|
Lê Thiên Minh Khoa |
THÁNG BẢY TRỜI MƯA
Tặng Nguyễn Đình Vinh
Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?
Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?
Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có tím làn môi !
Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi ! ...
LTMK
|
Châu Thạch |
Lời bình: Châu Thạch
Tôi chưa gặp Lê Thiên Minh Khoa lần nào. Nhìn ảnh anh đăng trên các trang web, thấy mái tóc dài, dày, quăn, bềnh bồng trên khuôn mặt ốm, xương, tôi đoán anh là người nhiều ưu tư và lãng mạn.
Đọc thơ anh, tôi khẳng định được võ đoán của mình không sai trật.
Lê Thiên Minh Khoa là con người ưu tư và lãng mạn, đọc hết 46 bài thơ của anh đăng trên trang web Tiếng quê Hương, tôi thấy mỗi bài thơ đều chứa nhiều nối ưu tư. Thơ viết về tình yêu, thơ viết về cuộc sống, thơ viết về thiên nhiên đều có nỗi dằn vặt của những nan đề chất chứa trong lòng anh, nhưng xen vào đó tâm hồn lãng mạn của anh bàng bạc trong thơ. Bài thơ rất mới là bài “Cảm xúc miền Trung”(*) tác giả suy tư về “Những cánh đồng nhỏ nhoi”, " Những ngôi mộ bằng cái nón cời”, “Những cây lúa gầy guộc giống như dáng mẹ” và “Cái đòn gánh dãi dầu mưa nắng” của miền Trung.
Còn bài thơ “Tháng bảy trời mưa” tác giả nói về mưa thì ít
mà để tâm hồn băn khoăn cho em "áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần", lo lắng cho mẹ già "gánh than ướt đầm/chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng/có bóng cây nào để mẹ nghỉ...", thương cảm cho bè bạn "ướt nhoẹt hết rồi/chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc/thuốc lá vàng tay có tím làn môi"...
Thưở xưa, ở tuổi 20 tôi yêu bài thơ “Tháng sáu trời mưa” của Nguyên Sa, nhưng ở tuổi nầy, với vốn liếng ít nhiều trường đời của mình, bài thơ ấy không còn gây cảm xúc mạnh cho tôi bằng bài thơ “Tháng bảy trời mưa” của Lê Thiên Minh Khoa.
Bài thơ mở đầu bằng bốn câu thơ sau:
Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?
Người ta thấy trong bốn câu thơ nầy hình ảnh nổi cộm là chiếc áo mỏng của em ướt đầm trong mưa gió, đôi chân ngập ngừng bước trên lối về hoa rụng. Người ta còn thấy bóng mờ như ảo ảnh làm cho bức tranh đẹp nhưng buồn càng trở nên lạnh thêm bởi bóng người đi để lại dấu vết hằn trên ngõ cũ. Thật ra dấu vết người đi làm sao hằn trên ngõ cũ được mà hằn trên tâm trí người ở lại mỗi khi nhìn ra ngõ cũ hay hằn trong tâm trí tác giả mà thôi. Bốn câu thơ mở đầu ghép hình ảnh thực tại trên cái nền của quá khứ, lồng cái vẽ đẹp của đường hoa, của ngõ xưa trên bức tranh ướt át của mưa tháng bảy làm cho nỗi ưu tư nhẹ đi nhưng lại lắng xuống hằn một vết hằn trong lòng. Bây giờ, vết hằn của người đi để lại trên ngõ cũ lại ở chính trong lòng của người đi và ở chính trong lòng của người đọc bài thơ.
Khổ thứ hai của bài thơ, nỗi ưu tư trăn trở gia tăng thêm, nặng nề thêm và những bức tranh ảm đạm đậm nét về mẹ được vẽ lên ở đây:
Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì ?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?
Không còn ngõ xưa mang kỷ niệm, không còn đường hoa dấu hoa rụng mà thực tế phũ phàng lộ diện trong bốn câu thơ: Bữa ăn toàn khoai mì, gánh than ướt đầm của mẹ, dốc dài tóc trăng và đường vắng bóng cây. Tác giả dùng lối miêu tả xoắn ốc, cho những sự kiện tăng lên dần gây tác động nhẹ và êm để người đọc thưởng thức được toàn bộ cái mượt mà của thơ nhưng con tim lại từ từ co lại vì nỗi ảm đạm giữa đời. Tôi không chê loại thơ viết hùng hồn, tôi không ghét loại thơ viết bi lụy, nhưng tôi yêu loại thơ nầy, như cơn gió nhẹ càng lâu càng thấm lạnh vào người, người không co ro run rẩy nhưng không phải là không làm cho trong lòng tê tái.
Khổ thứ ba của bài thơ là vế dành cho sự lãng mạn, là vế thơ vỗ về người đọc bớt đi giá rét trong lòng, bước vào khung trời buồn nhưng thi vị của cuộc đời hay của thi nhân:
Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có tím làn môi !
Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi ! ...
Những câu thơ của khổ cuối nhắc đến bạn bè trong mưa những buổi chơi khuya, nhắc đến thuốc lá vàng tay và làn môi tím lạnh, là nhắc đến những kỷ niệm thân thương rất đẹp trong thời kỳ gian khổ và kết tứ bài thơ bằng một câu thơ mở, rất gợi "Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi! ... ". Kỷ niệm nầy càng có bạc tiền thì càng khó thể nào có được. Không còn là cảm xúc thơ ưu tư dằn vặt mà là một khổ thơ hoài cảm, hoài cảm một thời không phải vàng son trong cuộc sống vật chất nhưng có lẽ vàng son trong nhiều mặt của tâm hồn người thi sĩ. Đem sự hoài cảm trong lòng mình đưa vào khổ chót của bài thơ là làm cho bài thơ không trở nên sướt mướt theo tiến độ xoắn ốc, tăng cấp như những lối viết thường tình, mà đưa cảm xúc quay lại ở trạng thái nhẹ nhàng như giây phút ưu tư ban đầu. Tuy thế. ở phần đầu, tác giả đặt cảnh đẹp trong hoàn cảnh buồn, còn ở phần cuối tác giả lại đặt cảnh buồn của mưa gió trong hoàn cảnh đẹp của tình bạn từng gắn bó bên nhau, từ đó cả ý thơ và cách kết cấu bài thơ đều linh động.
Bài thơ có ba khổ, khổ giữa mẹ gánh toàn bộ nỗi ưu tư của tác giả, hai vế kia là em và bạn với nỗi ưu tư nhẹ hơn vì có xen vào những hình ảnh kỷ niệm êm đềm. Mẹ là trung tâm của chủ đề bài thơ, em và bạn là khung tô điểm hai bên làm cho bài thơ được kiến tạo hài hòa những hình ảnh thân yêu, và nhờ đó người đọc thấy tâm hồn mình êm ái . Vậy cho nên bài thơ “Tháng bảy trời mưa” có thể gọi là bài thơ trữ tình, thứ tình yêu thương trong veo, sáng láng của thơ, không gợn gì sự bi lụy khóc than làm khổ đau thêm nữa mà gợi khắc một nỗi buồn làm đẹp, làm thanh cao tâm hồn con người.
Châu Thạch
(*) Link: Lê Thiên Minh Khoa: Cảm xúc miền Trung