Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

VĨNH BIỆT NSUT HỒ KIỂNG, MỖT DIỄN VIÊN TÀI HOA CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM - Phan Kỷ Sửu

NSUT Hồ Kiểng

     Đành rằng sự  kết thúc của một đời người đã là một quy luật tất nhiên của muôn đời trong cái vòng “tứ khổ” của kiếp phù sinh, nhưng khi được hung tin NSUT Hồ Kiểng vừa đột ngột qua đời ở tuổi 87 vào lúc 16h15 ngày 3/4/2013 trên xe cấp cứu  từ nhà riêng - chung cư Cao Thắng (Q.3 TP.HCM) đến Bệnh viện Nguyễn Trải, sau khi ông bị ngã do bệnh tim tái phát, thật tôi không khỏi bàng hoàng như tâm trạng của đông đảo đồng nghiệp, bạn bè và khán giả ái mộ ông.

Gần 30 năm qua, tôi là một trong nhiều người bạn Tây Ninh của ông. Tôi quen biết Hổ Kiểng từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước qua nhiều lần tham gia sinh họat tại  CLB Thơ văn Quận 3.
 
NSUT Hồ Kiểng sinh ngày 27/12/1925 tại Phước Long, Giồng Trôm (Bến Tre). Ông tham gia Cách mạng từ những ngày tháng Tám năm 1945 ở tiểu đòan 209. Tham gia họat động điện ảnh từ năm 1959. Cho đến nay ông đã tham gia hơn 200 phim trong thời gian gần 55 năm với các vai diễn dù chỉ là vai phụ nhưng lại tạo được nhiều ấn tượng đối với khán giả, đặc biết nhất là ở các phim Đất Phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Hòn Đất, Ván Bài lật ngửa… Ông thường chuyên trị các vai từ phản diện đến chính diện. Bộ phim cuối cùng đang phát trên VTV1 Mùa hè lạnh đã đánh dấu một vai diễn lớn đầu tiên trong đời của ông, một đại gia người Hoa bên cạnh diễn viên trẻ đẹp Lý Nhã Kỳ. Bên cạnh đóng phim, Hồ Kiểng còn là tác giả của 12 tuồng cả lương, 50  vở kịch nói, hàng trăm vở kịch truyền thanh cùng hàng trăm bài thơ nhiều thể lọai và bài ca vọng cổ.
  
Hồ Kiểng nhìn chung là một con người tài hoa, có tác phong lao động nghệ thuật nghiêm túc, mãi mãi thể  hiện thật tốt trách nhiệm của một nghệ sỹ chân chính.Tám năm qua, ông sống bằng một trái tim nhân tạo trong người, với một cuộc sống thật đạm bạc. Thế nhưng niềm đam mê nghệ thuật điện ảnh luôn sôi động trong ông. Cách sống của ông luôn luôn là một mẫu mực soi đường cho các đồng nghiệp hậu sinh.
  
Giữa thập niên 1980, ông về Tây Ninh tham gia bộ phim truyện “Đường về của mẹ” tại Khách sạn Hòa Bình trong vai một tên Đại úy Cảnh Sát Sài Gòn. Ông đã tranh thủ thời gian nghỉ ngơi và tâm sự rất say sưa với tôi xoay quanh niềm đam mê nghệ thuật của ông, khi ấy ông mặc nguyên y phục của diễn viên. Sau đó ông thường đi bộ dến đài PT Tây Ninh tìm tôi. Mỗi lần gặp gở, ông nói chuyện rất rôm rả. Tôi cũng nhiều lần về Sài Gòn và đến nhà riêng thăm ông. Nhìn cảnh sống của ông trong một căn phòng chât chội, nóng bức, tôi không khỏi xót xa!
  
Tháng 3/1990, Nhà Văn hóa Trung tâm Tây Ninh tổ chức cuộc thi  sáng tác thơ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là cuộc thi thơ đầu tiên tại Tây Ninh từ sau ngày 30/4/1975 có sự tham gia  vào Ban Giám khào của các nhà thơ từ TP.HCM như Kiên Giang,Tôn Nữ Trà Mi ... cùng cụ Hi Đạm (Tây Ninh). Nhân dịp này, ông Hồ Kiểng cũng có gửi bài về tham gia và đạt giải B (không có giải nhất) với bài thơ  “Trở lại quê cha” và giải C với bài thơ Soi gương Người.
   
Hôm tổng kết cuộc thi, ông Hồ Kiểng có đến và góp vui với nhiều bài vè duyên dáng do chính ông sáng tác như Vè các loại cà, các lọai bánh…
   
Sau đó ông tham gia bộ phim Đêm săn bạc tại Đồng Nai trong vai một người bắt rắn. Không may con rắn hổ mang to tướng cùng “đóng phim” với ông đột ngột tấn công ông dù nó đã bị khóa mỏ bằng dây kẻm khi ông chuẩn bị bắt nó… Một cọng kẻm ngắn chạm vào  bàn tay ông đã làm ông chết lâm sàn trong Bệnh viện Sài Gòn suốt 3 ngày thế nhưng ông vẫn thóat nạn!

Sau sự kiện cười ra nước mắt ấy, tôi có tặng một bài thơ Đường luật vui, trong đó có những câu:
“Phải chăngHổ Kiễng quá chừng gan
Dám giỡn mặt cũng chú  hổ mang
Chẳng đi săn bạc mà  săn rắn
Để bị mê man khổ lụy chàng…”

Ông rất vui và họa vận ngay:
“Nếu bào rằng gan ai chẳng gan
Bở vì nọc độc khổ đành mang…”

Cách đây hai năm tôi tình cờ gặp lại ông sau cánh gà sân khấu trong một đêm Văn Nghệ tại Nhà Thi đấu Thể thao Tây Ninh. Không ngờ đó lại là lần cuối. Nhớ biết bao nhiêu những kỷ niệm ngày nào với người nghệ sĩ dễ mến ấy!   


                                                           PHAN KỶ SỬU



NHỚ HỒ KIỂNG

Thế rồi nhắm mắt, xuôi tay
Ai cũng vô thường, cát bụi…
Còn gì trong hương, trong khói
Còn gì trong gió, trong mây?

       Có chăng một trời tiếc nuối
       Ngôi sao rụng cõi hư vô
       Có chăng ầm ào sóng dội
       Vào tôi biển nhớ tràn bờ

Một kiếp tằm bao chìm nổi
Mà những sợi tơ cuối cùng
Vẫn nhả trong cơn mòn mõi
Vẫn ươm bằng cà tấm lòng!

       Nửa thế kỷ một hành trình
       Anh chỉ một lần dừng lại
       Để nắm tro kia mãi mãi
       In đậm trần gian bóng hình

Không chỉ trong từng tấc phim
Mà cả trong từng cách sống
Đến từng câu nói, cái nhìn
Hóa một tầm cao lồng lộng!

       Biết anh sáng nhất cái Tâm
       Nặng nhất cái tình, cái nghĩa
       Dáng đứng .. . thì không thể nhầm
       Lối đi chẳng bao giờ rẽ.

Tôi gọi tên anh nghèn nghẹn
Đã xa rồi Hồ Kiểng ơi
Để ngỡ bên thềm lá rơi
Tiếng bước quen hôm nào đến .

                          Tháng 4-2013
                          PHAN KỶ SỬU

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét