926) và công trình xây dựng Tòa thánh Tây Ninh (khởi công 1933) chính thức hoàn thành vào tháng Giêng năm 1955 thì Hội Thánh khởi công xây dựng Báo Quốc Từ theo sáng kiến của chính Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Công trình được xây dựng giữa một đoạn đường khá rộng như một quảng trường nay thuộc đường Hùng Vương, Thị trấn Hòa Thành (h. Hòa Thành).

Với chiều cao 6,5m , mỗi cạnh 4m với hàng rào kiên ố xung quanh, Báo Quốc Từ là một kiến trúc hình lục giác khá độc đáo, vừa  đậm đà tính dân tộc, vừa phảng phất tính hiện đại mới mẻ, được khánh thành vào ngày 16/8 Ất Mùi (01-10-1955).

Ở hai bên cổng trước có hai câu đối của cụ Hiến Pháp Trương Hữu Đức, một trong Thập Nhị Thời quân được chạm nổi:

-BẢO THỦ CƠ  ĐỒ ANH HÙNG DƯƠNG KHÍ PHÁCH.

-HỘ TRÌ QUỐC VẬN CHÍ SĨ HIỂN UY LINH.

(Gìn giữ cơ đồ đấng anh hùng nêu cao khí phách.
Hộ trì vận nước, bậc chí sĩ hiển lộ oai linh)

Phía trong ngôi đền, Quốc Tổ Hùng Vương được thờ trang trọng tại bàn thờ chính cùng các vị công thần, các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc và nhân dân trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Bên cạnh đó có linh vị và hình ảnh của các vị vua yêu nước nhà Nguyễn (Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân), thể hiện sinh động ý chí chống thực dân Pháp.

Bài vị  được  thờ viết theo chữ Hán:

Chữ lớn hàng giữa: HÙNG VƯƠNG QUÂN CHI THỈ
Hàng bên trái: CHIẾN SĨ TRẬN VONG
Hàng bên phải : CỨU QUỐC CÔNG THẦN 


Phía sau đền thờ  có một bàn thờ chiến sĩ trận vong có hàng chữ Vị Quốc Vong Thân, phía trên có quốc kỳ Việt Namđỏ thắm.

Trong dịp trùng tu và thiết lập hàng rào bao quanh Báo Quốc Từ và khánh thành ngày 20-10 Bính Ngọ (01-12-1966), cụ Bảo Thế  Lê Thiện Phước có đọc diển văn, khẳng định rõ nét việc hình thành ngôi đền nầy:

“Người Việt chúng ta tự ngàn xưa đã chất chứa trong cõi lòng một nguồn tri ân nồng hậu đối với những nhân vật nào, dầu xa dầu gần, bất luận người bổn xứ hay khách ngoại bang, đã chơn thành hi sinh tấm thân trần cấu giúp hộ cho quốc dân ta, tạo dựng một uy lực hùng cường trong quốc nội hay lập nên một ngôi thứ gì trong vạn chủng. Tính giao hảo giữa người thi ân và kẻ thọ ân bắt buộc như thế…”

Trong nghi thức Giổ Tổ hàng năm tại đây cũng có một bài kinh xưng tụng công đức của các anh linh được đồng đạo tôn thờ. Trong đó có những câu

“Bốn ngàn năm quốc gia đã lập
Cõi năm châu bồi đắp giang sơn
Trụ tâm nâng đở quốc hồn
Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai…”

Theo những người am hiểu về nguồn gốc của ngôi đền nầy cho biết, sở dĩ ngôi đền được xây dựng ở một vị trí khá đặc biệt là ở giữa đường không bên trái, không bên phải cũng không phải ở cuối đường hay đầu đường có ý nghĩa sự nghiệp của các tiên vương, các vị anh hùng vị quốc vong thân vẫn còn dang dở, cần có sự kế tục của các thế hệ hậu sinh. Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, Báo Quốc Từ nhìn từ xa như một đài sen luôn toát lên vẻ đẹp của con người Việt Nam, của tín đồ Cao Đài vốn tôn trong và gìn giữ muôn đời đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

                                                                          PHAN KỶ SỬU
                                                                      Ảnh: Nguyễn Cảnh



TƯỞNG NHỚ VUA HÙNG

 (Họa vận “Nhớ ơn Quốc Tổ của TH Phạm Quang Vinh)


Tưởng nhớ Hùng Vương, con một nhà
Chung lòng quyết tiếp bước ông, cha
Vung  thanh gươm thép ngăn mưu giặc
Phất ngọn cờ đào vững chí ta
Thẳng hướng tương lai, nhanh bước tiến
Xây nền ước vọng rạng mùa hoa
Giống rồng tiên  nối  vòng tay lớn
Lịch sử ngời thêm nét đậm đà


                      Vân Trinh  PHAN KỶ SỬU

                                (Tây Ninh)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét