Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

KHOẢNG LẶNG - Tập thơ đầu tay của Hoàng Lập



Nhà thơ Hoàng Lập

Nhà thơ Hoàng Lập từ Uông Bí vừa gởi tặng VNQT tập thơ KHOẢNG LẶNG, NXB Văn Học, 2012, gồm 70 bài thơ viết từ thời sinh viên cho đến lúc về hưu. VNQT xin trân trọng giới thiệu.

Trong LỜI TỰA, nhà văn Phạm Ngọc Chiếu đã viết về Hoàng lập như sau: “… quả thật có những điều đáng nói về thơ Hoàng Lập, cho dù ông chỉ nhận mình là một nhà giáo đúng nghĩa và là người đến với thơ muộn mằn. Bằng chứng là, từ sau ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1968 cho đến ngày cẩm sổ nghỉ hưu, ông đã trọn đời gắn bó với nghiệp trồng người (Kể cả 10 năm đội mũ đeo sao mặc áo lính, ông vẫn là thầy giáo). Trong khi với thơ, dù đã làm thơ từ thời sinh viên, nhưng phải đến sau ngày về nghỉ hưu, ông mới thực sự dành thời gian, tâm sức nhiều cho thơ, coi thơ như bạn tâm giao, nơi để ông sẻ chia, giải bày tâm sự. Vì thế và nhờ thế mà những ngày tháng 10 năm 2012 này, ông có “Khoảng Lặng” gửi bạn đọc.”

Và trên trang Web Violet của mình, cô giáo Trần Thị Thúy Nga đã dành rất nhiều tình cảm cho thơ Hoàng Lập qua bài viết sau đây:

THƠ TÌNH HOÀNG LẬP BÉN DUYÊN MÌNH NHƯ VẬY ĐÓ
Trần Thị Thúy Nga

Hôm nay mình định viết về một người. Người này đến với mình cũng tình cờ thôi. Cái tình cờ làm cho trái tim đa cảm của mình rung động và mình viết. Mình viết những dòng ngu ngơ về những bài thơ của người được người khen là "Lời bình".
 

Trần Thị Thúy Nga
Thực ra mình chưa bao giờ có ý thức bình nghiêm túc một bài thơ. Mình chỉ để cho cảm xúc của mình thăng hoa cùng những bài thơ của bạn thôi. Vậy mà những lúc tâm hồn mình nông nỗi, mình lại tìm đến những bài thơ ấy và chính những bài thơ ấy, như một người tình si, an ủi trái tim mình. Mình thích hai ngôi nhà của hai người đàn ông đa tình và lãng mạn. Bởi mỗi khi mình tìm đến với họ, mình như thấy họ đang dùng cái si tình ấy an ủi mình. Những chàng trai ấy đang viết cho nàng thơ của họ, vậy mà mình cứ hóa thân vào đối tượng, để rồi thấy vấn vương. (Vấn vương là vấn vương cái anh chàng chủ thể trữ tình thôi à nha!)

Một lần mình buồn lắm! Buồn vì cái gì thì bi chừ quên mất rồi (Nhớ cho mà chết luôn à!) vậy là mình lạc vào một Blog bắt gặp bài thơ này:

LỬA CỦI NGHIẾN.

Lửa bén nhanh bởi củi tạp chẻ mỏng
Em đừng thở than: sao bếp lắm tàn?
Giấu lửa vào trong, nghiến chờ tay chọn
Lửa lụi rồi, bếp vẫn bỏng vã than.

Thơ sâu quá! Ý tứ, lời lẽ như nói hộ lòng mình. Vậy là mình để lại vài dòng tâm sự:

Tự nhiên bắt gặp một bài thơ đầy suy ngẫm. Củi chẻ nhỏ  tạp) thì lửa bén nhanh. Lửa bén nhanh thì bếp mau tàn. Cái chân lí giản đơn chỉ những người dùng bếp củi mới biết được ấy lại là chân lí của cuộc đời. Chân lí của tình người. Cái gì dễ dãi quá cũng không bền lâu được. Cũng như tình yêu vậy. "Em đừng thở than: sao bếp  lắm tàn?/ Dấu lửa vào trong, nghiến chờ tay chọn". Minh không hiểu nghĩa của từ nghiến này lắm. Không hiểu nghiến là sự nén lòng hay còn còn có nghĩa nào khác nữa. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen thì sự chờ đợi để nhen những thanh củi lớn, để ấm mãi khi lửa đã  tắt mà bếp tro vẫn còn than hồng thì nghiến ở đây là nỗi chờ đợi, sự nén lòng. Nén lòng lại em ạ! Để tìm cho mình một bếp ấm lòng. Đừng vội tìm hơi ấm lửa rơm. Như một lời tâm sự, một kinh nghiệm sống của những người từng trải. Bài thơ đã cho ta một bài học về cách nhìn người, cách nhìn cuộc đời. Đáng trân trọng biết bao.

Vậy là  mình nhận được  tin nhắn để lại của tác giả:

Cảm ơn bạn đã cho từ "nghiến" một nghĩa bóng thật hay. (Nghiến = nén lòng). Anh nén lòng dấu lửa tình yêu vào tim, chờ em nhận ra sức nóng trong anh để chọn anh, như chọn củi cây nghiến (1 loại thiết mộc) để giữ lửa đượm cho bếp của mình.
    Mình bén duyên với thơ Hoàng Lập từ đấy. Mình sục sạo khắp nhà người ta để tìm "trầm" và lại bắt gặp một bài thơ nữa. Mình nói bắt gặp là vì trong muôn vàn bài thơ của người mình chỉ chọn một bài  đăng trong Website vì lúc ấy vào mùa hè:

BẮT ĐƯỢC MÙA HÈ:

Sân trường nhặt một tiếng ve
Thế là bắt được mùa hè ai rơi ?
Phượng sao cháy thế phượng ơi
Đốt trời xanh của  lòng  tôi  bây  giờ
Áo dài nghiêng dáng thẫn thờ
Màu  trinh nguyên ấy có chờ đợi  tôi ?
Tiếng ve đành  thả lên trời
Giữ lại đốm phượng bồi hồi trong tay.

                                      Vào hè 2012

Vậy là ngứa ngáy chân tay mình gõ tiếp:
Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc thơ của người thầy giáo ấy mình lại rất đồng cảm. Đã về hưu lâu thế mà bác vẫn còn viết được những vần thơ thật giàu cảm xúc như vậy về tuổi học trò, về hoa phượng, mình thật phục.

"Sân trường nhặt một tiếng ve
Thế là bắt được mùa hè ai rơi?"

Cũng tiếng ve, cũng màu phượng đỏ, cũng thoáng áo dài nhưng qua cách diễn đạt của bác lại không hề theo một khuôn mẫu nào cả. Ở câu thơ đầu, người đọc bắt gặp cách sử dụng thật tài của tác giả. “Nhặt một tiếng ve". Một tiếng ve chứ có phải một bông hoa phượng đâu mà nhặt được nhỉ? Sự chuyển đổi cảm giác làm cho cái vật tưởng chừng vô hình trở nên hữu hình hơn;  cái âm thanh của mùa hạ tự nhiên trở nên có thể cầm nắm được. Ai hơi đâu đi làm cái việc thẩn thơ ấy? Chỉ có "áo trắng" thôi. Nhặt một tiếng ve là "bắt được mùa hè đánh rơi" Mùa hè đánh rơi "tiếng ve". Hay thật.

Lại bắt gặp hình ảnh "phượng cháy" thân quen, nhưng câu bát thì lại rất mới, rất lạ tạo ra sự đối lập giữa hai gam màu tưởng chừng tương phản:

"Đốt trời xanh của lòng tôi bây giờ"

Phượng đốt lòng tôi, hay nói như Xuân Diệu: "Sắc đỏ rủa màu xanh". Câu thơ tả mà lại rất gợi cảm. Tả mà bày tỏ được sự xao xuyến bồi hồi của chủ thể trữ tình khi mùa hè đến.

Vậy mà tình cờ thế nào lại bị phát hiện vì những lời có cánh ấy mình đã giấu kĩ bên Website của mình mà vẫn bị tìm ra. Thế là mối tình giữa thi sĩ và người "hăm dọa"  bắt đầu. (Dùng dùng từ mối tình cho nó kêu tí chứ thực ra là tình  thầy- trò thôi!).
Bẵng đi một thời gian "dan díu" vì thơ, bỗng một hôm lạc vào bắt gặp bài "Giá đừng " của thi sĩ:

Cũng là chỉ gọi: Anh ơi !
Mà sao tôi thấy bồi hồi trong tim
Cũng  là chỉ ánh mắt nhìn
Mà sao tôi thấy muôn nghìn sao rơi
Cũng là chỉ  nụ nhoẻn tươi
Mà sao tôi thấy đất trời đảo nghiêng
Nụ hôn chưa nở  môi mềm
Mà sao tôi  thấy  êm đềm dành tôi.
Tiếng yêu chưa thốt  ra  lời
Mà sao tôi thấy cuộc đời lâng lâng
Những tưởng đã tắt lửa lòng
Mà sao bùng Hỏa Diệm Sơn thế này...
Giá đừng mơ  giữa  ban  ngày
Giá đừng tự chuốc mình say...giá đừng !

Vậy là không hiểu sao mình làm được bài thơ. Làm bài thơ này không phải mình nhớ nhà thơ của mình đâu nha! Mình đang nhớ người yêu của mình đấy, thế nhưng chính thơ của người  đã tạo cảm xúc cho mình viết:

Đừng nói với em hai tiếng giá như!
Chếnh choáng men say
Chếnh choáng men tình
Vàng rực đồi Langbiang, dã quỳ có làm anh chếnh choáng?
Đêm định mệnh, anh say
Vờ ngủ quên trên mịn trần đôi tay

Đừng bao giờ nói với em rằng:
Giá như mình còn gặp lại
Bởi sau cơn say, là những ngày rất tỉnh
Anh sẽ chẳng bao giờ mê mãi mãi vì say

Đừng nói với em hai tiếng : giá như
Bởi ta biết những gì mình nhận được
Cho là cho, hạnh phúc đâu có mất  ?
Cái nhận về, anh có giống em không?

Em vẫn thích anh say, say tí cay nồng
Thích chếnh choáng chút hương men tình ái
Say cứ say  nhưng ngày mai tỉnh lại
Anh lại là anh và  đừng bao giờ nói: giá như ...

 Với lời đề tặng : Tặng bác Hoàng Lập. Chính bác đã gợi tứ cho cháu làm bài thơ này. Vậy là mấy ngày sau, mình đón đọc được bài: Nồng nàn LangBiang:

Đã từng một đêm Lang Biang
Mụ mị rượu với nồng nàn Cao nguyên
Ngật ngà nhịp nhún cồng chiêng
Ơ kìa ! Lửa múa mắt nghiêng bập bùng.

Em đừng lắc suối tóc hông
Lỡ một nhánh mát xoà vòng tay  tôi
Miệng thơm, thơm cả lời mời
Chập chờn ngà ngọc khoé môi em cười.

Ơ kìa ! Hình  như  mặt  trời
Dấu bỏng ngưc áo đốt tôi cháy lòng
Cong mềm cần lựa xoay vòng
Đỡ tay khắc khoải níu mong lượt kề.

Ơ kìa ! Đừng bảo tôi mê
Nàng H’Biang rõ vừa về cạnh tôi.

Với lời của người biên tập: Là bài thơ viết lâu rồi nhưng chính cái tên Langbiang của Blog mình gợi bác nhớ lại và đem ra chỉnh sửa. Bài thơ khá nồng nàn. Mình chọc bác một câu: 

Ơ kìa ! Hình như mặt trời
Dấu bỏng ngưc áo đốt tôi cháy lòng
Chết mấy chàng luôn. Lại một người nữa bị đường cong hớp hồn. Cười. 

Mình chọc cái tranh minh họa trong bài viết của bác và cái lời bình của bác cho bài viết " Đùa cùng Bà Chúa thơ Nôm" của mình.
  
Mình nói là mỗi khi buồn mình thường tìm đến với thơ, để cho nhưng chàng trai si tình ấy an ủi mình. Và chính Thơ  Hoàng Lập ( Xin được gọi tên anh như một chàng trai vì sự trẻ trung và sâu sắc, lãng mạn mà chân tình) đã an ủi mình trong những lúc mình thấy "Mất chân trời"

Mất chân trời
Trời tuy cao nhưng vẫn có chân trời
Vẫn có nơi Tiên - Người gặp gỡ
Bụt sẽ lau khô nước mắt đau khổ
Cứ gục vai anh mà thổn thức con tim .

Chẳng cần đâu mò đáy giếng trăng in
Cứ thả gầu vào anh mà múc lên vằng vặc
Bạch Tuyết đợi trăm năm mới thức giấc
Anh xin một ngày làm Hoàng Tử cho em.

Anh luôn tin có chỗ Người gặp Tiên
Nên suốt đời lang thang tìm kiếm
Một ngày nào , ai cùng em âu yếm
Là lúc anh  biết mình  mất chân trời .

             Vậy là mình viết:
Lại một bài thơ chứa đầy tâm trạng. Không hiểu sao tất cả những hình ảnh thơ lại như rất gần gũi với mình. Nơi chân trời. Mình vẫn thường nghĩ đến cái chân trời ấy. Nơi Nha Rúi và Tầm Giang gặp nhau. Nơi Từ Thức gặp Tiên, để rồi vẫn vơ đi tìm mãi. Đọc thơ của Bác Hoàng Lập mình lại bắt gặp một người lớn tuổi, cũng vẫn vơ đi tìm cái chân trời xa lắc ấy

Trời tuy cao nhưng vẫn có chân trời
Vẫn có nơi Tiên-Người gặp gỡ
Bụt sẽ lau khô nước mắt đau khổ
Cứ gục vai anh mà thổn thức con tim

 Liệu có cái nơi Tiên người gặp gỡ ấy chăng? Có một bờ vai để cho ta tựa khi ta cần? Hay chỉ là " Mò trăng đáy giếng". Lòng giếng sâu hay lòng giếng cạn? Ta đã nói với người " Em tưởng giếng nước sâu, em nối sợi gàu dài...". Sao bài thơ giống như viết cho mình thế . Tất cả những gì Bác nghĩ sao thấy gần gũi với mình quá. Mình cũng nghĩ đến những điều đấy nhưng không thể viết ra được như Bác thôi.

Thơ đến với mình như vậy đó. Mình yêu những chàng trai si tình trong những bài thơ ấy. Mong là ngoài đời thực các chàng trai ấy vẫn lãng mạn, tình si để  cho một nửa của mình không bao giờ phải buồn khổ. (Ý quên... ngoài đời thực thì thầy giáo hưu ấy vẫn rất mực tình chung chứ!)

Trần Thị Thúy Nga
http://thuyngadx.violet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét