“Tu li… tu li… “ củi đây!
Người thương binh từ trong trại an dưỡng bước ra. Đầu đội chiếc mũ tai bèo, trên người anh là bộ quân phục màu xanh lá cây đã bạc mầu. Lưng mang chiếc ba lô con cóc, có cài chiếc bi đông nước ở thắt lưng. Người thương binh tên gì không ai biết. Chỉ biết rằng, sáng sáng khoảng tám giờ , anh bắt đầu bước ra khỏi nhà an dưỡng và bắt đầu một cuộc đi bộ dọc theo đường phố. Anh dùng tay bóp môi dưới tạo thành cái còi và hít vào thật sâu, rồi thổi một hơi dài phát ra tiếng kêu tu li, tu li, y như tiếng con chim tu huýt bằng đất nung mà trẻ con thường thổi. Từ đó trẻ con trên đường phố mà anh thường đi qua gọi anh là chú Tu Li.
-Chú Tu Li , chú Tu Li! Củi đây nầy.
Nghe tiếng anh thương binh huýt gió từ xa, một cháu gái chạy từ trong nhà ra mang cho anh một que củi nhỏ.
Anh Tu Li nhìn cháu bé cười ngô nghê rồi nói:-Củi, củi nhiều quá.
Vừa nói anh vừa dừng lại mở chiếc ba lô con cóc ra bỏ que củi vào. Trong ba lô của anh cũng toàn là những que củi vụn, nói cho chính xác là những cọng rác anh nhặt dọc đường.
Anh thương binh cẩn thận đặt que củi vào ba lô giống như người ta đặt một cái gì đó dễ vỡ. Tu li, tu li, anh lại bước đi và bắt đầu huýt gió.
Trên đường đi nhiều đứa bé đã cho anh Tu Li củi. Có nhiều đứa trẻ nghịch ngợm nhặt một cọng kẽm gai chạy đưa:
-Chú Tu Li, củi đây nầy.
-Tu li… tu li.... Củi nhiều quá. Người thương binh lại mở ba lô bỏ khúc kẽm gai vào:
-Củi nhiều quá.
Ti li, tu li. Tiếng sáo miệng của anh thương binh lanh lảnh trên các đường phố vào những buổi sáng tạo ra một âm thanh than quen vui vẻ, nhất là đối với các trẻ nhỏ.
Có một bận bà hàng xóm biết cậu bé cạnh nhà mình học lớp sáu nhưng rất tinh nghịch, cậu bé đã từng đưa cho anh thương binh những cọng kẽm gai sắc nhọn.Thấy quả tang bà gọi đứa trẻ lại quở trách giọng nhẹ nhàng:
-Chú ấy đang đi kiếm củi, sao cháu không mang củi ra cho chú ấy mà lại đưa cọng kẽm gai? Chú ấy bỏ vào ba lô nhỡ móc rách áo quần chú ấy thì sao? Không chừng lại làm rách da chú ấy nữa đấy.
_Chú ấy điên mà cô. Chú có nấu ăn được đâu mà cho củi?
-Chú ấy không điên đâu. Bà hàng xóm nói.
-Không. Chú ấy điên thật cô ạ. Chú ấy ở trên khu an dưỡng thương binh cháu biết mà!
-Cô đã nói chú ấy không điên.Chú ấy chỉ lẫn trí thôi.
-Lẫn trí khác với điên sao hở cô?
-Người lẫn trí là người không kiểm soát được trí nhớ của mình. Mọi việc người ấy chỉ nhớ mang máng thôi. Thực hư không phân biệt rõ ràng. Như chú thương binh nầy còn biết đi nhặt củi. Nhưng lại không phân biệt được cái gì đốt cháy cái gì đốt không cháy. Chú ấy còn nhớ mang củi về nhà nhưng không nhớ là mình phải dùng cái gì để mang củi. Cháu thấy chú ấy có phải vậy không?
-Còn người điên thì sao hở cô.
-Cô không biết giải thích sao cho cháu rõ nhưng đại loại đó là những người mất hết trí nhớ hoàn toàn. Đứa trẻ lắc đầu có vẻ không phân biệt được. Bà hàng xóm nhìn cậu bé cười:
-Thôi thì cháu chỉ cần hiểu rằng; với những người như chú ấy hoặc là người điên đi nữa thì các cháu cũng không được chọc ghẹo mà phải tìm cách giúp đỡ họ. Nói vậy thì cháu hiểu chứ?
Đứa trẻ gật đầu. Nhưng rồi nó lại hỏi:
-Mà sao chú Tu Li không nhặt gì mà chỉ nhặt củi vậy cô? Có lần cháu để que củi dằn trên tờ giấy bạc hai ngàn đồng đặt ngay trên đường chú ấy đi qua; nhưng chú chỉ nhặt que củi mà không nhặt tờ giấy bạc.
Đứa bé hỏi lần nữa-Sao vậy cô?
Người đàn bà im lặng suy nghĩ một lát rồi trả lời:
-Cô không biết chắc chắn lắm nhưng có lẽ hình ảnh còn sót lại trong trí nhớ mơ hồ của chú ấy là những bếp nấu. Nghĩa là trước khi chú ấy bị một vết thương làm mất trí nhớ, công việc của chú là nấu ăn cho bộ đội. Có thể là như vậy, cô chỉ đoán thôi, và chú ấy đã nhập tâm với công việc của mình. Cũng như cháu vậy, ngày nào cháu say sưa với một trò chơi nào đó thì lúc ngủ cháu cũng mơ thấy cháu chơi trò chơi đó. Có lúc nào cháu gặp trường hợp như thế không?
Đứa bé trả lời một cách thích thú:
-Dạ có. Cháu luôn như vậy.
-Đấy đấy. Cô nghĩ chú ấy cũng đang trong một giấc ngủ mê đấy.
-Vậy thì có lúc nào đó chú ấy tỉnh lại phải không cô?
-Cô tin như vậy. Để chú ấy mau tỉnh lại thì mọi người phải thương yêu giúp đỡ cho chú. Cháu phải chọn những que củi nào không có gai đem cho chú với những lời nói thật đáng yêu. Chẳng hạn cháu nói với chú ấy rằng- Chú ơi, chú gắng nấu thức ăn cho ngon để bộ đội ăn cho no mà đánh giặc nhé. Hoặc khen chú- Chú ơi chú nấu thức ăn ngon lắm, ai cũng khen cả.Vậy là chú ấy thấy vui mà mau thoát ra khỏi cơn mê muội. Cháu có làm vậy được không?
-Dạ nhất định cháu làm được, cháu còn giả bộ nhai thức ăn chú ấy nấu một cách ngon lành nữa kia.
Người đàn bà hàng xóm bật cười:
-Cháu ngoan lắm.
*
Ngừoi đàn bà hàng xóm của cậu bé tên Vũ Thị Thanh, năm nay đã trên bốn mươi tuổi, ở tại số nhà 12 đường Nguyễn Huệ. Chị Thanh có chồng là bộ đội. Ngày đất nước thống nhất, những người chồng, người cha, người con, người anh… của các gia đình lần lượt trở về. Có người thì trở về nguyên vẹn. Người thì trở về không còn nguyên vẹn. Có người trở về chỉ là một nắm xương. Nhưng tất cả những gia đình đón người thân trở về trong những trường hợp như vậy, chị nghĩ, ai cũng may mắn hơn chị. Bởi chồng chị đã không bao giờ trở về- Dù anh ấy trở về chỉ là một nắm xương thì tôi cũng yên tâm. Chị tâm sự với mọi người như vậy. Một đồng đội của chồng chị sau ngày nước nhà thống nhất đã tìm đến nhà báo tin cho chị rằng chồng chị đã hy sinh năm 1974 ở chiến trường Đức Cơ. Với một câu nói mà lúc ấy chị thấy không còn có Trời, không còn có Đất, không còn có loài Người nữa. Câu nói chỉ vẻn vẹn có mấy chữ mà sao ghê gớm đến thế-Đồng đội không tìm được xác anh ấy!
Trời đâu rồi? Đất đâu rồi? Mọi người ở đâu hết? Sao không ai biết anh ấy ở đâu mà mách bảo giùm tôi?
Vậy mà chị cũng sống đến được bây giờ.
