Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Chùm thơ Phạm Ngọc Thái

HaNoiTrongDemMua



 THÊM YÊU THÀNH PHỐ QUÊ MÌNH
              KHI ĐÃ VÀO ĐÊM 


Những chiều tắt sương đầm trên phố 
Hàng cây ru ngủ đám chim muông 
Anh không còn cùng em như dạo đó 
Tiếng hồ xưa buồn than thở trong đêm. 

Khắp nẻo đường vương vào bóng tối 
Hương khuya lan toả cõi trời xa 
Nhớ dáng em vẫn khỏa mình nằm lộng lẫy 
Như làn mây nõn nà cởi xiêm áo bên ta. 

Ôi, cuộc tình! Cuộc tình, sao nhớ thế! 
Ta không còn trẻ như thuở vẫn ru em 
Thân thiết cả tiếng chuông chùa trong chiều gió 
Tiếng nam-mô lại êm dịu tâm hồn. 

Vẫn thấy em thường về trong bóng lá 
Tấm thân mềm thiếu nữ hoá vô biên 
Anh vuốt ve cả mái tóc nàng và trái cấm 
Thêm yêu thành phố quê mình khi đã vào đêm...


                      
       Trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai" 

                                      Phạm Ngọc Thái




 
CHÁU NHỎ TRÊN VỈA HÈ HÀ NỘI 

Trời mùa hè xanh ve gió thổi 
Quán xá đầy cả bên đường rộn kẻ bán, người mua 
Không khí thị trường tàu xe inh ỏi 
Mấy bà, cô phấn khởi đi về... 

Nhếch nhác bờ hè cháu bé ăn xin 
Cháu ngửa chiếc bát nhựa xanh in màu da trời 
Xin cô hàng bún 
Bị người ta đuổi! 

Da cháu xanh vòi vọi 
Sợ hãi cháu lùi mắt xanh leo... 
Tuổi xanh ơi! Cháu mới bao nhiêu 
Sao nhiều màu xanh thế? 

Người thành phố vẫn chào nhau vui vẻ 
Hà Nội vẫn xanh, gió thổi rì rào 
Trong cát bụi bờ hè bóng hình con trẻ 
Bước xa dần đôi ống chân gày lao... 




TIẾNG CÂY RU 

Tiếng cây ru gió đưa xao xác
Bên chùa buông vài tiếng chuông ngân
Bóng chim bay trong đêm về hiu hắt
Lòng anh man mác nhớ hoài
 em.

Người thiếu nữ như bông hoa mới nở
Nhụy trinh say ngát cả tháng năm
Và cứ mỗi lần em thả nguyệt
Run rẩy hồn anh bản xô-nát ánh trăng…

Em ra đi sau cái thời sinh nữ ấy
Nhìn hàng cây thổn thức ngóng trông
Tình yêu thành bi kịch cuộc đời anh
Trong ly biệt đất trời còn lưu luyến.

Ôi, động nguyệt em vẫn thơm mùi hoa thắm
Đường đi vào huyền ảo lối thiên thai
Tình bên nhau ngất ngây lắm lắm
Tiếng cây ru đêm hồ Tây sương bay...


PNT

Giới thiệu sách mới: Tuyển văn thơ - lý luận phê bình Đất Đứng 4 đã phát hành và THƯ CỦA BAN QUẢN TRỊ ĐẤT ĐỨNG





Sau thời gian tuyển chọn và in ấn, Tuyển Văn thơ - Lý luận phê bình Đất Đứng 4 đã phát hành. Tuyển tập là những tác phẩm nổi bật được tuyển chọn từ WEBSITE datdung.com của hơn 50 tác giả trên cả nước và nước ngoài... Sách dày 120 trang, khổ 16x24, giấy phép xuất bản số: 44-2013/CXB/42-02/HNV của NXB Hội Nhà văn - 2013.
  
VĂN
Nguyễn Đức Thiện - Với người phố núi chợ Chu
Nguyễn Thị Mây – Người đàn bà đuổi theo vầng trăng
Nguyễn Khắc Phước – Người đàn bà tuổi dần
Đàm Lan – Xanh thẳm miền cao
Giang Ngọc Phàm – Gam chồng
Anh Đào – Hoàng hôn còn chút mặt trời
Ngọc Thanh – Nụ hôn tóc mây
La Ngạc Thụy – Tây Ninh – Những tháng năm xưa – Kỳ 1

THƠ
Thanh Trắc Nguyễn Văn – Xuân nhớ
TT. Mong Manh – Chút cảm nhận với lục bình
Hồ Thanh Điền - Mùa đông và người đốt rơm
Vũ Thiện Khái – Lảo đảo
Phạm Bá Thái Tâm – Lời cuối – Cảm nhận trước mùa xuân
Nguyễn Lãm Thắng – Biết đâu
Mặc Phương Tử - Mùa lại giao mùa
Lãng Thanh – Phiên khúc tình yêu
Nguyễn Thanh Phương – Khói rơm
Vĩnh Thuyên – Trả lại tên em
Nguyễn Thị Kim Ngân – Chùm thơ
Thái Quốc Mưu – Chùm lục bát
Châu Thạch – Lời khuyên dại khôn
Sử - A – Thì ra …
Sơn Trầm – Hát từ trái tim
Nghiêm Khánh – Tình em gái bán sầu đâu
Hồng Băng – Và sông rẽ nhánh phù sinh
Hà Nhữ Uyên – Mấy đoạn lục bát khi xa người
Ngọc Tình – Lục bát buồn
Lê Hào – Ngày xưa
Lê Văn Thật – Chút đời
Kha Tiệm Ly – Tình buồn
Trần Thế Vinh – Dây mướp xanh bông vàng
Trúc Thanh Tâm – Khi xa Mỹ Tho
Trần Duyên Tưởng – Cửa Lục hoàng hôn
Nguyễn Sơn Thủy – Hoa sữa bồi hồi – Hoa sữa hững hờ
Minh Tâm – Tìm bóng
Ngưng Thu – Tóc ngủ
Trần Thị Quỳnh Hoa – Nói với em
Giang Ngọc Phàm – Không nhận ra nhau
Nguyễn Ngọc Hưng -  Liếm ngang mày tháng chạp
Trần Hồng Giang – Hạt bụi hồng trân
Ngọc Liên – Điệu múa man dại
Đào Thái Sơn - Bên khung cửa gỗ
Huỳnh Cẩm Tú - Trăng mật

LÝ LUẬN – PHÊ BÌNH
Lê Liên – Đọc bài thơ “Dạ thưa mẹ - Chúng con đây" của Vũ Miên Thảo
Trần Hoàng Vy – Tuyển thơ Đất Đứng 3: Sự nỗ lực với văn chương

TÁC GIẢ  - TÁC PHẨM
Xuân Thu  - Trần Nhã My – Có một đêm không anh như thế

CUỘC BÌNH CHỌN THƠ HAY TRÊN ĐẤT ĐỨNG
3 bài thơ đạt giải:
1. Người đàn bà mọc nỗi buồn trong mắt – TTAT
2. Đêm không anh – Trần Nhã My
3. Phút bình yên cho cha – Phương uy.

CÁC BÀI THƠ VÀO CHUNG TUYỂN:
1.Trách đêm – Huỳnh Gia
2. Cọng tranh - Huỳnh Trương Phát
3. Khúc lưu ca – Miên Hải
4. Khát –  Nguyễn Thị Kim Ngân
5. Ngây thơ tôi uống mấy ngời ngời em – Ngưng Thu
6. Lời ru của mẹ - Lê Văn Thuận

LỜI BÌNH HAY NHẤT:
Đọc bài thơ “Chợ chiều Tân Phú” của Vũ Thiện Khái – Mộc Lan Hoa.

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

La Ngạc Thụy – Vĩnh Thuyên - Trần Hoàng Vy – Vũ Miên Thảo – Nguyễn Thanh Phương – Nguyễn Chí Sơn.



THƯ CỦA BAN QUẢN TRỊ ĐẤT ĐỨNG

Bạn viết và bạn đọc thân thiết của Đất Đứng!

Hơn 4 năm qua, Đất Đứng được các bạn nhiệt tình cộng tác và theo dõi từng bước đi khởi sắc của trang văn học nghệ thuật của một tỉnh đã vươn lên tầm cả nước và vang ra cả nước ngoài. Hiện tại các bạn đang cầm trên tay “Tuyển văn thơ – Lý luận phê bình” Đất Đứng 4, đây chính là những bông hoa tươi thắm nhất được tuyển chọn trong vườn hoa datdung.com, một bước ngoặc mới khẳng định vị trí của Đất Đứng trong lòng bạn đọc.

Ban Quản trị Đất Đứng chủ trương xây dựng “Tuyển tập” với ước mong nâng tầm sáng tạo và trình độ thưởng thức tác phẩm của các bạn, tạo thêm “vùng Đất để các bạn Đứng chân”, hội tụ, trao đổi và kết nối văn chương trên mọi miền đất nước trong giai đoạn văn chương hiện nay.

Do vậy, tác phẩm được đưa vào tuyển tập là tuyển chọn những tác phẩm nổi bật nhất trên trang www.datdung.com, như để lưu giữ giúp cho các bạn các tác phẩm được sàng lọc qua cảm nhận và đánh giá của bạn đọc datdung.com.

Dù gọi là “Tuyển văn thơ – Lý luận phê bình” Đất Đứng 4, nhưng lại là Tuyển tập Văn học đầu tiên, được chính các bạn góp phần hình thành. Hãy gởi cho datdung.com những tác phẩm mới có sức sáng tạo thử nghiệm mới nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, để được sàng lọc, tuyển chọn và khẳng định.

Tác phẩm cộng tác với “Tuyển văn thơ – Lý luận phê bình Đất Đứng” các bạn vẫn gởi về người phụ trách theo các chuyên mục, chuyên trang www.datdung.com như từ trước đến nay.

Đất Đứng không phân biệt tác giả thành danh hay mới bước vào làng văn chương mà tuyển chọn những tác phẩm hay nhất đã được bạn đọc chấp nhận trên “datdung.com – Nơi trao đổi và ươm mầm văn học”.

Tất cả đều mong đợi vào sự ủng hộ và cộng tác của các bạn.

Trân trọng,

Đất Đứng

(Theo LNT)

NHÂN GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG (MỒNG 10 THÁNG 3 ÂL HẰNG NĂM), VIẾNG BÁO QUỐC TỪ: NƠI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI TÂY NINH TÔN THỜ QUỐC TỔ - Phan Kỷ Sửu


 
Ở Tây Ninh, Báo Quốc Từ là đền thờ duy nhất mà Hội Thánh và tín đồ Cao Đài tôn thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm đồng hành cùng cả nước, lễ Giỗ Vua Hùng được tổ chức trọng thể tại đây theo nghi thức tôn giáo Cao Đài do Họ đạo Thị trấn Hòa Thành và xã Long Thành Bắc thực hiện, thu hút khá đông đảo đồng bào cả giáo lẩn lương về dự. Về nơi đây, mọi người đều mang chung một tâm trạng nôn nao, một cảm giác xúc động chan hòa như hành hương về với cội nguồn của dân tộc, về với ngôi Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đang  tưng bừng lễ hội…

Trong tâm thức của người Việt từ bao đời, ngày Giỗ Tổ đã trở nên hết sức thiêng liêng: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”, tưởng nhớ mười tám đời Vua Hùng có công dựng nước, đã trở thành một niềm tin tuyệt đối và không thể thay đổi. Chim có tổ, người có tông, bài học đầu đời ngày thơ ấu là truyển thuyết mẹ Âu Cơ lấy Lạc Long Quân sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con, sau đấy, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non… Truyền thuyết ấy đã thắm sâu vào từng mạch máu Việt Nam, để ai cũng có chung một niềm tự hào là con cháu Rồng Tiên.

Báo Quốc Từ (A. The Nationnal Pantheon. P. Le Panthéon national) có nghĩa là một đền thờ những danh nhân lịch sử, những người có công lớn với nước với  dân, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ độc lập, tự do cho tổ quốc.

Sau khi đạo Cao Đài được thành lập vào ngày 25-10 Bính Dần (1926) và công trình xây dựng Tòa thánh Tây Ninh (khởi công 1933) chính thức hoàn thành vào tháng Giêng năm 1955 thì Hội Thánh khởi công xây dựng Báo Quốc Từ theo sáng kiến của chính Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Công trình được xây dựng giữa một đoạn đường khá rộng như một quảng trường nay thuộc đường Hùng Vương, Thị trấn Hòa Thành (h. Hòa Thành).

Với chiều cao 6,5m , mỗi cạnh 4m với hàng rào kiên ố xung quanh, Báo Quốc Từ là một kiến trúc hình lục giác khá độc đáo, vừa  đậm đà tính dân tộc, vừa phảng phất tính hiện đại mới mẻ, được khánh thành vào ngày 16/8 Ất Mùi (01-10-1955).

Ở hai bên cổng trước có hai câu đối của cụ Hiến Pháp Trương Hữu Đức, một trong Thập Nhị Thời quân được chạm nổi:

-BẢO THỦ CƠ  ĐỒ ANH HÙNG DƯƠNG KHÍ PHÁCH.

-HỘ TRÌ QUỐC VẬN CHÍ SĨ HIỂN UY LINH.

(Gìn giữ cơ đồ đấng anh hùng nêu cao khí phách.
Hộ trì vận nước, bậc chí sĩ hiển lộ oai linh)

Phía trong ngôi đền, Quốc Tổ Hùng Vương được thờ trang trọng tại bàn thờ chính cùng các vị công thần, các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc và nhân dân trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Bên cạnh đó có linh vị và hình ảnh của các vị vua yêu nước nhà Nguyễn (Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân), thể hiện sinh động ý chí chống thực dân Pháp.

Bài vị  được  thờ viết theo chữ Hán:

Chữ lớn hàng giữa: HÙNG VƯƠNG QUÂN CHI THỈ
Hàng bên trái: CHIẾN SĨ TRẬN VONG
Hàng bên phải : CỨU QUỐC CÔNG THẦN 


Phía sau đền thờ  có một bàn thờ chiến sĩ trận vong có hàng chữ Vị Quốc Vong Thân, phía trên có quốc kỳ Việt Namđỏ thắm.

Trong dịp trùng tu và thiết lập hàng rào bao quanh Báo Quốc Từ và khánh thành ngày 20-10 Bính Ngọ (01-12-1966), cụ Bảo Thế  Lê Thiện Phước có đọc diển văn, khẳng định rõ nét việc hình thành ngôi đền nầy:

“Người Việt chúng ta tự ngàn xưa đã chất chứa trong cõi lòng một nguồn tri ân nồng hậu đối với những nhân vật nào, dầu xa dầu gần, bất luận người bổn xứ hay khách ngoại bang, đã chơn thành hi sinh tấm thân trần cấu giúp hộ cho quốc dân ta, tạo dựng một uy lực hùng cường trong quốc nội hay lập nên một ngôi thứ gì trong vạn chủng. Tính giao hảo giữa người thi ân và kẻ thọ ân bắt buộc như thế…”

Trong nghi thức Giổ Tổ hàng năm tại đây cũng có một bài kinh xưng tụng công đức của các anh linh được đồng đạo tôn thờ. Trong đó có những câu

“Bốn ngàn năm quốc gia đã lập
Cõi năm châu bồi đắp giang sơn
Trụ tâm nâng đở quốc hồn
Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai…”

Theo những người am hiểu về nguồn gốc của ngôi đền nầy cho biết, sở dĩ ngôi đền được xây dựng ở một vị trí khá đặc biệt là ở giữa đường không bên trái, không bên phải cũng không phải ở cuối đường hay đầu đường có ý nghĩa sự nghiệp của các tiên vương, các vị anh hùng vị quốc vong thân vẫn còn dang dở, cần có sự kế tục của các thế hệ hậu sinh. Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, Báo Quốc Từ nhìn từ xa như một đài sen luôn toát lên vẻ đẹp của con người Việt Nam, của tín đồ Cao Đài vốn tôn trong và gìn giữ muôn đời đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

                                                                          PHAN KỶ SỬU
                                                                      Ảnh: Nguyễn Cảnh



TƯỞNG NHỚ VUA HÙNG

 (Họa vận “Nhớ ơn Quốc Tổ của TH Phạm Quang Vinh)


Tưởng nhớ Hùng Vương, con một nhà
Chung lòng quyết tiếp bước ông, cha
Vung  thanh gươm thép ngăn mưu giặc
Phất ngọn cờ đào vững chí ta
Thẳng hướng tương lai, nhanh bước tiến
Xây nền ước vọng rạng mùa hoa
Giống rồng tiên  nối  vòng tay lớn
Lịch sử ngời thêm nét đậm đà


                      Vân Trinh  PHAN KỶ SỬU

                                (Tây Ninh)





CÒN NHỚ - thơ xướng họa của Ngọc Tình và Kha Tiệm Ly


CÒN NHỚ
 
Bỡ ngỡ hôm nào mới biết yêu
Chờ nhau thèn thẹn tím mây chiều
Sông xanh nước gợn ai trông ngóng
Đò vắng bến buồn bóng đổ xiêu
Làn tóc bồng bềnh theo gió thổi
Hàng mi xao xuyến gửi khăn thêu
Đá vàng năm ấy tan trong mộng
Dẫu chẳng thành duyên vẫn nhớ nhiều.

Ngọc Tình 



Bài họa

TÌNH CHIỀU

Một đời tìm được mấy lần yêu,
Lại khổ vì ai buổi xế chiều!
Ta bén tình em hồn lãng đãng
Cây say mùi rượu dáng liêu xiêu
Lửa hương lạnh lẽo trơ phòng vắng
Má phấn hững hờ lạnh gối thêu.
Góp nhặt tương tư đan mộng ảo
Cho dù vui ít khổ đau nhiều

Kha Tiệm Ly

TÌNH XA XỨ - thơ Nguyễn Thị Đông

Chợ bên đường của người Việt ở Houston, TX



Bỏ lại quê hương từ dạo ấy
Ngậm ngùi đếm mãi bóng thời gian
Làm người phiêu bạt thân xa xứ
Bên đời mòn mỏi chút tri âm ...

Người nhớ gì không những trang thơ
Hoa tím ngày xưa đã úa màu
Vầng trăng đành đoạn vầng trăng lỡ
Bến đợi sông chờ đã mất nhau.

Ừ cũng một đời hương đắm say
Một thời lộng gió áo tóc bay
Mắt nâu còn giữ màu mắt ấy
Áo trắng xưa còn vương mắt ai.

Ở đây trời xa mây giăng phố
Trông chuyến xe qua lại nhớ người
Có người xa xứ thương ngày cũ
Thôi hết ! Một đời mây gió trôi.


                              Houston, 4.2013
                             NGUYỄN THỊ ĐÔNG

ẢO VỌNG - Lê Văn Thanh họa nguyên đề thơ Thy Lệ Trang

           

           Đêm quạnh sao mờ em ở đâu ?
           Mây lùa trăng chạy gió hanh hao
           Xanh xao vườn mộng, sầu vương mắt
           U uẩn hồn đau, buốt vọng lầu
           Bóng chiếc buồn dâng, thi đẩy bút
           Hiên đơn tình đọng, tứ bay cao
           Thơ ngâm nghẹn tắc niềm mơ vọng
           Đêm quạnh sao mờ em ở đâu ?
                                 
                                Lê Văn Thanh
                                ĐT: 01696 088 466

BIỆT LY - thơ Kha Tiệm Ly



Sỏi đá xa rồi cũng nhớ nhau,
Sông buồn ai khéo vét thêm sâu?
Một làn má phấn bao mùi nhớ,
Nửa sóng thu ba mấy cuộc sầu!
Nắng hạ vừa nhom hoa phượng thắm,
Cây rừng vội thúc tiếng ve đau!
Em về mang cả hồn ta đó,
Còn để làm chi mấy hạt châu?


KHA TIỆM LY
99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho, Tiền Giang.
Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130
Email: khatiemly@gmail.com

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Linh Đàn giới thiệu TỰ SỰ - Thơ lục bát nguyên tác chữ Nôm của Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC

Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc


Linh Đàn kính giới thiệu:

TỰ SỰ
Thơ Lục Bát nguyên tác Chữ Nôm
của Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC  
(Xin bấm vào tên có liên kết để đọc thêm về Trần Đình Túc)



Nay mừng Năm cũ đã qua
Thung dung mới kể Nôm na vài lời
Đã sinh ra đứng làm trai
Ở sao cho xứng những lời dạy khuyên
Tam xuân tất cả chưa đền
Mười ân đã mất ba nguyền lại vương
Tình kia hiếu nọ đôi đường
Ơn bằng trời đất nghĩa dường núi sông
Tội riêng như đá chất chồng
Niềm chung nghĩ đến hãi hung xiết bao
Thung đường tuổi hạc càng cao
Mười đời trâm hốt (a) quang hào hiển vinh
Đôi phen trọng trấn Long Thành (Hà Nội)
Nhờ ơn Chín Bệ (b) thỏa tình bốn phương
Thỉnh hữu lũy sớ liên chương
Chín Tầng (b) trên cũng rộng thương Tôi già
Từ Thành thị, giã phồn hoa
Tạ Nùng Sơn, biệt Nhị Hà lui xe
Từ đây gió huệ đưa che
Làng nhà hơn tháng phút về đến nơi
Người tiếp rước kẻ khuyên mời
Những câu thanh cát những lời hàn huyên
Tiệc nầy thân thích dưới trên
Chỉ Xuân Kinh (c) lại tách miền xa xăm
Đồng liêu tay bắt tay cầm
Chen vai hàng lệ sang sân lạy quỳ
Chờ cho muôn đội hàng uy
Tăng gia phẩm cấp sử ghi tiếng vàng
Cát nhân thiên tướng Ngự ban
Nóc mưu đầu đội thanh nhàn chân lui
Bàn Môn cây cỏ đua tươi
Trăng Hương Bình gió Ứng Đôi đón chào
Mừng mừng rở rở xinh sao
Chắt reo trong dánh, cháu chào ngoài sân
Thảnh thơi bỏ lúc phong trần
Vườn Xuân một thuở - bản Xuân muôn ngày
Cầm đàn cầm độ đưa tay
Tiệc vui Thôn Ấp, lộc đầy đỉnh chung
“Một đời được mấy anh hùng”
Kìa nhà Bùi Độ (d) - nọ cung Hàn Kỳ (e)
Nền văn học món cầm thi
Trước so Văn Cử (f)- sau bì Tạ An (g)
Cổ nhân vầy tiệc truy hoan
Đàn thông phách suối tơ vàng thảnh thơi
Công tu cùng nặng hai vai
Anh khen em hiểu em thời anh trung
Bút nghiên về với xóm làng
Sớm hôm cần mẫn điểm trang ruộng đồng
Bạn bè cùng với lão nông
Đào sông ngăn đập thỏa lòng bấy nay
Dạy con cháu - nhắc tớ đầy
Đứa chèn hói nọ, đứa cày ruộng kia
Tiếng chim thánh thót quanh hè
Cá tung tăng nhảy dưới khe lững lờ
La Ông lụm cụm chào thưa (Ông Lão Họ La trong làng)
Ruộng xưa ta đắp bây giờ đã nên
Hơn năm trăm mẫu thành điền
Công dân mọn mọn, nhờ quyền cao cao
Xin dâng dưỡng lão chốn nào
Kẻo lòng trên dưới ước ao những ngày
Biết tình cố cựu xưa nay
Ơn Vua ban cấp lộc đầy chung thân (h)
Chi phiền của lính công dân
Lãnh phần ruộng ấy xin dâng lại Làng.
Hội Xuân mát mẻ vừa sang
Trúc reo tiếng hát đào ran giọng cười
Nước Hương Bình vẫn trôi xuôi
Cá tôm luống những đượm mùi quê hương
Tóc râu ngoài độ điểm sương
Phơ phơ đầu bạc sắp sang bát tuần
Hỏi ai còn mấy mùa xuân
Hỏi duyên kỳ ngộ Châu Trần mấy khi
Lao nhân trời đã dành chia
Ngữa nghiêng với sách mệt mề theo bông
Duyên cá nước - hội mây rồng
Phút đâu lại thấy tơ lòng dục đôn (i)
Một lời dặn khắp cháu con
Guốc tre gác lại cửa son bước vào (k)
Quên mình ra vẻ trâm đào
Ngập ngừng bước thấp bước cao lạy quỳ
Lệnh truyền đâu dám suy bì
Bắc Nam là phận truy tùy đã quen
ChínTầng đã nhớ đến tên
Một lòng xin quyết muôn truyền họa may
Hỏa cơ thuyền khói xa bay
Theo chân một trẻ vài ngày đến nơi
Công đường gươm dáo sáng ngời
Bốn phương súng đạn một trời lầm than
Cờ Đen Vỉnh Phúc kéo sang (l)
Áo ào gió thổi bụi đường chiến chinh
Thương thay vận nước dân mình
Đông Tây hai ngả hảm thành Thăng Long
Đòi phen lưỡng Hổ tranh hùng
Thứ dân vô tội, Hoàng ung rối bời
Triều Thần còn chỉ một hai
Phụng vâng Chiếu, đơn sai đàm nào
Nghĩ mình Khâm mạng trời cao
Trong cơn nước lửa liệu sao vuông tròn
Thương người lòng dạ sắt son
Cổ thành tuẩn tiết sữ còn lưu danh
Luân hồi sanh tử tử sanh
Phận mình đâu trót dân tình sao đây?
Quân Tàu hạ sát tướng Tây
Trên Ô Cầu Giấy máu đầ thịt phơi (l)
Một mình chống chọi đôi nơi
Là đem dân chúng chôn vùi thảm thê
Thiệt hơn phải chịu một bề
Cửu trùng đã có châu phê nghị hòa
Nước nhà khỏi bước phong ba
Thanh bình cho đỡ phiền hà lê dân
Bắc Hà giao lại quan quân
 Kinh kỳ trở gót, trước sân lạy quỳ
Vua ban “Xữ thế tùy nghi”
Lão lai tài tận xin về cố hương
Hồ Sơn ngào ngạt đua hương
Sữ xanh ghi lại mấy chương tâm tình
Nợ nần từ buổi thư sinh
Trân cam từ buổi tóc xanh đã từng
Đỉnh chung đâu dám phụ lòng
Điền viên ui thú Ngư Ông tháng ngày
Rôi đây thế cuộc vần xoay
Một lòng chung thủy dở hay khôn lường
Đời người có lúc sang trang
Chuyện đời còn mãi rõ ràng trước sau
Dặn dò con cháu đôi câu
Hiếu trung tiết hạnh khắc sâu trong lòng./.

                             TRẦN ĐÌNH TÚC
Ghi chú:

a) Trâm Hốt  =  Cái trâm cài đầu, và cái hốt câm tay, người quyền quý, - ngày xưa thi đậu tiến sĩ  hay làm đến Dường quan mới có trâm hốt (Hán Việt Từ Diển - Đào Duy Anh)
b) Chín bệ, chín tầng = Cửu Trùng là vua
c) Xuân Kinh  =  Kinh Thành Phú Xuân = là Huế. 
d) Bùi Độ (765-839) tự Trung Lập, người Văn Hy, Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên, được bổ làm Giám sát ngự sử, sau được thăng làm Ngự sử trung thừa rồi làm đến chức Tể tướng. Năm Nguyên Hoà thứ 12 (817), Ngô Nguyên Tế chiếm giữ Thái Châu (Hoài Tây) nổi loạn chống triều đình. Tháng bảy, ông được phong làm Hoài Tây tuyên uý chiêu thảo sứ đi đánh dẹp. Sau khi dẹp được loạn, ông được phong tước Tấn quốc công, về sau hoạn quan chuyên quyền, ông từ quan về ở Lạc Dương. Khi mất, ông được phong thuỵ là Văn Trung. Trong "Toàn Đường thi" hiện còn mười tám bài thơ của ông.
e) + f) chưa tim ra điển tích
(g) Vương Thản Chi Tạ An = Đời Tấn (265-420) là một nhà thế phiệt trâm anh, lúc thư nhàn thường hay chở rượu đến Đông Sơn  cùng các kỵ nữ hòa nhạc vui chơi, lúc hưng thịnh chim én về làm tổ đầy nhà, lúc suy vong chim én bay đi hết, để phân biệt người sang kẻ hèn Vương, Tạ thường mặc áo đen, nên người đời nói cửa ngỏ của Vương, Tạ là "Ô -Y hạng"=là hẻm áo đen, sau nầy có bài thơ Ô -Y - Hạng của Lưu Vũ Tích
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.
h) Cấp ruộng đất để làm hưu bổng đến hết đời. nhưng rộng đất ấy Ông đem chia cho dân làng.
i) Dục Đôn = Tiếng Việt cổ =cõi lòng thấy thúc dục, và đôn đốc hối hả.
k) Đoạn nầy tác giả tả lúc hồi hưu ở Bàn Môn, tỉnh Thừa Thiên, nhưng vua triệu hồi nhân lệnh mới
L) Lưu Vĩnh Phúc theo Bách Khoa Toàn Thư (Xin bấm vào tên có liên kết để đọc thêm về Lưu vĩnh Phúc)

Ngọc Tình - HÃY QUÊN

Ngọc Tình


                     Tặng em ĐL

Hãy quên đi khi gió đùa mây mãi
Hoa mướp vàng vẫn bên dậu nhà ai
Sông ngâu kia ở mãi tận trời cao
Cầu ô thước nối đôi bờ tháng bẩy

Không còn bóng vì hoàng hôn đã tắt
Con đường xưa trăng sao chẳng hiện ra
Đêm tối đen cao thấp bước chân qua
Không uống rượu mà thân em nghiêng ngả

Ta có yêu nhưng duyên gieo thì hỏng
Đàn rung lên mà lỗi nhịp vì sao?
Tơ không kết, trăng không hẹn khi nào
Người ơi người khi tình ai đã nhạt

Quả đất tròn sẽ có ngày gặp lại
Không làm lơ lòng tràn đầy thân ái
Em gái ơi tay nắm chặt bàn tay
Hoa hồng thơm vẫn tỏa ngát mỗi ngày.

TN 12-4-2012
Ngọc Tình

Trần Thị Quỳnh Hoa - KIẾP PHÙ DU

Quỳnh Hoa











Đường dài mới biết ngựa hay
Lòng người muốn rõ đợi ngày mà thôi
Kiếp người trót đã nhận rồi
Cũng xin được trả ơn đời cưu mang
Dầu ai ngang trái bẽ bàng
Giữ câu nhân nghĩa ngàn vàng không phai

Vui cùng nắng sớm, sương mai
Tạm quên ngày tháng, đường dài đa đoan

Gom bao đau khổ trần gian
Thả theo mây gió cho nhàn thân ta
Đời là một cõi phù hoa
Người là con rối, nghĩ mà chán chê
Nhớ câu “sống gửi, thác về"
Rồi trong chung cuộc cũng  bề tay không

Sống sao cho nhẹ cõi lòng
Trung dung tự tại thong dong một đời

TT. Quỳnh Hoa

Châu Thạch - Đọc bài thơ “RU NGƯỜI TÌNH NGỦ” của NGUYỄN VĂN TÀI

 Nguyễn Văn Tài và Ngã Du Tử


RU NGƯỜI TÌNH NGỦ

Giữa cơn bát nháo cuộc đời
Ta ru em ngủ bằng lời trái tim
Ầu ơ ! bảy nổi ba chìm
Bao giông tố vẫn còn đêm tương phùng.

Dịu dàng chăn ấm đắp chung
Cho em quên những lạnh lùng thế nhân
Vai ta từ độ phong trần
Cho em tựa giấc hồng nhan lạc loài.  

Giữa mông lung của đêm dài
Ôi ! long lanh một hình hài vẹn nguyên
Nửa phàm tục, nửa thần tiên
Tơ duyên bèo bọt mà thiêng liêng tình.  

Ngủ đi ! Mình của hai mình
Lời ru ta nguyện đón bình minh lên
Lời ru ta dẫu không tên
Cũng mong tan hết vào em đêm nầy.                                                                    
 
Tây Ninh 4.2013
NGUYỄN VĂN TÀI


Lời bình: Châu Thạch

Lâu quá không đọc được thơ Nguyễn Văn Tài. Tình cờ đọc được “Ru người tình ngủ” của nhà thơ trên trang web phongdiep.net, tôi có cảm tưởng như mình gặp lại bạn xưa. Tôi không biết “Ru người tình ngủ” là một bài thơ Nguyễn Văn Tài hư cấu hay là sự thật, nhưng mà, chẳng người đàn ông nào không mơ ước cái cảnh mê ly kia. Đọc bốn câu thơ mở đầu, không hiểu vì sao tôi cứ liên tưởng đến một cơn bão vừa đi qua, cây đổ nhà xiêu nhưng bầu trời trở nên trong veo và êm ả :
               
Giữa cơn bát nháo cuộc đời
Ta ru em ngủ bằng lời trái tim
Ầu ơ ! bảy nổi ba chìm
Bao giông tố vẫn còn đêm tương phùng.

Quả thật sự liên tưởng của tôi không sai mấy, vì được ru em giữa cơn bát nháo cuộc đời, giữa bảy nổi ba chìm thì thời gian lúc ấy có khác chi bầu trời sau cơn giông bão kia đâu.
Vì sao tác giả ru em ngủ bằng lời trái tim?  Lời trái tim có nghĩa là không có lời gì cả mà chỉ có sự rung động trong tim anh và sự đồng cảm giữa hai người. Bốn câu thơ giới thiệu một khung cảnh đoàn tụ “Như không hề có cuộc chia ly” thật là đằm thắm và chắc có lẽ vô vàn sự ngọt ngào mà không cặp tình nhân nào còn nhớ nhau, không mơ ước một lần có lại.

Qua vế thứ nhì của bài thơ, tác giả đưa vai làm người hùng để che chở cho em nhưng thật ra qua thơ, không ai không thấy rõ rằng, chính chàng đang tìm ở nàng niềm an ủi vô  biên:

Dịu dàng chăn ấm đắp chung
Cho em quên những lạnh lùng thế nhân
Vai ta từ độ phong trần
Cho em tựa giấc hồng nhan lạc loài.

Dịu dàng đắp chăn ủ nàng trong hơi ấm, lấy đôi vai phong trần của mình làm điểm tựa cho em gối đầu mà  ngủ, chẳng qua cũng giống như hai con thuyền tựa nhau trôi giạt sau nhiều ngày lênh đênh trong bão táp.

Với bốn câu thơ nầy tác giả làm người độ lượng, làm một mái nhà, làm một chiếc phao êm ái, nhưng thật ra con người, ngôi nhà hay chiếc phao kia đã hoang tàn vì năm tháng, bây giờ ấm lên vì khách xưa viếng lại chốn xưa. Đọc bốn câu thơ ta thấy lòng ta cũng ấm như chính ta được đắp chăn, được tựa vai người mà ngủ.

Khổ thứ ba giống như hai câu luận của một bài thơ Đường, tác giả giải rộng ra để người đọc hiểu sâu hơn tâm trạng của người trong cuộc giữa đêm dài kề cận bên nhau, sau nhiều tháng năm xa cách, chịu bao nhiều vùi dập của cuộc đời:

Giữa mông lung của đêm dài
Ôi ! long lanh một hình hài vẹn nguyên
Nửa phàm tục, nửa thần tiên
Tơ  duyên bèo bọt mà thiêng liêng tình.

-“Nửa phàm tục, nửa phần tiên”: Có lẽ nàng là tục đối với đời vì là “hồng nhan lạc loài” nhưng vẫn là tiên đối với người thi sĩ vì nàng vẫn “Long lanh một hình hài vẹn nguyên”. Cái hình hài vẹn nguyên vừa tục vừa tiên đó đã mang đi cuộc tình làm cho tơ duyên bèo bọt, mà nhờ đó nên bây giờ mới hóa thiêng liêng. Ôi chao, nếu nàng không bóp nát ra cho thành bèo bọt thì biết đâu đã trở thành như rơm rác lâu rồi.

Tội nghiệp cho Nguyễn Văn Tài, anh luôn luôn có một niềm hy vọng, tin tưởng vào nhân thế, tin tưởng vào cuộc đời nên vế chót của “Ru người tình xưa” có hậu vô cùng:
                  
Ngủ đi ! Mình của hai mình
Lời ru ta nguyện đón bình minh lên
Lời ru ta dẫu không tên
Cũng mong tan hết vào em đêm nầy.

Với tôi, tôi nghĩ rằng thà bình minh đừng lên và hai người ôm nhau chết trong đêm thì bài thơ sẽ làm cho nhiều người rơi lệ, nhưng như thế thì ác quá phải không? Và như thế thì đâu phải thơ Nguyễn Văn Tài.

Đà Nẵng tháng 4.2013
CHÂU THẠCH