Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

CÂU ĐỐI TẾT XƯA VÀ NAY - La Thụy sưu tầm và biên tập

Tiêu đề của entry là CÂU ĐỐI TẾT nhưng hình minh họa đầu tiên không phải là câu đối và cũng không đề cập gì đến Tết. Hơn nữa, hình thức trình bày lại bất cân phương như dạng thơ lục bát. Vâng, đó chính là hai câu "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" trích trong bài thi kệ "Cáo Tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư. Tuy không phải là câu đối nhưng chữ thư pháp quá đẹp. Hơn nữa ý thiền tràn ngập, hương xuân thơm ngát nên tôi đưa lên trên các câu đối khác.



                 
                        Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                       Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

                                       (Mãn Giác thiền sư)


                                             
                                                                                                Nguyễn Tôn Nhan (1948 - 2011)

            

              

              

           

              

             

            

             

             

             

             

             

             

             

             

             

             

             

             

              

              

              

              

              


                               

                 Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh
                 Phúc sinh phú quý tử tôn vinh

Ở câu đối này, chữ  PHÚ (富) trong vế đối thứ hai (phía trái), người viết thư pháp viết nhầm thành chữ  PHÚC (福)  
Không những chỉ riêng câu đối này, một số câu đối khác cũng không được chuẩn lắm. Ví dụ câu đối thứ 5 : " Xuân tha hương sầu thương về QUÊ mẹ / Tết xa nhà buồn bã nhớ QUÊ cha", bị lặp từ QUÊ và cùng thanh bằng trong mỗi vế. Nếu chỉnh lại  ĐẤTMẸ thì đối chuẩn hơn.
Hoặc câu thứ 7 :  " Niên hữu tứ thời xuân VI thủ / Nhân sinh bách hạnh hiếu VI tiên".
Câu đối gốc vốn là "xuân TẠI thủ"
Nhìn chung, ngoài những câu đối của các nhà nho, nhà thơ nổi tiếng, vẫn còn một số câu đối còn chưa chỉnh về từ loại, về ý, về thanh,... tôi sưu tầm và tải lên để thư giản trong những ngày cuối năm. Chúc quý bạn có nhiều niềm vui  nhé!







NỖI NIỀM - NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU - thơ mời họa của Trần Ngộ



Thơ mời họa: 

NỖI NIỀM 

Mới đó mà nay đã bạc đầu
Đêm nằm tính đốt hãy còn lâu
Sáu mươi năm lẻ đời thương hải 
Bảy chục tuổi tròn kiếp bể dâu
Trôi dạt thân bèo bờ suối cạn
Nổi chìm phận bọt bến sông sâu
Bao giờ về với miền quê mẹ
Vui thú điền viên thỏa mộng cầu.



NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU

Đường về quê mẹ rộng mênh mông
Qua nhịp cầu tre dưới nắng hồng
Sặc sỡ vườn cà hoa nở tím
Nồng nàn hương bưởi nõn nà bông
Cù lao chín chữ ơn trời thẳm
Cúc dục đôi vần nghĩa biển đông
Hiếu đạo chưa tròn lòng báo đáp
Mưa chiều se lạnh gió ngàn thông.

Trần Ngộ
Bảo Lộc, Lâm Đồng
thỉnh mời họa

LỄ ĐỘ VĂN CHƯƠNG – Trần Tấn



Xưa nay, phàm những người làm văn chương thường hay khiêm nhường, tế nhị và lễ độ. Song gần đây, tôi giật mình khi đọc một tờ báo nọ đăng bài giới thiệu tập thơ mới của một tác giả đã đứng tuổi, có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi, lại viết những vần thơ vô lễ quá chừng. Nên khiến tôi thấy cần phải viết một chút về: Lễ độ văn chương! Coi đây là một tiếng chuông rè góp phần cảnh tỉnh số người có giọng điệu ấy. Câu thơ đó là: Rượu này ta rưới thơm mộ Nguyễn (Trước mộ Nguyễn Du). Ở đây không tiện nêu tên tác giả.

Nếu không biết về thân thế sự nghiệp của người có câu thơ "ghê gớm" đó và của cả Nguyễn Du thì người ta sẽ nghĩ đây là hai người cỡ bạn bè với nhau, ngang tầm nhau, thậm chí người viết này còn trên tài cả Nguyễn Du ấy chứ! Chén rượu của "ta" - bậc bề trên,  làm rạng danh - "thơm"mộ của kẻ hèn kém "Nguyễn" kia! Thật oái oăm thay, một con dán đất mà khinh bạc, khinh cả con đại bàng khổng lồ! Một đứa cháu miệng còn hơi sữa dám khinh cả cụ Tổ lừng lẫy bao đời nay, lẫy lừng cả năm châu bốn biển.

 Trong các trường phổ thông của ta trước đây và hiện nay thường có khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn"để răn dạy các thế hệ học trò: Lễ độ là việc đầu tiên, sau đó mới nói đến học văn hóa. Thật là chí lí và sâu sắc!

Đối với Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, xét về lịch sử thì cụ là là cụ Tổ mấy đời của người có câu thơ trên. Quả là người ba đấng thật! Không còn gì để nói nữa.

Ngày trước, nhà thơ Tố Hữu khi viết về Nguyễn Du mà còn phải viết rất khiêm nhường là: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân / Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều.

Qua việc này, xin lưu ý người biên tập tập thơ có câu thơ trên ở NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2012, để lọt lưới câu thơ xấc xược ấy! Ở đây có sự nể nang hay có thâm ý gì chăng?

Trời đất rộng bao la, văn chương biển học vô bờ, viết gì thì viết cũng phải có tâm, có nhân cách, nhân văn và phải biết mình là ai. Lễ độ văn chương là một việc lớn, làm trái với nó  thì tai họa sẽ lớn vô cùng, khi bút đã sa ... thì gà chết thôi!

TRẦN TẤN

GIẤC MƠ PHÙ SA: GIẤC MƠ VỀ CỘI NGUỒN THÁNH THIỆN - Trần Thị Tích đọc thơ Nguyễn Ngọc Hưng


Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng và hình bìa tập thơ Bài Ca Con Dế Lửa (2012)



GIẤC MƠ PHÙ SA

Như sực tỉnh giấc mộng vàng hối hả
Anh lên tàu giáp Tết ngược miền Trung
Chưa hết “mồng” lại ra đi vội vã
Tiễn bước tha phương gió cũng ngại ngùng

Một con mắt hút chân trời trước mặt
Một mắt còn thăm thẳm phía sau lưng
Thương dáng mẹ trăng chiều nhen bếp lửa
Sợi khói lam vờn tóc bạc rưng rưng

Quên sao được mùi rạ rơm thơm thảo
Giun dế mùa tha thiết gọi bình yên
Tai ù đặc bốn phương đời bão nổi
Còn vẳng đâu đây một tiếng chim chuyền

Sao đành bỏ những bờ xôi bãi mật
Nơi hồn cây vía cỏ rất ngoan hiền
Đến bắp ngô non cũng tròn căng sữa
Hôi hổi chờ tay ngỏ ý trao duyên

Xuân ngơ ngác giữa cao tầng, cao tốc
Mắt nhà quê bạc trắng khói thị thành
Vào mê lộ mãi loanh quanh tìm kiếm
Chưa thấy vàng đã mất nửa đời xanh

Dùng dằng gió quật anh về hai phía
Lại cuốn vào cơn lốc xoáy miên man
Nghiêng bóng tháng giêng đổ vào tháng chạp
Mơ phù sa sinh nở những mùa màng!

 Nguyễn Ngọc Hưng
(Báo Phụ nữ Việt Namcuối tuần số Tết Tân Mão 2011)


GIẤC MƠ VỀ CỘI NGUỒN THÁNH THIỆN

Hiếm có bài thơ nào diễn tả thấm thía đến thế bi kịch và nỗi lòng của người con buộc phải xa quê dấn mình vào chốn thị thành kiếm sống trong cực nhọc và lạc lõng, nói theo người xưa là “ tha phương cầu thực”. Bài thơ không chỉ nói đến thân phận của một người (“anh”) mà là thân phận của không ít người - những con người đang phải để mình bị “cuốn vào cơn lốc xoáy miên man” của cuộc sống thời công nghiệp hóa, đô thị hóa. Biết bao người đã phải lìa xa quê hương để tìm nguồn sống, vì làm nông nghiệp  (thuần nông) không thể đủ sống trong thời nay! Tâm trạng của họ ra sao? Nguyễn Ngọc Hưng bằng trái tim đầy nhạy cảm đã khắc họa tâm trạng ấy trong “Giấc mơ phù sa”.
Không phải lần đầu tiên người con trai ấy ra đi từ làng quê để mưu sinh nơi thành thị. Nhưng lần nào cũng day dứt, cũng vội vàng, nửa như cố dứt bỏ để tiếp tục kiếm sống nơi xa xứ, nửa đầy nuối tiếc. Tết chưa qua hẳn:  “chưa hết mồng” mà đã phải ra đi. Tất cả chỉ vì cơm áo. Nhưng làm sao dứt hẳn, quên hẳn được nơi anh vừa bỏ lại, nơi sinh thành ra anh, nơi có mẹ, có đồng quê yên ả, có một thời yêu dấu... Cho nên:
“Một con mắt hút chân trời trước mặt
Một mắt còn thăm thẳm phía sau lưng”
Làng quê ấy, nơi mà có lẽ một năm anh chỉ về được một lần vội vã vì xa xôi cách trở với nơi đang sống, đang làm việc (phải đi tàu, vào dịp Tết) có biết bao điều níu kéo anh lại:
Nào là:
“Dáng mẹ trăng chiều nhen bếp lửa
Sợi khói lam vờn tóc bạc rưng rưng”
(Hình ảnh không mới, nhưng vẫn đầy xúc động. Mẹ bao giờ cũng là hình ảnh đầu tiên mà mỗi người con nhớ về khi nghĩ đến quê hương, hình ảnh mẹ hóa thân vào quê hương, chồng lên hình ảnh quê hương
Nào là đồng quê với mùi rạ rơm, giun dế, tiếng chim chuyền vẫn hiện về trong  anh  ngay cả những khi khốn khó, sóng gió nhất nơi xa xứ: “ Tai ù đặc bốn phương đời bão nổi”. Nào là những “bờ xôi bãi mật”, “bắp ngô non” ấm áp, thơm ngọt trao tay trong tình quê mộc mạc... Tất cả như một thiên đường trong ký ức.
(Có thể có người nghĩ rằng hình ảnh ở khổ thơ thứ ba không sát thực với miền Trung “đất cày lên sỏi đá”, với hoàn cảnh nhân vật buộc phải tha phương kiếm sống, nhưng đây là logic của thơ. Quê hương trong tâm tưởng vẫn đẹp biết bao, màu mỡ và trù phú biết bao dù ít ỏi những “bờ xôi bãi mật”, bởi ký ức con người luôn nâng niu vẻ đẹp của quê hương).
 Nhưng, bi kịch thứ nhất là ở chỗ, anh phải dứt bỏ tất cả những điều
 đó để mà:
“Xuân ngơ ngác giữa cao tầng, cao tốc
Mắt nhà quê bạc trắng khói thị thành
Vào mê lộ mãi loanh quanh tìm kiếm
Chưa thấy vàng đã mất nửa đời xanh”.
Đây là khổ thơ tâm điểm của bài thơ, đầy tâm trạng, được khái quát và triết lý hóa. Buộc phải vào thành thị kiếm sống, chất “nhà quê” vẫn keo sơn gắn với  con người anh, nó khiến anh trở nên lạc lõng, giữa những giả dối, bon chen, giẫm đạp nhau mà sống trong “mê lộ” nơi phồn hoa xa lạ. Một hình ảnh thật đắt giá:
“Xuân ngơ ngác giữa cao tầng, cao tốc
Mắt nhà quê bạc trắng khói thị thành”
Không thể hòa nhập được với những điều đó, người con của làng quê vẫn cố tìm kiếm những điều tốt đẹp: một cuộc sống ấm no, chan chứa tình người. Và có lẽ cả thành công, vinh quang nữa. Nhưng:
“Chưa thấy vàng đã mất nửa đời xanh”
Những hình ảnh đối lập nhau: “xuân” - “cao tầng, cao tốc”, “nhà quê” - “thị thành”, “vàng” - “nửa đời xanh” càng làm bật lên bi kịch thứ hai của người con xa quê: không thể hòa nhập, không thể vươn lên trong một môi trường xa lạ đến thế.
Và, tất yếu sau những bi kịch ấy là sự giằng xé:
“Dùng dằng gió quật anh về hai phía”
Ở lại thì không thể sống (về mặt vật chất), mà ra đi thì đau đớn (về tinh thần). Rồi vẫn phải ra đi vì cuộc sống. Tưởng như bài thơ sẽ kết thúc một cách ảm đạm. Nhưng không, tác giả đã hạ câu kết bất ngờ làm sáng cả bài thơ:
“Nghiêng bóng tháng giêng đổ vào tháng chạp
Mơ phù sa sinh nở những mùa màng!”
Có thể nói đây là một sáng tạo độc đáo của tác giả, một cách giải quyết có hậu cho những bi kịch trong bài thơ. Đó cũng chính là tên bài thơ: “Giấc mơ phù sa”.  Những người con của làng quê không thể ở lại quê hương vì sinh kế, nhưng vẫn có quyền hy vọng, mơ ước đến những điều tốt đẹp cho tất cả, nhất là khi tháng giêng- đầu năm mới đã đến. Và như vậy, bài thơ đã làm dịu lòng những thân phận tha hương, dịu lòng người đọc. Người ra đi không đơn độc, sau lưng anh vẫn có mẹ hiền, quê hương yêu dấu, đêm về sau những nhọc nhằn, giằng xé anh vẫn được ru êm bằng giấc mơ phù sa ngọt ngào.
Bài thơ xúc động và hay không chỉ vì tứ, vì nội dung. Bằng nghệ thuật thơ tinh tế, những câu thơ 8 chữ khắc khoải, dồn nén như lời kể nghẹn ngào, những lời như tâm sự “quên sao được”, “sao đành bỏ”, những hình ảnh thơ đúng chỗ, đắt giá, những từ ngữ sắc sảo như trong phóng sự: “ngơ ngác”,  “bạc trắng”, “loanh quanh”, “chưa thấy … đã mất”, tác giả đã gieo vào lòng người đọc niềm đồng cảm với thân phận con người trong bài thơ và giấc mơ về cội nguồn thánh thiện, điểm tựa tinh thần cho người con tha phương: “giấc mơ phù sa”.

Trần Thị Tích


ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC:

NGUYỄN NGỌC HƯNG
Đội 10, thị trấn Chợ Chùa
huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
ĐT: 055.3861.312
Email: nguyenngochung204@gmail.com



Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Trần Bình - TANG BỒNG NỢ DUYÊN

Tác giả TRẦN BÌNH












Trăng đà chếch mái hiên cong
Tàn đêm thức với tang bồng nợ duyên
Nặng lòng  cái nỗi nhớ quên
Chừng đem rót hết ưu phiền mà xanh

Cớ can chỉ tại lòng anh
Đắm mê buộc với mông mênh lạt mềm
Còn chi để nói đâu em
Những điều né tránh, mà nên lỡ làng…

Hình như đã quá muộn màng
Tôi đi chậm chuyến đò sang bến tình
Hình như là tại em xinh
Mà lay ánh mắt chùng chình buộc tôi

Trái ngang chi rứa ông Trời
Bến mô trong đục cho người đa đoan?

Cũng là một kiếp hồng nhan
Mà em bạc phận…, sao đành hả tôi
Thuyền duyên ngơ ngác nửa vời
Nghẹn ngào khóc giữa chơi vơi bãi bờ…

Tôi ngồi với những câu thơ
Chợt nghe đắng chát dại khờ thi nhân
Một u tình, một vương lân
Một tôi với cả một lần sẻ san…

Em về lạc phía thời gian
Đắng dòng cảm xúc, mờ tan bóng chiều
Ngập ngừng tôi nói lời yêu
Lại ngập ngừng với bao điều trở trăn…

Thế thôi, thôi thế cũng đành
Phận người khép mở, rách lành còn trang
Ta chia nhau chút đa mang
Một thương yêu, một dở dang, một đời…

Thôi thì em, thôi thì tôi
Tang bồng nợ chút duyên bôi lỡ làng…
Luyến lưu thêm sự bẽ bàng
Ta về ôm một bóng trăng lẻ tình!

Ơ hơ ơ ….hơ…
Oái ăm cái nỗi riêng mình!
                             
2010
TRẦN BÌNH
ĐT: 0935359405
tranbinhga@gmail.com

Vũ Từ Sơn - KHÓC DUY PHI

Nén tâm nhang viếng Nhà thơ Duy Phi 

Nhà thơ DUY PHI


Tuyển tập vừa xong mấy chục chương
“Ngó ý” tơ lòng những vấn vương
ký tặng bạn thơ ... lâm bệnh hiểm
anh đi ... thăm thẳm vạn cung đường ...

Nước mắt tang phòng ướt lại khô
tác phẩm văn chương đặng mấy bồ
Bắc Giang yêu quý ... miền Kinh Bắc
sóng đời, sóng bệnh, vạn sóng xô

Đưa tiễn anh đi biết nói gì
lưu dấu trần gian những chi chi
bảy ba có lẻ ... tình sâu nặng
một giấc ngủ trưa ... đời mấy khi?

Anh đi, đi nhé ... Hỡi Duy Phi
đất thẳm trời cao ... Ôi ! Biệt ly ...!


  
Bắc Giang, 28-1-2013 
VŨ TỪ SƠN
vutuson01@gmail.com


Nhà thơ Duy Phi (tên đầy đủ: Nguyễn Duy Phi) sinh năm 1940. Quê quán: Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông là nhà thơ, nhà văn và dịch giả. Duy Phi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Bắc Giang, hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Các tác phẩm chính:
- Lửa xanh (Miền quê quan họ), NXB Tác phẩm mới, 1981
- Cánh buồm mở hướng (thơ), NXB Thanh Niên, 1983
- Đối thoại cùng sông (thơ), Hội VHNT Hà Bắc, 1984
- Ngổn ngang trăm mối (thơ), NXB Hội nhà văn, 1992
- Rêu thức (thơ), NXB Thanh Niên, 2000
- Đêm thần minh (thơ), NXB Hội nhà văn, 2002
- Vòm trời lưng nghé (thơ thiếu nhi), NXB Văn hoá dân tộc, 2005
- Chóp nón đi nghiêng (thơ), NXB Hội nhà văn, 2006
- Giọt nhũ (thơ), NXB Hội nhà văn, 2012

Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được gia đình tận tình chăm sóc và cứu chữa, nhưng do bệnh nặng, tuổi cao, nhà thơ Duy Phi đã từ trần hồi 8h00, ngày 28/1/2013 tại nhà riêng: Số 82, phố Chợ Thương, Thành phố Bắc Giang. Hưởng thọ 73 tuổi.

VNQT xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà thơ Duy Phi, Hội Nhà văn VN, Hội VHNT Bắc Giang, và Hội VHNT các Dân tộc thiểu số VN.



TRÔNG TẾT - ĐÊM CUỐI ĐÔNG - Ngọc Tình họa thơ Thương Yến Tử



TRÔNG TẾT

Họa thơ: Đêm cuối đông - Thương Yến Tử

Ngóng trông nguyên đán kìa đang tới
Gió lạnh se se liễu rủ lay
Háo hức trẻ em khoe áo mới
Ngắm nhìn thiếu nữ thả hồn say
Ngập ngừng mai đợi xuân mau đến
Xao xuyến núi chờ suối biếc vây
Đàn én rộn ràng chao cánh lượn
Ồ ai ngơ ngẩn mộng tình bay.

TN 30-1-2013
Ngọc Tình
nguyentinhtn@yahoo.com.vn



ĐÊM CUỐI ĐÔNG

Đêm nay gió chở mùa xuân tới
Lành lạnh bốn bề lá nhẹ lay
Náo nức hoa rừng đùa tiết mới
Thì thầm sóng biển dỗ tình say
Bâng khuâng đường phố đèn chong đợi
Luyến tiếc ngày đông sương phủ vây
Trở giấc trước thềm mai mở cánh
Nghe trong hơi gió thoảng hương bay.

Thương Yến Tử
BR-VT

Quỳnh Hoa - Vân Trinh - MỪNG XUÂN - VUI TẾT



            MỪNG XUÂN

Xuân thức dậy rồi các bạn ơi!
Xuân tô sắc thắm mộng mơ đời
Xuân gieo ước vọng cùng nhân thế
Xuân gởi tin yêu đến lứa đôi
Xuân bướm nồng nàn đùa lộc biếc
Xuân hoa rạng rỡ đẹp ngàn nơi
Xuân ngời trong mắt em xanh thẳm
Xuân chín mơn man cả đất trời.

                            QUỲNH HOA




               VUI TẾT
( Họa vận bài “Mừng Xuân”  )

Tết chạm thềm hoa, em gái ơi!
Tết nôn nao cả trái tim đời!
Tết tràn biển mộng ngày chung lối
Tết ngập trời mơ lúc sánh đôi
Tết chấp cánh thơ say khắp chốn
Tết nâng bước ngọc hẹn nhiều nơi
Tết hòa theo tiếng lòng ai đó ?
Tết thắm tơ duyên, thắm đất trời!

                              VÂN TRINH

SAO EM CÒN THAO THỨC? - thơ Phan Kỷ Sửu


                       
                                               (tặng Q.H)
  
Trăng rụng lâu rồi em ngủ chưa?
Hay lòng vẫn giá buốt cơn mưa
Làm sao em biết tôi trằn trọc
Nhung nhớ chao ơi! nói mấy vừa ?

Những vết đau em, em biết không?
Nhói cả tim tôi đến lạ lùng
Hai không gian cách xa vời vợi
Mình chỉ chung đêm tối mịt mùng

Em thức mà tôi có ngủ đâu
Ngoài thềm dăm chiếc lá khô nào
Nghe quen như bước ai khua nhẹ
Muốn gọi mà sao lại cúi đầu!

                               PHAN KỶ SỬU


NGUYỄN TRỌNG TẠO NÓI GÌ VỀ PHẠM DUY? - Trịnh Sơn thực hiện

                                         
Tapchitiengquehuong_ Chiều 27.01.2013, ngay sau khi biết tin NS Phạm Duy qua đời, nhà thơ trẻ trịnh Sơn làm ngay một phỏng vấn với nhạc sĩ- họa sĩ-  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và mail ngay cho Tiếng Quê Hương nhưng do trục trặc đường truyền, đến chiều nay, 29.01 TQH mới nhận được.






  
Xin chào nhạc sĩ – thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo! Anh có nghĩ rằng mình sẽ tổ chức hoặc tham gia một sự kiện liên quan (thuộc về) âm nhạc mang tính chất dữ dội như đám tang Phạm Duy?

- Không bao giờ! 

Anh có mặt ở đám tang Trịnh Công Sơn?

- Ngày anh Sơn mất, tôi ở Hà Nội, phải viết đến 3 bài báo về anh ấy. Khi người ta tiễn anh Sơn ở Sài Gòn thì tôi và Nguyễn Thụy Kha lo chuẩn bị làm đêm nhạc “Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” ở Hà Nội sau 1 tuần anh ấy mất. Đó cũng là một cách đưa tiễn vậy.

Anh có từng nghe những lời đánh giá của Phạm Duy về nhạc Trịnh, nhạc Lê Uyên Phương, nhạc Ngô Thụy Miên?

- Tôi đọc điều đó trong hồi ký của Phạm Duy.

Có lẽ, chẳng ai muốn tự đánh giá về mình nhỉ. Nếu Phạm Duy đánh giá về nhạc Nguyễn Trọng Tạo, theo kiểu như Trịnh thì “nhu nhược”, Lê Uyên Phương thì “dục tính cao”…, anh nghĩ nhạc sĩ của Bà mẹ Gio Linh rát bỏng này sẽ dành lời nào với mình?

- Chắc họ Phạm không bao giờ chấp đến tôi.

Ngoài lề một chút, anh có nghe Phạm Duy trước khi anh sáng tác các nhạc phẩm nổi tiếng như Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang,…?

- Tôi không được nghe nhiều ca khúc Phạm Duy.

Anh có gặp gỡ Phạm Duy?

- Tôi gặp Phạm Duy từ khi chưa gặp, nghĩa là “gặp giọng nói” khi ông ấy gọi điện thoại từ Mỹ về cho tôi. Rồi sau đó thỉnh thoảng gặp họ Phạm những dịp ông ấy hẹn.

Tôi từng nghe anh ngợi ca rằng, nhạc Phạm Duy là thứ không thể thiếu trong kho tàng văn hóa Việt Nam? Như Truyện Kiều trong tiếng Việt?

- Tôi có nói thế à? Câu trả lời này có vẻ giống Phạm Duy, nhưng có lẽ không giống về chất.

Phạm Duy giỏi thoát hiểm?

- Tôi nhớ có lần Phạm Duy nói trên BBC (radio) đại ý chim đại bàng thì bay khỏi đất nước, chim ác là thì ở lại. Sau đó bị một số nhạc sĩ trong nước phản ứng. BBC đề nghị ông giải thích câu nói của ông thì Phạm Duy ngạc nhiên: Tôi có nói thế à?

Ấy là thời cuộc hay vì thiên tài của ông, đối với chính trị như với âm nhạc?

- Ông Phạm Duy có lần nói với tôi: Mình có làm chính chị chính em gì đâu.

Nhiều nhân sĩ trí thức yêu Phạm Duy. Ai không yêu có thể phải xem lại mình. Anh đánh giá thế nào về “hiện tượng” Phạm Duy?

- Đó là hiện tượng của thiên tài.

Vượt qua cả Trịnh Công Sơn? Trên phương diện nghe nhìn và cảm thụ để đạt được cái gọi là Bestseller?

- Không hẳn thế. Cùng lúc, tôi tìm trong Google “Phạm Duy” có 2.010.000 kết quả, “Trịnh Công Sơn” có 2.800.000 kết quả. Tìm “nhạc sĩ Phạm Duy” có 3.090.000 kết quả, “nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” có 7.600.000 kết quả.

Nếu Phạm Duy không “dinh tê”, rồi không ra Hải ngoại, rồi không trở về Việt Nam?

- Thì không có Phạm Duy như đã có.

Tất nhiên, đều là ở chữ NẾU. Tôi từng đọc và biết chuyện anh “mở cửa” và “hậu thuẫn” cho nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước? Chi tiết thế nào?

- Phức tạp lắm. Chi tiết ban đầu là thế này: “Mấy năm trước năm 2000, các tờ báo ở Việt Nam không hề được nhắc tên Phạm Duy từ sau khi ông Trần Bạch Đằng dẫn lời ông Tố Hữu nói về người nhạc sĩ này: “Với Phạm Duy thì bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi”. Khi làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm Nhạc của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, tôi hiểu rõ sự húy kị không văn bản đó. Nhưng rồi năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi Pháp có dịp gặp Phạm Duy và nghe nhạc của ông, tôi đã đặt anh viết một bài báo về cuộc gặp gỡ đó. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ngay bài “Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris” khá hay, tôi định đưa in ngay, nhưng lại sợ báo mình bị “phạt” nên tạm để bài lại vào tệp bài chờ. Lúc đó tôi đang viết thêm cho mục “Thư ra hải ngoại” của báo Đại Đoàn Kết, và tôi quyết định đưa vấn đề Phạm Duy lên mục này của tờ báo bạn, qua bức thư gửi một người bạn Việt kiều. Trong lá thư đó tôi có nhắc chuyện Phạm Duy muốn về thăm đất nước bằng một lời mời từ Việt Nam, và tôi nhắc lại những bài hát cách mạng thời kháng chiến chống Pháp của ông cùng với kỷ niệm về “Bà mẹ Gio Linh” – một ca khúc nổi tiếng – Phạm Duy viết trong chuyến đi vào Quảng Trị thời bấy giờ. Cuối thư là một lời nhắn gửi chân thành: “Nếu nhạc sĩ Phạm Duy thực sự muốn về thăm quê thì ông hãy về theo lời mời của chính ông, nghĩa là có thể về theo con đường du lịch”. Bức thư được đăng lên báo, và phản ứng của A25 (CA bảo vệ văn hóa văn nghệ) lúc ấy là… đồng tình. Vậy là tôi cho đăng luôn bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường lên tạp chí Âm Nhạc.

Tháng sau, nhạc sĩ Hoàng Dương cho biết là ông đã phô-tô 2 bài báo đó gửi cho Phạm Duy. Rồi Phạm Duy gọi điện liên lạc với tôi rất vui vẻ và nói là ông sẽ về thăm quê. Và ông đã về nước theo con đường du lịch.

Và, chắc anh gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ có thể gọi là “bài-ngoại” ấy?

- Vấn đề là cái tâm phải trong trước những vấn đề phức tạp, nhưng cũng phải có cách làm thuyết phục.

Theo chuyên môn âm nhạc, anh có thể chỉ nói một câu về nhạc Phạm Duy?

- Tài.

Ai cũng biết, Phạm Duy nổi tiếng và thành danh hơn cả với những nhạc phẩm phổ thơ hoặc viết lời mới từ nhạc nước ngoài. Là một nhạc sĩ với hàm lượng ca khúc có ảnh hưởng lớn không thể chối cãi hiện nay, anh nghĩ gì khi một nhạc sĩ phổ thơ hoặc chuyển ngữ/viết lời mới cho một bài hát?

- Đó là bí mật của mỗi người – bí mật của vô thức.

Anh đối xử với nhà thơ – người sánh đôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong các ca khúc phổ thơ thế nào?

- Khi thích, khi không.

Nếu phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên hoặc Du Tử Lê?

- Những bài hay của 2 nhà thơ này chắc người ta phổ nhạc cả rồi.

Nếu phổ thơ một tác giả “vô danh”?

- Nhạc sĩ phổ bài thơ chứ đâu phổ tên nhà thơ.

Có người nói, Phạm Duy làm chính trị giỏi như làm nghệ thuật. Anh thấy sao?

- Họ Phạm đã bảo “không làm chính trị” thì sao biết ông ấy/việc ấy giỏi hay không.

Anh có nghĩ Phạm Duy là một bài học hay? Về âm nhạc cũng như cuộc đời?

- Thích hoặc không thích thì có, nhưng bài học từ ông ấy có lẽ không phải dành cho tôi.

Kể cả chuyện giai nhân, bóng hồng mà nhạc sĩ “Đưa em tìm động hoa vàng” bị nhiều lời đàm tiếu?

- Và họ Phạm lại bảo: Tôi có thế à?

Kể cả “Mùa thu chết” ai cũng biết là nhạc Pháp nhưng bị cấm vì liên quan tới sự cố mùa thu nào đó?

- Đó là sự nhầm lẫn và suy diễn ngây ngô của những kẻ thích áp đặt lên số phận người khác.

Nếu đang thực hiện một show truyền hình, tôi sẽ xin anh hát một ca khúc của Phạm Duy. Tôi đã từng nghe anh hát rất hay một ca khúc của nhạc sĩ vừa ra đi này.

- À, đấy là hát karaoke, có chữ trên màn hình. Nhưng tôi là người không thích đi karaoke.

Nếu được cầm tay Phạm Duy vào giờ ông hấp hối, anh sẽ nói với ông những gì? Thật ngắn thôi.

- Anh không chết đâu.

Hoàng Cầm, Hữu Loan và rất nhiều thi sĩ còng lưng thơ trên cánh đồng bát ngát của Phạm Duy. Họ sẽ gặp nhau ở chốn xa xôi của “la si đô” nào đó?

- Họ gặp nhau trong lòng người đang sống.

Câu hỏi cuối cùng, nếu một mai này, có ai kia công bố một bản nhạc của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo – phản ứng đầu tiên của anh sẽ như thế nào nhỉ?

- Không bao giờ!

Trân trọng cảm ơn Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Kính chúc anh mãi lãng mạn và vô tư mà đi giữa vạn điều “tin thì tin không tin thì thôi”.

Bà Rịa, 27/01/2013

TRỊNH SƠN.
Nguồn: Mail của Trịnh Sơn cho Tiếng Quê Hương chiều 27.01.13
Lê Thiên Minh Khoa gởi đăng