Vào khoảng thời gian khi làn sóng tâm linh nổi lên ào ạt khắp mọi nơi trên một đất nước mà đào ở đâu cũng gặp xác người, chị không tin nhưng cũng phải tin vào một hiện tượng đồng bóng. Chị nhờ một nhà ngoại cảm tìm xác chồng. Nhà ngoại cảm đã xác định đúng nơi người chồng của chị ngã xuống, một vị trí núi non trùng điệp thuộc vùng Ba biên giới. Ngày người ta đưa hài cốt về chị đã khóc ngất. Nhưng sau khi cải táng anh vào nghĩa trang liệt sĩ, chị lại có một cảm giác lạ lùng rằng hài cốt liệt sĩ ấy không phải là hài cốt chồng chị. Chị nghĩ rằng chồng mình chưa chết. Nghĩ vậy nhưng chị không nói ra với ai. Lấy ngày bốc mộ làm ngày mất. Vào ngày đó hàng năm chị vẫn cúng giỗ nghiêm túc. Và chị van vái với vong hồn người chết rằng, nếu anh không phải là chồng chị thì cứ xem chị như một người thân trong gia đình của liệt sĩ. Rồi mấy mùa giỗ qua đi, lòng chị cũng nguôi ngoai dần và chị xem như chồng mình cũng đang nằm đâu đó trong nghĩa trang liệt sĩ dưới một ngôi mộ không tên hoặc với một cái tên khác.
*\
Tu li …tu li.... Người thương binh bước ra khỏi trại an dưỡng, vừa đi vừa bóp môi huýt gió. –Củi đây! Anh ta lại nhặt một que rác bỏ vào chiếc ba lô đeo sau lưng. Những đứa trẻ trên đường phố nghe tiếng huýt gió chúng cũng nhại theo:Tu li, tu li, rồi chạy vào sau bếp nhặt một que củi nhỏ: -Chú Tu Li ơi, củi đây!
Sáng nay anh thương binh không mặc bộ đồ trận sờn vai như mọi hôm. Anh mặc một chiếc áo ấm mầu cà phê đã bạc lỗ chỗ từng đám. Đôi mắt mờ đục, nước da hơi xanh tái do khí tiết của những ngày trở đông. Miệng anh luôn mỉm cười, đôi khi cái cười cũng vu vơ, chẳng thể hiện niềm vui hay nỗi buồn. Lâu lâu anh lại cúi xuống nhặt một cái gì đó. Cần mẫn và chịu đựng. Có lẽ câu chuyện giữa bà hàng xóm và cậu bé tinh nghịch hôm nọ đã đến tai mấy đứa trẻ khác, nên sau đó chúng không mang cho anh thương binh những cọng kẽm gai hoặc những que rác dơ bẩn. Chúng còn nói về anh bằng những hình tượng thật đẹp đẽ, có lẽ do cha mẹ chúng hay người thân nói cho chúng nghe.
Một đứa bé nói với bạn nó:
-Mầy có biết chú Tu Li nhặt củi để làm gì không?
-Thì chú ấy về nấu ăn chứ còn làm gì nữa.
-Vậy thì bếp của chú ấy đặt ở đâu mầy biết không?
-Ở trung tâm an dưỡng chớ còn ở đâu.
-Sai.
-Vậy thì ở đâu?
-Ở trong trái tim chú ấy.
Đứa trẻ kia phá lên cười như nắc nẻ. Nó nói:
-Bếp mà đặt trong tim thì cháy trái tim mẹ nó rồi còn gì.
Cậu bé nầy cãi lại:
-Vậy mà không cháy đâu nghe!
-Sao mầy biết?
-Thì chú ấy còn sống sờ sờ ra đó.
Đứa trẻ kia cứng họng nó cảm thấy như mình bị mắc lừa, nó lại phá lên cười, rồi hỏi lại:
-Thôi được.Tao hỏi mầy là sao mầy biết chú ấy đặt bếp trong trái tim chú ấy? Giỏi trả lời đi.
Cậu nầy tỏ ra thành thạo, khi quả quyết như một người lớn:
-Sao lại không biết. Tao còn biết nhiều điều hơn nữa kia.
-Mầy biết gì kể tao nghe thử.
-Chú ấy làm anh nuôi. Mầy có biết anh nuôi là gì không?
-Không.
-Anh nuôi là anh bộ đội chuyên đi chợ nấu ăn cho những anh bộ đội khác.
-Sao nữa mầy kể tiếp đi.
-Chú anh nuôi ấy đi theo đoàn bộ đội dọc dãy Trường sơn. Bộ đội đóng quân tại đâu thì chú ấy đào bếp nấu ăn tại đó.
-Sao mầy bảo chú ấy đặt bếp trong tim chú ấy?
-Chứ sao nữa, tao kể chưa hết mà.Cho đến một hôm đơn vị chú ấy bị địch vây đánh, chú ấy bị một vết thương đâu đó trên đầu. Trước khi bị rơi vào tình trạng lẫn trí, chú đã kịp thời dời cái bếp vào trong trái tim chú ấy. Từ đó chú không quên tiếp tục công việc của mình bằng cách nhóm lửa lên trong trái tim của chú.Và cứ thế ngày ngày chú ấy vẫn đi kiếm củi.
Đứa bé kia vỗ tay:
-Hay quá ta! Y như chuyện cổ tích thần thoại. Ai kể cho mầy nghe hay dữ vậy?
-Cô Thanh ở cạnh nhà tao kể. Mầy có tin không?
-Ừa, giờ thì tao tin.
*
Cũng như mọi hôm, anh thương binh đi nhặt củi dọc theo đường Nguyễn Huệ, đến khúc cua rồi tiếp tục đi thêm một đoạn nữa là đến ngôi nhà mang số 12. Anh dừng lại. Anh đâu có biết số nhà, chỉ theo thói quen, đến đó bao giờ anh cũng thấy một lọn củi , gồm mươi que củi nhỏ, sạch sẽ và được chặt đầu đuôi gọn gàng, bỏ sẵn trước thềm ngôi nhà số 12. Nắm củi được gom lại và bó chặt lớn không quá bắp tay. Vậy là anh thương binh bước đến mở ba lô bỏ nắm củi vào. Ba lô đã đầy củi, anh không đi tiếp nữa và miệng cũng không huýt sáo tu li tu li. Anh quầy quả trở về trung tâm an dưỡng một cách vội vã như thể sợ muộn một việc gì đó.
Một buổi trưa mùa đông nọ, chị Thanh đi làm về chị thấy nắm củi mình đặt trước hiên buổi sáng vẫn còn nằm yên ở đó. Lòng chị thấy buồn. Nhưng theo thói quen không bỏ được, chị lại đặt thêm vào chỗ ấy một nắm khác, hy vọng trưa đó về nhà chị sẽ không còn thấy lọn củi nào nữa. Nhưng không như chị nghĩ. Chị chưa tới nhà đã nhìn trước hiên, vẫn còn hai nắm củi nằm lạnh lẽo ở đó.
Và rồi về sau, cứ thế, mỗi buổi sáng trước hiên nhà chị Thanh lại có thêm một nắm củi.
Một hôm cùng mùa đông năm ấy, người đi đường không thấy những nắm củi trước hiên nhà chị Thanh nữa. Và ngôi nhà số 12 đường Nguyễn Huệ cũng đã khòa cửa. Và cũng từ đó, bọn trẻ con đường Nguyễn Huệ không còn nghe tiếng húyt gió tu li tu li của chú thương binh vào những buổi sáng mùa xuân đẹp trời cũng như những ngày mùa đông lạnh lẽo. Người lớn thì chẳng ai để ý gì, họa chăng một lúc nào đó người ta chợt nhận ra và hỏi nhau: Sao mấy hôm nay không thấy người thương binh điên điên tỉnh tỉnh đi nhặt củi nữa nhỉ, chắc anh ta chết rồi. À mà nầy, có ai biết chị Thanh đi đâu không nhỉ. Tự nhiên đang làm việc bên hội Phụ nữ nửa chừng rồi khóa cửa nhà bỏ đi. Chẳng ai biết chị ấy đi đâu.
Thế là câu chuyện về anh thương binh nhặt củi, câu chuyện về những nắm củi đặt trước hiên căn nhà số mười hai, cùng câu chuyện về cô chủ căn nhà số mười hai ấy đột nhiên bỏ đi đâu không ai biết, dần dần đã đi vào quên lãng của mọi người trên đường phố Nguyễn Huệ. Nhất là đám trẻ trên đường phố đó. Thế mà chúng lại mau quên hơn ai cả.
*
Tại bệnh viện thần kinh X125, có một cặp vờ chồng nuôi nhau đã mấy năm nay. Người vợ nuôi người chồng mắc bệnh tâm thần nhẹ. Trong hồ sơ nhập viện người đàn ông mắc bệnh tâm thần, tên là Từ Lí. Theo như người vợ kể lại với thân nhân của các người bệnh, chồng chị là một quân nhân, trong một trận đánh vào cuối tháng hai năm 75 anh bị thương ở đầu và mất trí nhớ từ đó. Người ta chỉ biết vậy thôi, không ai hỏi thêm gì về cặp vợ chồng ấy nữa. Người vợ chừng khoảng trên dưới bốn mươi. Nhìn những đường nét trên mặt người đàn bà người ta cũng đoán được chị ấy có một thời là cô gái xuân sắc. Bởi một vài nét trên khuôn mặt chị, thời gian đã tỏ ra bất lực hay vị một chút tình riêng nào đó mà không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Thượng đế giao cho: Hãy trừng phạt Adam và Eva bằng cách làm cho nó phải đau khổ khi nhìn thấy khuôn mặt con cháu nó lúc về già phải biến đổi một cách xấu xí! Nhờ vậy mà khuôn mặt người đàn bà dù ở tuổi trên bốn mươi mà vẫn còn giữ được nét khả ái và quyến rủ. Còn người chồng thì không ai đoán được tuổi. Cũng không hình dung ra được khuôn mặt người ấy lúc trẻ như thế nào.
Phòng điều trị của người chồng thuộc tầng trệt của dãy lầu ba tầng. Nó nằm phía góc trái. Trên sân bệnh viện ngay trước cửa phòng, có một cây đa Ấn độ tỏa nhánh rậm rạp mát mẻ. Hai vợ chồng họ ở chung phòng với một bệnh nhân là một cậu con trai trạc mười tám, hai mươi tuổi. Được cả cha mẹ cậu thay nhau chăm sóc. Cậu thanh niên mỗi lần lên cơn động kinh là trốn khỏi bệnh viện, khiến cha mẹ cậu hết sức vất vả tìm kiếm. Có lần phải nhờ cả Công an khu phố tìm giúp.
Nếu chỉ việc người vợ săn sóc nuôi chồng quá chu đáo, thì ở bệnh viện nầy không phải chỉ có một mình chị. Người ta chú ý đến câp vợ chồng nầy bởi cách chìu chồng của người vợ. Chìu chồng một cách quá đáng, người ta nghĩ như vậy. Việc chìu chồng hoặc chìu vợ thì chẳng có gì lạ. Nhưng chìu một người bệnh tâm thần dù người bệnh là chồng, hoặc vợ hoặc con cái của mình là điều quá khó. Bởi đòi hỏi cùa người bệnh đôi khi hết sức vô lí, ai mà làm theo cho được!
Ngoài việc cơm nươc, giặt giũ, nhận thuốc, phân thuốc cho chồng uống hàng ngày, người đàn bà còn đóng vai một người tình như lúc hai người chưa cưới. Buổi sáng, buổi chiều chị quàng vai anh dạo bước trong sân bệnh viện. Có khi chị cùng chồng đi lang thang cùng anh khắp các con đường vắng vẻ quanh bệnh viện. Được cái là anh hiền lành, ngù ngờ như một đứa trẻ. Không la hét, không đập phá cũng không tìm cách trốn khỏi bệnh viện như cậu thanh niên cùng phòng. Có điều là người chồng mắc một chứng ám thị nào đó mà sinh ra thói quen kì cục, là đi đâu cũng mang một chiếc ba lô con cóc sau lưng, vừa đi vừa nhặt những que rác anh ta thấy dọc đường bỏ vào ba lô, miệng mỉm cười nói: Củi nhiều quá.Vậy mà chị không can anh, chị còn nhặt giúp anh những que củi rồi bỏ vào ba lô cho anh. Chị cũng cười:-Nhiều củi quá phải không anh? Người đàn ông gật đâu:-Củi nhiều quá.
Chị bó những nhánh củi nhặt được thành từng lọn nhỏ và xếp ngay ngắn dười gốc cây đa trước cửa phòng, nơi chị dùng làm bếp nấu ăn. Chị đào đất lên và sửa nó lại thành cái bếp mà bộ đội thường gọi là bếp hoàng cầm được dùng trong các chiến dịch.Tối đến chị ngồi cùng anh dười gốc cây lần lượt đôt những bó củi. Ánh lửa lập lòe in hình bóng anh chị lung lình trên mặt đất. Chị hỏi anh:
-Anh có biết bóng của anh là cái nào không?
Người đàn ông chỉ vớ vẩn. Chị cười và chỉ lại cho anh. Sau đó chị hỏi lại. Mấy lần nhưng người đàn ông vẫn chỉ không đúng.
Một đêm khác khi đốt lửa xong chị hỏi:
-Đêm nay anh nấu mấy lon gạo?
Anh cười ngô nghê:
-Ba lon.
Chị lại hỏi:
-Đơn vị anh mấy người mà anh chỉ nấu ba lon?
Anh lại cười ngu ngơ:
-Một người.
Chị phá lên cười:
-Đơn vị chỉ có một người làm sao mà đánh giặc? Mà thủ trưởng anh tên gì?
Anh chỉ cười.
Một đêm khác khi đốt lửa lên chị hỏi anh:
-Đốt lửa như thế nầy anh không sợ địch phát hiện sao?
Anh nhìn lên vòm cây đa tối om rồi lắc đầu.
Chị nói:
-Lá đa che kín địch không thấy phải không?
Anh lắc đầu chẳng nói gì. Có lúc chị hỏi tên anh bằng một thứ giọng của cấp trên ra lệnh:
-Đồng chí tên gì? Báo cáo cho tôi biết?
Anh hơi hốt hoảng một chút rồi ngồi lặng im.
Những câu chuyện như thế vẫn diễn ra bên ánh lửa lậplòe dưới gốc cây đa trước sân bênh viện, hết đêm nầy đến đêm khác. Thân nhân của những người bệnh đi ngang qua thấy vậy lúc đầu họ lấy làm lạ rồi sau cũng quen dần chẳng ai để ý.
Một buổi sáng chị dậy sớm lúc anh đang ngủ. Chị phải về quê lấy gạo và mang thức ăn lên. Biết tính anh không quậy phá, chỉ đi kiếm củi xong là về phòng nằm. Hồi ở trung tâm an dưỡng anh vẫn sống một mình như vậy. Chị gởi anh lại cho cha mẹ cậu thanh niên nhờ nhận thuốc và thức ăn tối cho anh. Sáng mai chị sẽ trở lại.
Tối đó không có chị, như thói quen anh ra ngồi dưới gốc cây đa. Anh mang tất cả những bó củi chị chồng dười gốc cây ra đem đốt một lần, anh còn lấy chiếc bếp dầu mà chị dùng để nấu ăn để gần đó, tưới hết dầu hỏa lên rồi châm lửa. Ngọn lửa cháy lan ra chiếc bếp dầu và gặp can dầu lửa nó phụt cháy dữ dội. Anh dùng tay đập, hai bàn tay anh cháy bỏng, cháy lan lên cả tay áo, nhưng ngọn lửa càng bùng to. Anh hốt hoảng phóng vào phòng trực bệnh viện đập cửa miệng thét lên- Thủ trưởng ơi! Thủ trưởng ơi cháy to rồi.
Chị y tá trực hốt hoảng vùng dậy, hỏi trong cơn ngái ngủ:
-Cái gì vậy?
Anh la lên:
-Thiếu tá Hoàng Trung tiểu đoàn trưởng đâu. Nhờ đồng chí báo cho đồng chí ấy biết đang có cháy to. Kia kìa.
Anh chỉ tay qua gốc cây đa, ngọn lửa cháy hết dầu đang có vẻ tàn xuống.
Người y tá chợt hiểu, nắm ngay cơ hội:
-Đồng chí tên là gì để tôi báo cáo?
-Tôi là Phan Cải, anh nuôi của tiểu đoànX. Nhờ đồng chí báo cáo… tôi vô ý để lửa…
Người nữ y tá vui mừng quàng vai anh thương binh và nói:
-Anh bình tĩnh đi anh Phan Cải à. Lửa hết cháy rồi đấy.
Chị đi lấy gạo và thức ăn ở quê lên. Mới bước vào cửa bệnh viện thì cô y tá từ phòng trực chạy ra và reo lên:
-Chị Thanh ơi, mừng cho chị, chồng chị đã tỉnh lại rồi.
*
Ngày 7 tháng7 năm 1980, anh Cải và chị Thanh rời bệnh viện tâm thần. Chị Thanh mang một bó hoa cùng anh lên tặng bác sĩ Giám đốc.
Giám đốc bệnh viện bắt tay chị Thanh vui cười nói:
-Chị là người vợ tuyệt vời nhất đấy chị Thanh ạ. Tôi chúc anh chị sống những ngày còn lại thật hạnh phúc.
Chị Thanh mỉm cười:
-Cảm ơn Bác sĩ Giám đốc. Nhưng anh ấy không phải chồng tôi, bác sĩ à.
7/7/ 2002 NBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét